Nhóm dự án “cầm đèn đỏ” trong cuộc đua 3.000km cao tốc cuối năm nay

Nhóm dự án “cầm đèn đỏ” trong cuộc đua 3.000km cao tốc cuối năm nay

bởi

trong

Mạng lưới đường cao tốc tại Việt Nam đang đứng trước phép cộng ấn tượng. Với tổng chiều dài hiện tại là 2.268km, Chính phủ quyết tâm cả nước sẽ cán mốc 3.000km đường cao tốc vào cuối năm nay.

Quyết tâm ấy được thể hiện qua loạt dự án cao tốc đang tấp nập được thi công từ Bắc đến Nam. Trong 6 tháng cuối năm, 18 dự án với tổng chiều dài 941km được đặt mục tiêu hoàn thành.

Mảnh ghép 3.000km cao tốc

Với 2.268km đường cao tốc đã hoàn thành, cả nước cần thêm tối thiểu 732km nữa để đạt mục tiêu 3.000km cao tốc vào cuối năm 2025. Trên thực tế, Bộ Xây dựng xác định một mục tiêu “táo bạo” hơn: Hoàn thành thêm 941km đường cao tốc từ nay đến cuối năm.

Nếu mục tiêu lý tưởng này thành hiện thực, Việt Nam sẽ kết thúc năm 2025 với 3.209km đường cao tốc, vượt kỳ vọng đề ra.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, 941km cao tốc này thuộc 18 dự án đang chạy đua về đích. Các dự án được chia thành 4 nhóm xét theo mốc tiến độ hoàn thành.

Nhóm dự án “cầm đèn đỏ” trong cuộc đua 3.000km cao tốc cuối năm nay

Nhóm 1 là các dự án dự kiến hoàn thành vào ngày 30/6, gồm: Cao tốc Vũng Áng – Bùng, Vạn Ninh – Cam Lộ và 13km đầu của cao tốc Vân Phong – Nha Trang.

Nhóm 2 là các dự án dự kiến hoàn thành vào ngày 30/9, gồm: Cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh, Hòa Liên – Túy Loan, và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũ, nay thuộc TPHCM).

Nhóm 3 là các dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, gồm: Cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Chí Thạnh – Vân Phong, Cao Lãnh – Lộ Tẻ, Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, Bến Lức – Long Thành (trừ cầu Phước Khánh), Vành đai 3 TPHCM (đoạn qua tỉnh Long An cũ, nay thuộc Tây Ninh).

Nhóm 4 là các dự án đang gặp khó khăn, nguy cơ không kịp về đích trong năm 2025, gồm: Cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau, Vành đai 3 TPHCM (đoạn qua TPHCM), Đồng Nai, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Tuyên Quang – Hà Giang, cao tốc Cao Lãnh – An Hữu đoạn qua Đồng Tháp và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai. Tổng số km của các dự án thuộc nhóm 4 là 402km.

Nhóm dự án cầm đèn đỏ trong cuộc đua 3.000km cao tốc cuối năm nay - 2

Một đoạn công trường Vành đai 3 TPHCM (Ảnh: Ngọc Tân).

Mặc dù tổng số dự án có thể giúp Việt Nam đạt 3.209km cao tốc vào cuối năm nay (vượt 200km so với mục tiêu đề ra), bài toán vẫn có nguy cơ chưa thể ra “kết quả” bởi các dự án đang gặp khó khăn, chiếm tới 402km.

Dữ liệu thống kê cho thấy, khó khăn về tiến độ đang tập trung ở các dự án phía Nam như Vành đai 3 TPHCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau… Cụ thể hơn, trong số 10 dự án đang gặp khó khăn về tiến độ, có 5 dự án ở Đông Nam Bộ, 3 dự án ở Tây Nam Bộ, 1 dự án ở miền Trung và 1 dự án ở miền núi phía Bắc.

