
Sự kiện thu hút nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia, nhằm thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị hiệu quả, bao gồm quản trị biến đổi khí hậu để hướng tới phát triển bền vững – Ảnh: BÔNG MAI
Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) và Hội Doanh nghiệp xanh TP.HCM (HGBA) lần đầu tiên phối hợp tổ chức buổi hội thảo “Quản trị biến đổi khí hậu: Chiến lược, cam kết và hành động của các doanh nghiệp”, diễn ra vào hôm nay 14-5, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan trở thành nỗi lo đứng đầu
Ông Simon C.Y. Wong – cố vấn độc lập, trưởng khoa tài chính bền vững của Viện Lãnh đạo phát triển bền vững Cambridge (Vương quốc Anh) – dẫn báo cáo khảo sát “Tình hình khu vực Đông Nam Á năm 2025” của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, với nhiều dữ liệu đáng chú ý.
Đa số người dân Đông Nam Á (55,3%) cho rằng biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan mới chính là thách thức lớn nhất của khu vực hiện nay, vượt qua cả nỗi lo thất nghiệp và suy thoái kinh tế. Riêng tại Việt Nam, quốc gia hứng chịu những cơn bão lớn trong thời gian qua, có 70,3% người tham gia khảo sát đã đồng tình với ý kiến trên.
Trong bối cảnh cấp thiết, ông Simon nhấn mạnh: “Chuyển đổi và xây dựng kế hoạch hành động vì biến đổi khí hậu là một hành trình tất yếu của tất cả các doanh nghiệp, đòi hỏi cam kết mạnh mẽ, sự đầu tư về thời gian, nguồn lực, cùng với tinh thần học hỏi và cải tiến liên tục”.
Ông Đinh Hồng Kỳ – chủ tịch Hội Doanh nghiệp xanh TP.HCM – nhận định biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai. Với doanh nghiệp, đây là bài toán sống còn. Không chỉ dừng lại ở việc thích ứng, doanh nghiệp Việt còn phải tái cấu trúc, tư duy chiến lược và hệ thống, liên kết chặt chẽ các yếu tố ESG: môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kiên trì chuyển đổi xanh mới hái quả ngọt bền vững
“ESG không chỉ là trách nhiệm. Đó là xu hướng bắt buộc”, ông Phan Minh Thông – tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh – nhấn mạnh. Hiện doanh nghiệp đang xuất khẩu tiêu, cà phê và nhiều nông sản Việt sang 102 quốc gia trên thế giới, doanh số ước tính năm nay đạt 320 triệu USD.
Theo ông Thông, khi xuất khẩu trên thế giới, đặc biệt là châu Âu rất chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và sản phẩm bền vững. Muốn bán được hàng và với giá cao hơn, bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư vào chứng nhận nông nghiệp bền vững.
Giai đoạn đầu, doanh nghiệp này đã bị “thất bại, rất đau đớn”. Nhưng với nhiều nỗ lực, cuối cùng đã đạt được chứng nhận Rainforest Alliance (sản phẩm đáp ứng tiêu chí nghiêm ngặt về tính bền vững về ESG) và nhiều chứng nhận quan trọng khác.
Song song đó, hợp tác các công ty chế biến thực phẩm toàn cầu để cung cấp nguyên liệu bền vững và có thể truy xuất nguồn gốc cho thế giới. Hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang thực hành canh tác bền vững, đầu tư các trang trại hữu cơ và các mô hình nông nghiệp tái tạo… Những việc này còn giúp doanh nghiệp thu hút vốn từ quỹ đầu tư quốc tế.
Bà Võ Thị Liên Hương – phó chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty cổ phần Secoin – cho biết: “Người ta tin vào chứng chỉ, chứ nói nhà máy tôi xanh thì không ai tin”.
Hiện doanh nghiệp cung cấp gạch bông được chứng nhận an toàn cho môi trường và sức khỏe con người với xếp hạng VOC Class A+ (mức cao nhất và an toàn nhất). Để làm được việc này, gạch bông sản xuất thủ công từ các nguyên vật liệu tự nhiên, không sử dụng đất sét – không làm ảnh hưởng tới đất nông nghiệp trong quá trình sản xuất, quy trình sản xuất xanh…
“Doanh nghiệp Việt phải chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ, không nhắm mắt cho qua. Với kinh nghiệm thực tiễn mà tôi biết, những công ty thành công chuyển đổi xanh đều thuận lợi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu, Mỹ… Thành quả không chỉ gắn liền với trách nhiệm về biến đổi khí hậu, mà tạo ra những giá trị tính bằng rất nhiều tiền”, bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh – phó tổng giám đốc SolarBK – nhìn nhận.