Nhiều starup xanh “mắc kẹt” trong bài toán vay vốn từ ngân hàng khi thiếu tài sản thế chấp hoặc chính sách chưa rõ ràng.
Sau khi giành giải quán quân một cuộc khi về tăng tốc khởi nghiệp cho startup xanh, đầu năm nay, Công ty cổ phần Alternō Việt Nam tự tin đi vay vốn ngân hàng để mở rộng thị trường. “Chúng tôi bị từ chối vì không có tài sản cố định để thế chấp”, ông Hồ Việt Hải, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc công ty, kể.
Alternō cung cấp giải pháp lưu trữ nhiệt bằng cát, thay thế nhiên liệu hóa thạch trong hoạt động sấy nông sản, xử lý thực phẩm. Giải pháp này của họ có thể giúp chi phí vận hành giảm 5-15%.
Dù từng có bệ phóng tốt từ một số giải thưởng uy tín trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, họ vẫn gặp nhiều rào cản, một trong số đó là khó vay vốn ngân hàng.

Kỹ thuật viên Alternō kiểm tra hệ thống trước khi bàn giao cho khách, tháng 9/2024. Ảnh: Alternō
Tiếp cận vốn cũng là thách thức của Công ty cổ phần Thời đại Men vi sinh (Yeast Era). Họ sản xuất protein sinh học từ tận dụng tinh bột sắn – gạo, hoặc nông sản dư thừa như trái cây tươi, làm nguồn carbon cho quá trình lên men.
Yeast Era từng gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam và là quán quân cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Techfest 2024). Nhưng hiện họ bị mắc kẹt trong bài toán cân đối dòng tiền.
Sản phẩm mới với người dùng khiến doanh số, doanh thu của Yeast Era chưa ổn định. Để có vốn phát triển, họ cần vay ngân hàng nhưng lại được yêu cầu chứng minh kinh doanh có lãi hoặc phải có tài sản thế chấp. “Nhà xưởng và đất chúng tôi đi thuê, nên không thể thế chấp”, ông Lê Quang Thành, Giám đốc kỹ thuật Yeast Era, nói.
Thực tế, vay vốn xanh từ ngân hàng không dễ, dù các starup có tổ chức trung gian hỗ trợ. Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng trực tiếp làm việc với ngân hàng để hỗ trợ vốn cho một startup xanh, nhưng thất bại.
“Ngân hàng rất muốn cho vay, nhưng điều chỉnh theo các tiêu chí về quản trị rủi ro, tiêu chí xanh lại chưa rõ ràng, nên họ không thể cấp vốn”, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI, nói tại Diễn đàn ESG hôm 23/4.

Dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam từ 2015-2024. Nguồn: FiinRatings/Ngân hàng Nhà nước
Đại diện tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhấn mạnh điều kiện vay còn phức tạp, đòi hỏi minh bạch về tài chính, trong khi thiếu các cơ quan thẩm định công nghệ xanh. Tính tới cuối năm 2024, dư nợ tín dụng xanh của cả nước khoảng 679.000 tỷ đồng, chiếm 4,35% trong tổng dư nợ nền kinh tế (15,6 triệu tỷ đồng).
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, nêu lý do tỷ trọng trên khiêm tốn bởi Việt Nam chưa có danh mục xanh quốc gia. Danh mục 12 ngành xanh do Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) ban hành 8 năm trước, không còn phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hay cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050, theo bà Tùng.
“Chúng tôi cần một danh mục xanh quốc gia, gồm tất cả ngành, lĩnh vực chuyển đổi xanh để có thể cấp vốn. Lúc đó, quy mô tín dụng xanh sẽ tăng lên nhiều”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.
Không thiếu vốn, nhưng chính sách chưa rõ ràng để các starup tiếp cận thị trường cũng là rào cản “trói chân” họ. Công ty TNHH Nhựa sinh học Buyo, quán quân Techfest 2023, nói sản phẩm của họ được đón nhận tại châu Âu, thị trường áp chính sách cấm nhựa một lần, nhưng lại chật vật ở Việt Nam.
Họ phát triển công nghệ vật liệu sinh học phân hủy từ bã mía và bã bia, với thành phẩm là cốc, thìa, dĩa, ống hút có thể phân hủy trong 3-6 tháng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của startup vật liệu xanh này là giá. Một ống hút sinh học của họ giá khoảng 220-250 đồng, cao hơn hai phần ba loại từ nhựa.