Trong số này, Vành đai 3 TPHCM đang chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài đoạn dài 6km đi qua tỉnh Tây Ninh đang đạt tiến độ khả quan, 3 đoạn còn lại đi qua TPHCM và Đồng Nai đều có nguy cơ trễ hẹn về đích vào 31/12.

“Các dự án cao tốc ở phía Nam gặp khó khăn hơn nhiều so với dự án ở miền Bắc do đặc thù nền địa chất phải xử lý nền đất yếu, khan hiếm nguyên vật liệu”, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế – Quản lý đầu tư Xây dựng (Bộ Xây dựng), chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Nhóm dự án “cầm đèn đỏ”

Theo lãnh đạo Cục Kinh tế – Quản lý đầu tư xây dựng, khó khăn lớn nhất của các tuyến cao tốc phía Nam là xây dựng trên nền đất yếu, nhu cầu vật liệu đắp để gia tải, chờ lún rất lớn, thời gian chờ lún kéo dài, nhưng nguồn cung vật liệu lại khan hiếm.

“Việc cấp mỏ vật liệu cho dự án trong thời gian đầu rất chậm, dẫn đến không đủ nguồn vật liệu để đắp gia tải, chuyển sang giai đoạn chờ lún”, ông Minh chia sẻ.

Nhóm dự án cầm đèn đỏ trong cuộc đua 3.000km cao tốc cuối năm nay - 3

Quy trình thi công đường cao tốc trên nền đất yếu. Trong đó, thời gian chờ đợi từ bước 3 đến bước 4 tốn nhiều tháng (Đồ họa: Ngọc Tân).

Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, 7 đoàn của Chính phủ đã đi kiểm tra toàn bộ các dự án trong danh mục thi đua 3.000km cao tốc, để đôn đốc tiến độ và tháo gỡ khó khăn.

Trong đó, đoàn kiểm tra số 4 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn đến cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau, Cao Lãnh – Lộ Tẻ, Lộ Tẻ – Rạch Sỏi và Cao Lãnh – An Hữu; đoàn số 7 do Phó Thủ tướng Mai Văn Chính làm trưởng đoàn đến kiểm tra Vành đai 3 TPHCM.

Là thành viên đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Thế Minh đã ghi nhận nhiều vấn đề thực tiễn tại địa phương. Như trường hợp tỉnh Đồng Tháp từng đăng ký đưa dự án Cao Lãnh – An Hữu (16km) về đích cuối năm 2025. Nhưng khi đoàn đến kiểm tra, địa phương thừa nhận mục tiêu này rất khó khăn. Công trường đang gia tải, chờ lún và không thể nói chắc được về thời điểm dỡ tải.

Vấn đề tương tự cũng xuất hiện tại dự án Vành đai 3 TPHCM, cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau. Việc xử lý nền đất yếu là “biến số” khiến mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 không thể chắc chắn 100%.

Đơn cử, Vành đai 3 có đoạn từ cầu Bình Gởi đến nút giao Bình Chuẩn (TPHCM) là một trong những đoạn có nguy cơ về đích chậm nhất do khâu xử lý nền đất yếu triển khai chậm. Đến nay, đơn vị thi công mới cắm bấc thấm trên nền đường, trong khi khâu đắp đất gia tải, chờ lún có thể tốn thêm 8 tháng.

Tuyến Vành đai 3 TPHCM gặp rất nhiều khó khăn về nguyên vật liệu trong thời gian đầu. Về sau, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các tỉnh Tây Nam Bộ mới cấp mỏ cát cho dự án. 

Nhóm dự án cầm đèn đỏ trong cuộc đua 3.000km cao tốc cuối năm nay - 4

Vành đai 3 đoạn từ cầu Bình Gởi đến quốc lộ 13 đến nay mới đang cắm bấc thấm, chưa đắp cát gia tải (Ảnh: Ngọc Tân).

