Những câu chuyện nhạc đỏ: Bài ca không quên giữa tháng ngày vất vả

Những câu chuyện nhạc đỏ: Bài ca không quên giữa tháng ngày vất vả

bởi

trong

“Ơi cuộc sống mến thương”

Chiến tranh khép lại. Hòa bình hiện ra, tươi sáng lẫn nhọc nhằn bởi bao bộn bề rớt lại từ cuộc chiến. Đấy là bối cảnh ra đời của một dòng nhạc mới, được cho là “thoát thai” từ dòng nhạc cách mạng và mở ra một giai đoạn đặc biệt, là “đặc sản” riêng trong đời sống âm nhạc của TP.HCM với tên gọi: Phong trào Ca khúc chính trị (CKCT), kéo dài trong suốt thập niên 1980 và dần lùi đi vào đầu thập niên 1990 trước khi nhường chỗ cho sự bung nở của nhạc nhẹ mà CKCT chính là tiền thân. Bốn chữ tưởng như khô khan, nhưng lại chính là mảnh đất cho ra đời những ca khúc rộn rã vui tươi mang tâm thế của những người chung tay xây dựng cuộc sống mới, khi những vết thương đang dần khép miệng hoặc nhẹ nhàng tươi sáng bởi những tiếng lòng trẻ đang dần bộc lộ rõ hơn cái tôi của mình trước “cuộc sống mến thương” và trước thềm Đổi mới…

Những câu chuyện nhạc đỏ: Bài ca không quên giữa tháng ngày vất vả

Ca sĩ Cẩm Vân: “Tôi được thương mến mãi nhờ Bài ca không quên

ẢNH: NVCC

Đó là thời người ta được nghe những ca khúc trẻ trung tươi mới hoặc “già trước tuổi” trong giai đoạn đầu sáng tác đầy sung sức của Trần Tiến với Thành phố trẻ, Vết chân tròn trên cát, Những đôi mắt hình viên đạn… hay Thanh Tùng với Cảm ơn mùa thu, Ngôi sao cô đơn…; những bản tình ca trìu mến và thân thương Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (Nguyễn Nhật Ánh – Phạm Minh Tuấn), Đêm thành phố đầy sao (Trần Long Ẩn); về những nụ hôn và tình yêu đôi lứa (Mùa xuân bên cửa sổ – Xuân Hồng) hay cả những lời tự vấn đẹp về phẩm giá làm người (Khát vọng – Phạm Minh Tuấn); miền ký ức chưa xa của Rừng gọi; hay sau đó là những ca khúc trong sáng hồn nhiên của Từ Huy (Hãy đàn lên), Nguyễn Ngọc Thiện (Ơi cuộc sống mến thương)… Trịnh Công Sơn cũng góp vào chủ đề công trình thủy điện Trị An vốn đang rất “hot” lúc đó bằng ca khúc Về đây Trị An, hay tương tự là Thanh Tùng với Hãy đến cùng Trị An

Nổi tiếng mà… không biết

Những câu chuyện nhạc đỏ: Bài ca không quên giữa tháng ngày vất vả- Ảnh 2.

Ca sĩ Lệ Thu trên sân khấu CKCT cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (bìa trái), Trần Long Ẩn (bìa phải), Đạt “Da Vàng” (giữa)

ẢNH: NVCC

Khởi đầu sự nghiệp từ phong trào CKCT, ca sĩ Cẩm Vân nói với Thanh Niên chị biết ơn nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã tặng cho chị những ca khúc nằm lòng Bài ca không quên, Đất nước, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ. Trong đó, Bài ca không quên có thể nói là “tài sản lớn nhất” trong sự nghiệp giàu dấu ấn của chị. Nhắc đến Cẩm Vân là nhắc đến Bài ca không quên và ngược lại. “Tôi được thương mến mãi nhờ Bài ca không quên. Còn nhớ, khi bộ phim cùng tên ra đời và tôi ra Hà Nội biểu diễn, tôi mới biết là mình… nổi tiếng, đúng hơn là Bài ca không quên nổi tiếng, vì nó được yêu cầu hát quá trời”, chị bồi hồi nhớ lại.

