Nổi tiếng trong số các cuộc duyệt binh thường kỳ lâu đời và nổi tiếng nhất là cuộc diễu hành quân sự Ngày Bastille được tổ chức vào ngày 14.7 hằng năm để kỷ niệm ngày quốc khánh của Pháp. Tuy nhiên, xét về quy mô và độ ấn tượng, trên thế giới cũng có rất nhiều cuộc duyệt binh đáng được nhắc tên. Hãy cùng khám phá!
Nga
Nga có lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng 9.5 tại Moscow nổi tiếng khắp thế giới. Được tổ chức hằng năm kể từ năm 1945, ngay sau Thế chiến II, sự kiện này kỷ niệm chiến thắng trước Đức Quốc xã. Nổi tiếng với quy mô lớn và mức độ tổ chức công phu, lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng tượng trưng cho sức mạnh quân sự của Nga. Buổi lễ có sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ, nhiều loại xe tăng, tên lửa và trang bị vũ khí hiện đại nhất của quân đội Nga.

Quân nhân Nga diễn tập cho lễ duyệt binh kỷ niệm ngày chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến II, tại Moscow, Nga ngày 7.5.2023
ẢNH: REUTERS
Trung Quốc
Lễ duyệt binh mừng Quốc khánh Trung Quốc được tổ chức vào ngày 1.10 hằng năm tại Bắc Kinh kể từ năm 1949. Sự kiện này có sự tham gia của một số lượng binh sĩ lớn, giới thiệu các loại vũ khí và trang thiết bị mới nhất, nhấn mạnh sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, cũng như thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc và tiến bộ công nghệ.
Pháp
Cuộc duyệt binh Ngày Bastille vào ngày 14.7 tại Paris là biểu tượng cho niềm tự hào của nền cộng hòa Pháp. Sự kiện này có nguồn gốc từ Cách mạng Pháp năm 1790 và là cuộc diễu hành quân sự lâu đời nhất trên thế giới. Tham gia có các đơn vị thuộc Lực lượng vũ trang Pháp, thể hiện sức mạnh và tính kỷ luật của họ. Sự kiện cũng nổi tiếng với các màn trình diễn máy bay, màn trình diễn quân sự hoành tráng và tái hiện lịch sử.
Triều Tiên
Các hoạt động duyệt binh lớn thường được tổ chức tại Bình Nhưỡng trong các dịp kỷ niệm quan trọng như ngày thành lập đảng Lao Động, ngày thành lập quân đội Triều Tiên. Các sự kiện này có sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ, nhiều loại vũ khí, kể cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Hàn Quốc
Truyền thống diễu binh ở Hàn Quốc bắt đầu vào năm 1946 kéo dài đến ngày nay. Đây là hoạt động được tổ chức trong những dịp quan trọng, ngày lễ lớn trong năm, không chỉ để khuếch trương sức mạnh binh sĩ mà còn giới thiệu thành tựu của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
Iran
Iran tổ chức diễu binh thường niên, đặc biệt là trong Tuần lễ Phòng thủ Thiêng liêng, kỷ niệm Chiến tranh Iran-Iraq. Tham gia hoạt động này là binh sĩ, vũ khí tiên tiến như tên lửa và máy bay không người lái, và các cuộc trình diễn hải quân, thường diễn ra ở Tehran hoặc các vùng ven biển.
Ấn Độ
Lễ diễu hành Ngày Cộng hòa của Ấn Độ vào ngày 26 tháng 1 tại New Delhi là một cuộc diễu hành sôi động về sự đa dạng về văn hóa và quân sự của Ấn Độ. Lần đầu tiên tổ chức vào năm 1950, đây là một sự kiện lớn, có sự tham gia của hàng nghìn binh lính, xe tăng, hệ thống tên lửa và máy bay không quân. Sự kiện kết hợp sức mạnh quân sự với các màn trình diễn văn hóa, thu hút đông đảo người xem.
Vương quốc Anh
Lễ diễu hành Trooping the Colour, được tổ chức hàng năm vào tháng 6 tại London, là một trong những nghi lễ quân sự lâu đời nhất, với lịch sử hơn 260 năm. Buổi lễ đậm tính truyền thống, bao gồm một cuộc diễu hành lớn với các trung đoàn, kỵ binh và ban nhạc lịch sử.
Mỹ có duyệt binh hay không?
Mỹ không thường xuyên tổ chức các hoạt động duyệt binh, diễu binh quy mô lớn. Đợt duyệt binh lớn gần đây nhất tại Mỹ đã diễn ra vào năm 1991, nhân chiến thắng trong Chiến tranh vùng Vịnh. Sự kiện đó diễn ra vào ngày 8.6.1991 tại thủ đô Washington, có sự tham gia của 8.000 quân nhân và nhiều loại vũ khí như xe tăng và tên lửa Patriot. Một sự kiện tương tự đã diễn ra tại TP.New York vào ngày 10.6.1991.
Kể từ đó, đã không có cuộc diễu hành quân sự có quy mô lớn như vậy diễn ra. Các sự kiện nghi lễ nhỏ hơn, như các cuộc diễu hành Ngày Cựu chiến binh hoặc Ngày Tưởng niệm, diễn ra thường xuyên nhưng tập trung nhiều hơn vào việc tôn vinh các quân nhân hơn là thể hiện sức mạnh quân sự.
Năm 2018, Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, sau khi đến dự cuộc duyệt binh Ngày Bastille của Pháp, đã đề xuất Mỹ cũng tổ chức duyệt binh lớn. Tuy nhiên ý định này chưa trở thành hiện thực.