
‘Nhiều người cho một đống đá vào ly rồi mới rót bia, sau đó nốc ừng ực, không cảm thấy ngon’.
“Dù là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới, nhưng tôi tin rằng, rất nhiều người Việt không thực sự biết thưởng thức bia, rượu đúng cách.
Tôi để ý thấy thói quen của nhiều người khi nhậu là cho nhiều đá vào ly rồi mới rót bia và uống rất nhanh. Cái này như uống lấy số, thi nhau xem ai uống nhiều lon hơn, nhưng thực chất là uống 80% nước đá chứ vị bia nhạt thếch.
Thật phí công của nghệ nhân làm bia, tạo ra đủ mọi loại mùi vị khác nhau, họ cứ cho toàn đá, uống loãng, đúng nghĩa là ‘thực bất tri kỳ vị’.
Đúng ra, uống bia thưởng thức là phải dùng loại ly pha lê mỏng, gõ kêu ‘coong’, còn bia phải thật lạnh, rót ra chầm chậm khoảng một nửa ly. Sau đó, người uống hít một hơi để cảm nhận mùi bia, rồi uống từ từ từng ngụm nhỏ, dùng vòm họng để phân biệt các mùi bia. Nói chung, cách thưởng thức gần giống như uống rượu vang, chứ không phải uống ừng ực ‘trăm phần trăm’ như các bợm nhậu ở Việt Nam.
>>
Ngay cả kiểu uống của mấy thanh niên choai choai Âu – Mỹ là cầm chai bia uống ừng ực cũng không đúng cách. Còn uống kiểu cho viên đá khổng lồ choán gần hết ly bia rồi nốc cạn như người Việt lại càng sai. Tóm lại, ‘văn hóa nhậu’ của dân nhậu lè nhè, dù là trong nước hay nước ngoài, cũng chỉ là thói quen bê tha, chứ không phải văn hóa rượu bia đúng nghĩa.
Tôi vào một quán bar ở Việt Nam, thấy người ta uống rượu còn kinh hơn. Chai Hennessy công phu, ủ 12-24 năm mới ra một mẻ, mà mấy ông bợm nhậu rót ra pha đá, rồi uống ực một phát”.
Đó là chia sẻ của độc giả về . Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á về tiêu thụ rượu bia, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2024, với 8,9 lít cồn nguyên chất bình quân mỗi người (trên 15 tuổi) năm 2019, vượt Thái Lan (8,3 lít) và Singapore (2,9 lít). Nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học PubMed Central cho thấy 38,6% nam giới ở một tỉnh miền Tây uống nhiều hơn 5 ly mỗi tuần, phản ánh mức độ phổ biến của văn hóa nhậu. Nền tảng du lịch Sens Asia Travel cũng lưu ý du khách nước ngoài để tránh bị sốc với thói quen uống rượu bia ở Việt Nam.
Cùng chung cảm nhận về sai lầm trong cách uống rượu, bia của người Việt, bạn đọc so sánh: “Ở phương Tây, người ta thường uống bia, rượu ở quán bar, club vào những ngày nghỉ lễ và cuối tuần. Còn ở Việt Nam, tôi thấy các quán nhậu mọc lên tràn lan, tiệc nhậu khắp nơi và người nhậu thì ngày giờ nào cũng có. Người ta vui thì nhậu chia vui, mừng thì nhậu chúc mừng, buồn lại nhậu chia buồn, rảnh rỗi cũng nhậu cho qua ngày giờ… Và không ít những vụ nhậu nhẹt đến say xỉn rồi đâm, chém luôn bạn nhậu. Nói chung, thói quen nhậu của người Việt vô cùng độc lạ, và không thể xem là văn hóa rượu bia”.
Là người đã đoạn tuyệt hoàn toàn với rượu bia, độc giả nhận thấy sự khác biệt rõ rệt: “Tôi đã bỏ hoàn toàn bia rượu và các loại đồ uống có cồn được 45 năm rồi. Trước đây, mỗi tuần tôi cũng chỉ uống 12 lon là cùng, nhưng giờ thì không còn nhu cầu đó nữa. Từ khi bỏ nhậu, tôi thấy mình đã tự do hơn, không còn lệ thuộc vào hơi men nữa.
Dừng uống, tôi thấy bản thân nhẹ nhõm hơn rất nhiều: đầu óc minh mẫn, tinh thần sảng khoái, giấc ngủ cũng sâu và chất lượng hơn. Tôi có thêm thời gian để tập thể dục, năng lượng tích cực hơn, và thú vị là nhiều ý tưởng trong công việc và cuộc sống cứ thế mà đến tự nhiên hơn. Tôi cũng được khen trẻ trung nhiều hơn so với tuổi của mình, hầu như ai cũng nghĩ tôi trẻ hơn 5, 6 tuổi. Thế mới thấy, cuộc sống ngoài kia có bao nhiêu thứ hay ho, sao chúng ta cứ phải lao đầu vào cái thứ chất độc đó?”.
- ‘Nồng độ cồn bằng 0’ khiến nhiều người chưa tâm phục
- Nhiều quán nhậu vẫn đắt khách dù siết nồng độ cồn bằng ‘0’
- ‘Bị phạt 7 triệu đồng vì chén rượu uống từ hôm trước’
- Hết lo mang tiếng ‘không nể mặt’ từ lúc có quy định độ cồn bằng 0
- Ngụy biện ‘ăn tôm hấp bia bị phạt nồng độ cồn’
- ‘Không ai ép được tôi uống rượu ngày Tết’