Một gương mặt nổi bật của phong trào CKCT là ca sĩ Lệ Thu (thường được gọi là “Lệ Thu trẻ” để phân biệt với Lệ Thu hải ngoại). Từ Pháp, chị hồ hởi chia sẻ với Thanh Niên bầu ký ức mãi tươi nguyên về một giai đoạn làm nghề rất đẹp: “Ngày đó nghèo mà vui lắm. Nghệ sĩ chỉ cần được kêu đi hát là vui rồi, với tinh thần phục vụ bà con là chính, cát sê không quan trọng. Khán giả thì quen lệ ăn tối xong là vội vàng thả bát để kịp chạy đi xem hát, thường bắt đầu từ 19 giờ và có khi kéo dài tận tới 24 giờ. Hàng loạt tụ điểm ca nhạc được mở ra đồng loạt trong thành phố, các nhóm hát thay nhau bước lên sân khấu (ngày đó thiên về nhóm hát hơn là ca sĩ hát solo), một đêm chạy sô tới 5 – 6 điểm, đêm Noel có năm tôi còn chạy sô tới 13 điểm”.

Những câu chuyện nhạc đỏ: Bài ca không quên giữa tháng ngày vất vả- Ảnh 3.

Ca sĩ Hồng Hạnh trên một “sân khấu dã chiến” của phong trào CKCT

ẢNH: TƯ LIỆU SƯU TẦM CỦA NHÀ BÁO – MC MINH ĐỨC

“Cát sê hồi đó mắc cười lắm. Mấy lần đi hát ở xí nghiệp, nhà máy, tôi còn được trả bằng… bột ngọt, xà bông, có khi là mấy xấp vải…”, ca sĩ Cẩm Vân kể.

Là ca sĩ hiếm hoi lúc bấy giờ liên tục được mời đi lưu diễn ở nước ngoài (dĩ nhiên là mới chỉ trong khối nước XHCN), Cẩm Vân kể lại một kỷ niệm khó quên trong lần chị sang CHDC Đức tham dự Liên hoan CKCT – Thanh niên sinh viên thế giới, tròn 45 năm trước: “Biết tôi đến từ một đất nước vừa trải qua chiến tranh, BTC nước bạn thương và chăm lo cho tôi lắm. Thấy tôi mang đôi giày không đủ ấm, họ còn đưa tôi ra tiệm giày lựa một đôi bốt mới. Tới lúc người ta bê ra món đùi lợn hầm, tôi nhìn mà tự dưng muốn rớt nước mắt, vì thời đó ở nhà mình ăn khổ lắm, phải chi mang được về cho mọi người…”, người hát Bài ca không quên rưng rưng nhớ lại những “tháng ngày vất vả” mà ấm áp tình người.

Sự tiếp biến từ dòng nhạc cách mạng

Có thể nói chính những bài hát kháng chiến, nhạc cách mạng được biểu diễn bằng phong cách nhạc nhẹ ở TP.HCM thời gian sau thống nhất đã góp một phần vào sự ra đời của phong trào CKCT.

Vì có một nền tảng khá vững như vậy, cộng với trình độ biểu diễn, hòa âm phối khí, chơi nhạc, thu âm… khá tốt ở TP.HCM khi đó mà những ca khúc được gọi là CKCT vừa có sự thừa hưởng âm hưởng hào hùng, vui tươi, lạc quan của dòng nhạc cách mạng; vừa dễ dàng pha trộn, hòa nhập với những phong cách âm nhạc mới bắt đầu du nhập nước ta lúc bấy giờ. Điều thú vị là cùng thời điểm, ở miền Bắc và miền Nam tồn tại song hành hai phong cách (chính ca và nhạc nhẹ) trong cùng một dòng nhạc. Đó là điều tất yếu, khi đời sống dần ổn định và đất nước phát triển hơn, thì cũng là lúc các dòng nhạc khác nổi lên và có “thị phần”. Nhạc nhẹ, nhạc trẻ phát triển là đương nhiên, vì sau cái chung của thời nhạc cách mạng, cũng đến lúc cái riêng của đời sống mới lên tiếng. Với nhạc cách mạng, theo thời gian, cũng hình thành một lớp khán giả mới, họ cùng lúc nghe nhiều dòng nhạc, và cũng có sự mong muốn được nghe những phong cách pha trộn, giao thoa những dòng nhạc với nhau, từ đó mà có các bài nhạc cách mạng biểu diễn theo phong cách nhạc nhẹ, và được khán giả trẻ hào hứng đón nhận, do nó gần gũi với những gì họ vẫn nghe mỗi ngày. Nhưng cũng còn đó lượng khán giả đông đảo đã từng nghe nhạc cách mạng theo phong cách chính ca từ thời kháng chiến, và với họ đó là kinh điển, không thể thay đổi, và cũng có một thế hệ các nghệ sĩ theo đuổi phong cách này, họ giữ gìn dòng nhạc ấy như vốn có.

Nhà báo – MC Minh Đức