Một số sản phẩm nhựa sinh học của Buyo. Ảnh: Buyo
Các vật liệu thay thế nhựa chỉ phát triển khi có lực kéo từ nhận thức người dùng cùng lực đẩy chính sách. Tuy nhiên tại Việt Nam, do thiếu đòn bẩy chính sách, họ phải tự bươn trải và cạnh tranh về giá với các sản phẩm nhựa một lần.
Thực tế, doanh nghiệp xanh đã thấy tín hiệu thị trường. Đại diện Alternō cho biết, đơn hàng lớn nhất của họ lên tới 2 triệu USD, đến từ một doanh nghiệp Việt. Với Buyo, dù 70% sản lượng dành cho xuất khẩu, và hầu hết phần còn lại bán cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, họ vẫn có một số nhỏ khách hàng trong nước như Cơm Tấm Mộc, thời trang Routine.
Mặc dù vậy, hiện 97% doanh nghiệp Việt là vừa và nhỏ, với nhận thức về xanh còn hạn chế. TS Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp, nói 39% doanh nghiệp chưa từng nghe đến (Môi trường, Xã hội, Quản trị). Ông cũng cho rằng nhiều sáng kiến được “đỡ đầu” bởi VCCI, nhưng 65% doanh nghiệp nhỏ và vừa không biết đăng ký ở đâu để nhận được hỗ trợ về phát triển xanh.
Thậm chí, với các chính sách đã có, doanh nghiệp cũng e ngại việc thực thi. Ví dụ với , theo Thông tư 152/2011, đây là mặt hàng chịu thuế với mức 40.000 đồng mỗi kg. Mức này tăng lên 50.000 đồng vào 2018, theo Nghị quyết 579. Tuy nhiên, bà Đỗ Hồng Hạnh – Tổng giám đốc Buyo cho biết giá mỗi kg túi nilon trên thị trường hiện quanh 30.000-40.000 đồng. Tức là, giá bán ra đang dưới mức đánh thuế, khiến dòng túi sinh học thay thế nhựa khó cạnh tranh về giá.
Theo lộ trình, Việt Nam sẽ giảm sản xuất, nhập khẩu túi nilon khó phân hủy kích cỡ nhỏ từ đầu năm 2026, là cơ hội cho các vật liệu thay thế nhựa. Mới đây, Buyo cho ra dòng túi không chứa nhựa gốc dầu mỏ, không có vi nhựa, dai và dễ phân hủy trong môi trường 3-6 tháng. Tuy nhiên, CEO Buyo nói họ ngại chào hàng các siêu thị, khi giá bán cao gấp 2-3 lần túi nilon giá rẻ tràn lan trên thị trường. Hiện họ chủ yếu phân phối cho các chuỗi bán lẻ trung, cao cấp.
“Nếu có chính sách xanh và thực thi nghiêm túc, chúng tôi hoàn toàn có thể cạnh tranh ngang giá với nhựa thường”, bà Hạnh nói, đồng thời kiến nghị Chính phủ có chính sách mạnh mẽ hơn trong giảm thiểu, tiến tới loại bỏ hẳn nhựa, đặc biệt loại một lần.
Bên cạnh đó, bà đề xuất cơ chế mua sắm công ưu tiên sản phẩm thân thiện môi trường thay vì giá. Các cơ chế đấu thầu ưu tiên giá tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp xanh, bởi chi phí sản xuất của họ hiện chưa thể cạnh tranh với sản phẩm nhựa truyền thống, do chưa đạt lợi thế quy mô. “Khu vực công có thể làm gương, ưu tiên sản phẩm xanh trong mua sắm công, từ đó tạo trào lưu sử dụng hàng hóa thân thiện môi trường”, CEO Buyo nói.
Về vốn xanh, đại diện Alternō mong Chính phủ thiết lập cơ chế ưu đãi tài chính, cấp vốn nhanh. Ví dụ, các doanh nghiệp Việt đã được các tổ chức quốc tế uy tín như Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) – sáng kiến của 9 nước, gồm Việt Nam, nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh – đầu tư, có thể tiếp cận nhanh các khoản vay xanh với lãi suất ưu đãi dưới 6% mỗi năm. Alternō cũng nằm trong danh sách startup được P4G cấp vốn năm nay.
Nuôi startup không khác gì trồng cây, nhưng hệ sinh thái ở Việt Nam mới dừng lại ở giai đoạn “gieo hạt”, theo đại diện Yeast Era. “Trong khi đó, hạt nảy mầm sẽ cần đất tốt để cắm rễ, ánh sáng chính sách để quang hợp”, Giám đốc kỹ thuật Yeast Era ví von, thêm rằng việc ươm mầm, chăm sóc sẽ cho ra những doanh nghiệp lớn nhiều năm sau.
Thủy Trương