Nhớ lại giai đoạn Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) động viên các chủ đầu tư sử dụng cát biển để thi công cao tốc, ông Minh cho biết, chủ trương này đã giúp đưa 1 triệu m3 cát biển về công trường cao tốc Hậu Giang – Cà Mau.

“Có thêm 1 triệu m3 cát mà tiến độ vẫn khó khăn như vậy. Nếu không có thì đến giờ dự án Hậu Giang – Cà Mau vẫn chưa thể hoàn thành gia tải và rõ ràng là vỡ tiến độ”, lãnh đạo Cục Kinh tế – Quản lý đầu tư xây dựng nhận định.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các địa phương đã cấp đủ mỏ, điều chuyển một phần cát cấp cho trục ngang (tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng) sang tuyến Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau để ưu tiên hoàn thành trước trục dọc.

“Đến nay, công tác đắp gia tải đã hoàn thành. Một số đoạn đã đủ điều kiện dỡ tải để chuyển sang thi công kết cấu mặt đường. Tuy nhiên, đa phần phải chờ đến cuối tháng 9 mới hết lún, đủ điều kiện dỡ tải đại trà”, ông Minh thông tin về tuyến cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Mong “đúng ngày, đúng tháng” có đường mới

Để Việt Nam vượt mốc 3.000km cao tốc vào cuối năm nay là một mục tiêu thách thức. Nhưng đồng thời, nó cũng là dấu ấn chưa từng có trong lịch sử phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.

Nếu các dự án về đích đúng hẹn, đất nước bước sang năm 2026 với một tuyến cao tốc Bắc – Nam liền mạch từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Người dân vùng đô thị TPHCM có một tuyến Vành đai 3 khép kín. Thành phố sau sáp nhập có một hạ tầng kết nối thuận tiện với Bình Dương (cũ) và Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ). Một loạt địa phương miền Trung sẽ lần đầu có đường cao tốc.

Nhóm dự án cầm đèn đỏ trong cuộc đua 3.000km cao tốc cuối năm nay - 5

Ông Nguyễn Thế Minh (đứng hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang hồi tháng 10/2024 (Ảnh: Ngọc Tân)

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các địa phương đã huy động tối đa mỏ vật liệu trên địa bàn để cấp cho các dự án. Tổng nhu cầu cát cần 65 triệu m3, đến nay việc cấp mỏ đã đáp ứng được trên 65 triệu m3.

Trong mục tiêu hoàn thành 3.000 cao tốc cuối năm nay, chữ “hoàn thành” được hiểu là hoàn thiện toàn bộ hạng mục an toàn giao thông, sẵn sàng mở đường cho xe cộ đi lại. Các khái niệm như “thông xe kỹ thuật” hay “cơ bản hoàn thành” thực chất là chưa hoàn thành.

Ông Nguyễn Thế Minh khẳng định, mục tiêu Chính phủ đặt ra là tuyến đường phải hoàn thành đưa vào khai thác. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn những rủi ro, nằm ngoài tầm kiểm soát.

Các khó khăn đã cơ bản được giải quyết, nhưng không được giải quyết sớm từ đầu nên tiến độ các dự án vẫn bị ảnh hưởng. Việc chậm cấp mỏ vật liệu, dồn đến giai đoạn cuối mới cấp dẫn đến lãng phí thời gian.

“Mùa mưa ở miền Nam kéo dài từ nay đến hết tháng 10 khiến việc tổ chức thi công sẽ rất khó khăn. Bên cạnh sự đôn đốc của Chính phủ, cần sự chỉ đạo quyết liệt của chủ đầu tư và nỗ lực từ các nhà thầu”, lãnh đạo Cục Kinh tế – Quản lý đầu tư xây dựng khẳng định.

Nhóm dự án cầm đèn đỏ trong cuộc đua 3.000km cao tốc cuối năm nay - 6

(Đồ họa: Ngọc Tân – Đức Bình).