​Những doanh nghiệp ‘chuyển mình’ nhờ đổi mới mô hình

​Những doanh nghiệp ‘chuyển mình’ nhờ đổi mới mô hình

bởi

trong

Bách Hóa Xanh, Yeah1, Nafoods tái cấu trúc chuỗi vận hành, chọn thị trường biên lợi nhuận cao, tập trung năng lực lõi, ghi nhận cú “chuyển mình” với mức tăng trưởng hai con số.

Chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh (thuộc Thế Giới Di Động) ra mắt năm 2015, được kỳ vọng mang về doanh thu tỷ USD và dẫn đầu ngành bán lẻ hàng tiêu dùng trong nước.

Giai đoạn 2019-2021, đơn vị mở rộng nhanh với tốc độ trung bình 300-400 cửa hàng mỗi năm, kỳ vọng đạt điểm hòa vốn vào năm 2021. Tuy vậy, mô hình phát triển ồ ạt khiến chi phí vận hành đội lên, hiệu suất từng điểm bán không đạt kế hoạch. Bách Hóa Xanh từng gánh khoản lỗ lũy kế hơn 8.300 tỷ đồng (tính đến 9/2023), theo báo cáo tài chính của Thế Giới Di Động.

Bước ngoặt đến khi ban điều hành quyết định tái cấu trúc toàn diện, bắt đầu từ việc thu hẹp quy mô vận hành, thay đổi layout, cải tổ hệ thống hậu cần, từ đầu năm 2024.





​Những doanh nghiệp ‘chuyển mình’ nhờ đổi mới mô hình

Nhân viên Bách Hóa Xanh thanh toán cho khách hàng. Ảnh: Bách Hóa Xanh

Thay vì triển khai đồng loạt trên cả nước, Bách Hóa Xanh chuyển sang mở rộng theo cụm khu vực, tập trung vào khu vực có biên lợi nhuận tốt như miền Trung, Tây Nam, đồng thời xây kho hàng trung tâm để chủ động nguồn cung và kiểm soát chi phí.

Miền Trung được chọn làm vùng thử nghiệm mô hình mới. Doanh thu mỗi cửa hàng sau ba tháng đạt 1,2-1,5 tỷ đồng, trong khi chi phí vận hành thấp hơn 30% so với các khu vực khác.

Kết quả, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, Bách Hóa Xanh mở thêm 410 cửa hàng, nâng tổng số điểm bán lên gần 2.180 – vượt mục tiêu cả năm. Doanh thu đạt gần 18.900 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ 2024. Công ty đặt mục tiêu đạt 48.100 tỷ đồng doanh thu và 500 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay.

Trước hàng loạt thay đổi của Bách Hóa Xanh, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng mô hình này có triển vọng trong tương lai. Hướng thay đổi của chuỗi phù hợp với quá trình đô thị hóa của Việt Nam. Việc Bách Hóa Xanh thay đổi từ cung cấp thực phẩm sống sang hàng mát là hướng đi phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới.

Khác lĩnh vực nhưng chung cách tiếp cận, Tập đoàn Yeah1 từng mất phương hướng sau cú sốc hợp tác thất bại với YouTube năm 2019, khiến giá trị vốn hóa bay hơi hàng nghìn tỷ đồng. Sau nhiều năm loay hoay, doanh nghiệp này chọn cách quay về năng lực lõi – sản xuất nội dung truyền hình, thay vì tiếp tục dàn trải đầu tư.

Năm 2024, Yeah1 tung ra hai chương trình giải trí mới là Chị đẹp đạp gió rẽ sóng Anh trai vượt ngàn chông gai. Cả hai nhanh chóng đạt tỷ suất người xem cao trên truyền hình, đồng thời đứng đầu xu hướng trên YouTube và mạng xã hội.

Chị đẹp đạp gió rẽ sóng ghi nhận rating trung bình 5,1% tại khung giờ vàng trên HTV7, thuộc nhóm 3 chương trình được xem nhiều nhất theo báo cáo của Kantar Media quý II/2024. Anh trai vượt ngàn chông gai đạt 4,3% rating trên VTV3, vượt mốc trung bình của khung giờ phát sóng (3,2%).

Thay vì chỉ thu lợi từ quảng cáo, doanh nghiệp còn tổ chức concert, khai thác bản quyền, bán hình ảnh nhân vật, mở rộng chuỗi giá trị nội dung. Nhờ chiến lược này, quý III/2024, doanh thu quảng cáo của Yeah1 đạt 345 tỷ đồng – cao nhất trong 4 năm. Lợi nhuận quý đạt 34 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ. Cả năm 2024, doanh thu gần 1.007 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 127 tỷ – mức cao nhất kể từ 2018. Tỷ suất lợi nhuận gộp cũng tăng từ 19,6% lên 22,9%, cho thấy hiệu quả rõ rệt khi doanh nghiệp tập trung vào mô hình cốt lõi.

Trong lĩnh vực sản xuất nông sản chế biến, Nafoods (doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu rau quả) cũng đối diện thách thức lớn khi thị trường Trung Quốc siết kiểm dịch và sức mua từ châu Âu giảm mạnh. Trong năm 2023, đơn hàng sụt giảm gần 40% khiến công suất nhà máy chỉ còn hoạt động khoảng một nửa.

Để thích nghi, Nafoods chuyển hướng từ mô hình “sản xuất theo đơn hàng” sang “chủ động thị trường”, đẩy mạnh các dòng sản phẩm mang thương hiệu riêng phục vụ bán lẻ. Cùng lúc, công ty đầu tư phát triển chuỗi nông sản khép kín tại Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ, áp dụng công nghệ chế biến lạnh nhanh IQF, nâng thời gian bảo quản mà không mất dinh dưỡng.

Kết quả, trong năm 2024, mảng sản phẩm thương hiệu riêng chiếm gần 30% tổng doanh thu, cao gấp đôi so với trước đại dịch. Lượng khách hàng nội địa cũng tăng 65% so với cùng kỳ, mở ra nguồn thu bền vững song song với xuất khẩu.

Quý I/2025, doanh thu hợp nhất của Nafoods đạt gần 359 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này chủ yếu đến từ sự tăng trưởng trong mảng xuất khẩu trái cây chế biến như chanh leo, dứa, xoài dưới dạng nước ép cô đặc, đông lạnh và sấy dẻo.





Những doanh nghiệp chuyển mình nhờ đổi mới mô hình

Giới chuyên gia nhận định, đổi mới mô hình từ cách tổ chức vận hành đến chiến lược sản phẩm vẫn là cánh cửa khả thi để trụ vững và tăng trưởng. Sự linh hoạt, chủ động thích ứng và dám lựa chọn lại hướng đi đang trở thành điểm phân biệt giữa những doanh nghiệp vượt sóng và những người rời cuộc chơi.

Theo khảo sát của VCCI năm 2024, có đến 92% doanh nghiệp tại Việt Nam đã triển khai hoặc đang tìm hiểu các giải pháp chuyển đổi, trọng tâm là chuyển đổi số. Trong đó, 72% ghi nhận doanh thu tăng từ 10% trở lên, và hơn 50% tiết giảm được chi phí sản xuất – phần lớn nhờ điều chỉnh mô hình, không đơn thuần là ứng dụng công nghệ.

Thái Anh