Nhiều nhà khoa học sợ thất bại, ‘sai do vô ý’ nhưng bị xử lý

Nhiều nhà khoa học sợ thất bại, ‘sai do vô ý’ nhưng bị xử lý

bởi

trong

Chiều 6.5, tiếp tục kỳ họp Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo thảo luận tại tổ về dự luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh, luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo rất cần thiết để tạo đột phá về tăng trưởng trên 8%, phát triển kinh tế tư nhân, sắp xếp tinh gọn bộ máy…

Nhiều nhà khoa học sợ thất bại, ‘sai do vô ý’ nhưng bị xử lý

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh)

ẢNH: GIA HÂN

Đồng tình với quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong dự thảo luật là thực sự cần thiết, theo đại biểu Tuấn, đổi mới sáng tạo luôn đi kèm những rủi ro, thậm chí rủi ro cao. Thực tế hoạt động nghiên cứu khoa học, thử nghiệm các công nghệ mới luôn tiềm ẩn rủi ro thất bại, nhưng đây cũng là động lực quan trọng để thúc đẩy đột phá phát triển.

“Nếu không chấp nhận rủi ro, tổ chức, cá nhân sẽ rất e ngại dấn thân vào nghiên cứu sáng tạo, làm trì trệ, tụt hậu đất nước”, ông Tuấn chia sẻ.

Cũng theo đại biểu, kinh nghiệm các nước trên thế giới đều có cơ chế đảm bảo an toàn pháp lý để bảo vệ nhà khoa học, các doanh nghiệp khoa học công nghệ được miễn trách nhiệm hình sự hoặc dân sự khi thất bại. Điều kiện, khi nghiên cứu thất bại có chủ đích tốt, không vụ lợi, không cố ý gây thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước và cộng đồng xã hội.

“Việt Nam thời gian qua có không ít trường hợp các viện, trường đại học hay các nhà khoa học vẫn còn tâm lý lo sợ thất bại, sợ “sai do vô ý”. Họ sợ vì cơ chế xử lý vi phạm của pháp luật hiện hành rất cứng nhắc”, ông Tuấn băn khoăn.

Việc quy định nội dung “chấp nhận rủi ro” là hoàn toàn đúng đắn, song, theo đại biểu này, để tránh lạm dụng, luật cần quy định thật chặt chẽ, bảo đảm cân bằng giữa khuyến khích sáng tạo và trách nhiệm xã hội. 

Ông Tuấn đề nghị nếu giao Chính phủ hướng dẫn thì nghị định cần quy định chặt chẽ những vấn đề cốt lõi, như phạm vi rủi ro được chấp nhận. Đơn cử, chỉ nên áp dụng cho rủi ro phát sinh từ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo có tính đột phá, không lường trước, không do cố ý hoặc thiếu trách nhiệm.

Đặc biệt, dự án phải có mục đích rõ ràng, minh bạch, không tạo vỏ bọc để trục lợi chính sách. Ví dụ như dự án trí tuệ nhân tạo AI hợp tác với công ty nước ngoài nhưng dữ liệu nghiên cứu bị sử dụng cho mục đích giám sát hoặc thương mại hóa trái phép. Hay có dự án sử dụng người thân, đồng nghiệp làm “hội đồng phản biện” để thông qua, báo cáo ảo, sao chép nghiên cứu từ nước ngoài không ghi nguồn…

Không biến cơ chế chấp nhận rủi ro thành “lá chắn an toàn”

Theo ông Tuấn, các dự án phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, được thẩm định bởi các cơ quan có thẩm quyền như Bộ KH-CN, Hội đồng đạo đức khoa học cấp quốc gia… “Chấp nhận rủi ro sẽ thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhưng không nên biến cơ chế này thành lá chắn an toàn cho hành vi thiếu trách nhiệm, lợi dụng để trục lợi chính sách”, đại biểu nhấn mạnh.

 - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính

ẢNH: GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, thì cho hay, “theo thống kê cứ 10 nghiên cứu khoa học, thành công được 3 – 4 nghiên cứu đã là tốt”. Theo ông, nếu không có quy định chấp nhận rủi ro trong đổi mới sáng tạo sẽ khó khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển. 

Tuy vậy, ông Hùng băn khoăn quy định “tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo không bị truy cứu trách nhiệm nếu tuân thủ đúng quy trình…”.

Lý do, trên thực tế, nhiều nghiên cứu quy trình, quá trình thực hiện đầy đủ nhưng kết quả không khả thi, khó thương mại hóa, nhiều kết quả nghiên cứu xếp ngăn kéo không được vận hành. 

“Nếu chỉ tuân thủ đúng quy trình nghiên cứu mà không bị truy cứu trách nhiệm, chấp nhận rủi ro thì chưa hợp lý, cần bổ sung điều kiện trong chấp nhận rủi ro để đảm bảo chặt chẽ hơn”, ông Hùng nói.