Nhiều rủi ro khi sầu riêng tăng trưởng nóng

Nhiều rủi ro khi sầu riêng tăng trưởng nóng

bởi

trong

Đó là thông điệp đưa ra tại hội nghị “Phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững”do Bộ Nông nghiệp và Môi trường và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức chiều 24.5 tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sầu riêng là một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu mạnh mẽ nhất của Việt Nam. Trong gần 10 năm, sầu riêng có quy mô diện tích từ 32.000 ha năm 2015 tăng lên gần 180.000 ha vào năm 2024 (tăng 6 lần); sản lượng cũng tăng tương ứng, vượt ngưỡng 1,5 triệu tấn vào năm 2024. Đáng chú ý, tỉnh Đắk Lắk đã vươn lên dẫn đầu cả nước với diện tích trên 38.800 ha, chiếm gần 22% tổng diện tích trồng sầu riêng toàn quốc.

Sau khi Nghị định thư xuất khẩu với Trung Quốc được ký kết vào tháng 7.2022, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã có bước nhảy vọt. Chỉ sau hai năm, kim ngạch năm 2024 đã cán mốc hơn 3 tỉ USD, đưa sầu riêng trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược, đóng góp quan trọng vào chỉ tiêu tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản…

Nhiều rủi ro khi sầu riêng tăng trưởng nóng

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác tham quan vườn sầu riêng ở Đắk Lắk

ẢNH: C.T.V

Đánh giá về ngành hàng sầu riêng Việt Nam, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng có 7 tồn tại, thách thức cần phải cấp bách khắc phục và hành động quyết liệt trong thời gian tới để phát triển bền vững ngành hàng “tỉ đô”.

Đó là tăng trưởng nóng về sản lượng, diện tích và quy mô xuất khẩu; yêu cầu kỹ thuật của các nước ngày càng nghiêm ngặt; quản lý chất lượng sầu riêng chưa hiệu quả; cơ sở pháp lý chưa đủ mạnh; sự vào cuộc của địa phương chưa rõ nét; nhận thức và trách nhiệm của vùng trồng, doanh nghiệp còn hạn chế; công nghệ bảo quản, chế biến còn đơn giản, chưa đồng bộ, phụ thuộc chủ yếu vào xuất tươi (tươi hoặc đông lạnh); phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và sự cạnh tranh quyết liệt của các quốc gia sản xuất sầu riêng khác.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, sự phát triển và tăng trưởng “nóng” cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu thiếu định hướng và công cụ quản lý đồng bộ. Thực tế, trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành hàng sầu riêng đã đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng cả về quy mô và giá trị xuất khẩu.

“Nếu không kịp thời có những giải pháp quản lý căn cơ, bài bản, đồng bộ, chúng ta sẽ phải đối mặt với vòng xoáy tiêu cực: dư thừa sản lượng – giá sụt giảm – mất thị trường, và nghiêm trọng hơn cả là suy giảm niềm tin của khách hàng và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành trái cây xuất khẩu”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhận định.

Nhiều rủi ro khi sầu riêng tăng trưởng nóng- Ảnh 2.

Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững tại Đắk Lắk

ẢNH: C.T.V

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các địa phương phát triển sầu riêng cần khẩn trương rà soát lại các vùng trồng phù hợp, tránh tình trạng mở rộng tự phát, lạm dụng đất rừng; quản lý nghiêm ngặt quy hoạch, không để việc phát triển “nóng” làm tổn hại đến cân bằng sinh thái và an toàn sản xuất.

Bộ trưởng nhấn mạnh phải xác định rõ trách nhiệm của từng chủ sở hữu mã số theo đúng quy định, đồng thời phát triển hệ thống kiểm soát nội bộ tại từng địa phương. Việc kiểm tra định kỳ, xử lý nghiêm các hành vi gian lận mã số sẽ được quy định rõ trong thông tư sắp ban hành.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, để ngành sầu riêng phát triển ổn định và bền vững, cần hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết khép kín, trong đó khuyến khích đầu tư kho lạnh, trung tâm logistics và cơ sở sơ chế hiện đại.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn sản xuất và xuất khẩu sầu riêng để Bộ Nông nghiệp và Môi trường có cơ sở điều chỉnh chính sách phù hợp.