Trong chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Cơ quan Hải quan và di trú (ICE) thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ là lực lượng chủ chốt trong các nhiệm vụ bắt giữ và trục xuất người nhập cư.

Đặc vụ ICE khống chế người nhập cư tại TP.New York ngày 17.6
Với nhiều quyền hạn hơn cảnh sát địa phương, hình ảnh về các vụ truy bắt người nhập cư trái phép của ICE thời gian qua đã khiến một bộ phận người dân Mỹ bàng hoàng. Đồng thời, chiến dịch của ICE cũng là tác nhân dẫn đến vụ biểu tình lớn ở bang California (Mỹ) hồi tháng trước.
Những đặc vụ “ẩn danh”
Được thành lập vào năm 2003, các quy định của ICE mang mục đích chủ đạo là hỗ trợ đảm bảo an ninh quốc gia, đặc biệt trong vấn đề biên giới và nhập cư, trong bối cảnh Mỹ khi đó cảnh giác cao độ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001. Các đặc vụ cơ quan này ít chịu sự giám sát hơn so với lực lượng thực thi pháp luật địa phương.
Với hơn 20.000 nhân viên thực thi luật di trú trên khắp cả nước, công việc của ICE được chia thành 3 lĩnh vực chính, gồm điều tra an ninh nội địa, thực thi nhiệm vụ và trục xuất, và đại diện pháp lý cho chính phủ tại tòa án di trú. Khi thực hiện nhiệm vụ, đặc vụ ICE không cần phải đeo camera trên người hay cung cấp số phù hiệu như cảnh sát, có thể che mặt, sử dụng xe không biển số, bắt người nhập cư mà không cần lệnh từ tòa án.
Nhóm người nhập cư đầu tiên nhận tiền ‘tự trục xuất’ khỏi Mỹ
Theo trang Axios, trợ lý Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Tricia McLaughlin lý giải là các nhân viên ICE “khi thực hiện nhiệm vụ phải đối mặt với các vụ đụng độ nhiều hơn 500% so với trước đây”, dù không đưa ra bằng chứng cho con số trên. Với quyền hạn trong việc bắt người không phải công dân Mỹ, chiến dịch gắt gao của ICE thời gian qua đã khiến cộng đồng người nhập cư và sinh viên quốc tế tại Mỹ lo ngại bị bắt và trục xuất, dù phải chờ phán quyết của tòa án di trú. Tờ USA Today đưa tin từ đầu nhiệm kỳ 2 của ông Trump đến nay, hơn 200.000 người bị trục xuất.

Người biểu tình phản đối chiến dịch truy bắt người nhập cư của ICE tại TP.Los Angeles
Ảnh: Reuters
Làn sóng phản đối
Các chiến dịch truy bắt của ICE đôi khi đi kèm với những lo ngại về lạm dụng quyền lực hoặc thực hiện nhiệm vụ sai quy trình. Đã có những trường hợp ICE bắt nhầm người, trong đó có vụ bắt nhầm một quan chức Cảnh sát Tư pháp Mỹ tại bang Arizona hồi tháng 5, hay bắt nhầm một công dân Mỹ vì cho rằng căn cước của anh này là giả. Đỉnh điểm của làn sóng phản đối là khi ICE truy bắt người nhập cư trái phép tại TP.Los Angeles, California ngày 6.6, hành động đã gây ra vụ biểu tình diện rộng tại thành phố và vẫn đang tiếp diễn.
Các vụ bắt giữ của ICE thường diễn ra trên đường phố, do nhân viên cơ quan này không được vào nhà riêng nếu không có trát tòa. Ngoài ra, việc các đặc vụ ICE che giấu danh tính cũng dẫn đến trường hợp người khác giả mạo làm nhân viên cơ quan này để gây rối. Chính quyền Mỹ hồi tháng 2 đã bắt giữ những trường hợp như vậy. Hình ảnh những đặc vụ ICE đeo mặt nạ công khai áp giải người nhập cư tại TP.Los Angeles hồi tuần trước đã bị những người phản đối cho rằng giống một “vụ bắt cóc”. Trước vấn đề trên, các nghị sĩ đảng Dân chủ vừa qua đã vận động để quốc hội Mỹ thông qua luật, yêu cầu nhân viên Bộ An ninh nội địa Mỹ và ICE đeo phù hiệu nhận dạng và cấm mang mặt nạ tự chế khi làm nhiệm vụ.
ICE đang giam giữ số người kỷ lục ?
ICE đang giam giữ khoảng 59.000 người nhập cư, được cho là số người bị giam kỷ lục tại một thời điểm, theo dữ liệu nội bộ do Đài CBS News thu thập. Con số trên đã vượt qua mức đỉnh là 55.000 người vào năm 2019, nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo tài liệu vào ngày 23.6, mức độ người bị giam tại ICE đã hơn 140% sức chứa, trong khi quốc hội Mỹ gần nhất đã phân bổ 41.500 giường cho các nhà giam.
ICE chưa bình luận về thống kê trên. Số người bị giam được truyền thông Mỹ đề cập đã nêu bật chính sách kiên quyết trấn áp người nhập cư trái phép của chính quyền Mỹ, trong đó đặt ra chỉ tiêu cho ICE phải bắt 3.000 người mỗi ngày. Trong đầu tháng 6, trung bình mỗi ngày ICE bắt khoảng 1.200 người với cáo buộc vi phạm luật nhập cư. t