
Chị chợt thoáng nhớ về tuổi thơ, nhớ nếp nhà xưa nơi tỉnh lẻ ấm êm, những đêm trăng thanh nhẹ như trong bài hát Kỷ niệm của nhạc sĩ Phạm Duy: “Cho tôi lại ngày nào/ Trăng lên bằng ngọn cau/ Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao/ Cha tôi ngồi xem báo, phố xá vắng hiu hiu…”.
Nhớ dáng mẹ ngồi cặm cụi vá áo cho mấy chị em trong quầng sáng đèn vàng hiu hắt. Chiếc áo vá và cây kim sợi chỉ lại thường gắn với hình ảnh cây đèn dầu leo lét của cái thời chưa có đèn điện sáng choang như bây giờ. Bây giờ nhớ lại, chị mới hiểu vì sao mẹ toàn vá áo ban đêm. Là bởi ban ngày mẹ vất vả cực nhọc đi làm, chỉ buổi tối khuya, sau khi việc nhà xong hết, các con ăn uống tạm no, giở sách ra học bài, mẹ mới có thời gian xâu chỉ, vá víu chiếc áo rách cho lành.
Chị cũng học khâu vá cùng mẹ, thi thoảng nghe mẹ khẽ than mỏi mắt, mỏi tay, tấm lưng cũng mỏi. Mẹ bảo, miếng vá nói lên sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ. Dân gian có câu “Khéo vá vai, tài vá nách”. Nhìn miếng vá là biết ai vụng ai hay. Người khéo thì những mũi khâu nhỏ li ti, có khi ẩn đi sau lớp vải, nhìn vào chẳng thấy dấu vết rách đâu, có khi chỗ rách lại đẹp như một hoa văn dịu dàng. Còn người vụng, đường kim mũi chỉ không đều, lồi lõm, vết rách thành dúm dó khó coi. Nhưng cũng có khi một miếng vá nói lên đủ điều: người thành thị, kỹ tính, nghèo thì nghèo miếng vá cũng phải tiệp màu, phải kín đáo, kiểu tốt khoe xấu che; kẻ quê mùa vụng về, lam lũ thì có sao… vá vậy, miếng vá chồng miếng vá, gọi là vá chằng vá đụp…
Chị nhớ ngày xưa, cậu bạn cùng lớp hay mặc cái quần có miếng vá to đùng ở mông, với những mũi kim khâu dài ngắn vội vàng nguệch ngoạc. Miếng vá màu đen nổi bật trên nền xanh bạc phếch, rách chồng lên rách nên cậu bị “chết tên” là “thằng quần thủng đít”. Nhiều khi bị trêu chọc quá, cậu bạn nước mắt lưng tròng. Mãi sau này mới biết cha cậu mất sớm, mẹ cậu đi xúc than ở bến sông, nhà đói ăn quanh năm. Bà mẹ chẳng có thời gian chăm sóc con, lấy đâu thời gian để có một miếng vá đẹp…
Chị nhớ lại, khi sinh con đầu lòng thì đã qua cái thời đèn dầu khêu bấc, nhưng chị vẫn tự tay may khâu những chiếc tã hình tam giác, rồi những chiếc áo, váy nhỏ nhắn xinh xinh bằng những mảnh vải vụn dư thừa, mua rẻ, tận dụng và tiết kiệm. Áo trẻ con dễ may, không cầu kỳ. Mỗi khi rảnh rỗi, chị ngồi khâu từng mũi kim vốn đã quen khéo từ hồi còn là cô bé con. Niềm vui không hẳn chỉ là tiết kiệm được một số tiền nhỏ. Niềm vui đọng vào tấm ảnh chị dắt con đi chơi công viên, nhắc cái thời còn khó khăn vất vả nhưng an lành, đầm ấm.
Hai con cách nhau xa tròn chục tuổi. Khi chị sinh con gái thứ hai đã là thời “bỉm sữa”. Những ngày mang bầu con, chị mua sắm đủ thứ, quần áo trẻ sơ sinh hàng hiệu mịn mềm với những hình thỏ, hình chim, hoa lá… màu sắc ngọt ngào đáng yêu. Các con lớn lên, thời trang sành điệu, diện quần jeans xé, áo “te tua” xinh tươi trẻ trung…
Chị mỉm cười một mình khi đơm xong chiếc khuy áo của chồng. Bọn trẻ bây giờ thích thêu tranh nghệ thuật, “vẽ” tranh bằng chỉ màu… Cây kim sợi chỉ ít phải dùng đến cũng hay. Biết ơn từng ngày lành lặn lên, đẹp đẽ lên, không chỉ nhà mình, mà cả với những người khác, như là cậu bạn ngày xưa…