Để tiếp tục tăng trưởng hai con số, Hải Phòng cần đồng bộ hạ tầng giao thông, phát triển nhân lực chất lượng cao và đổi mới tư duy làm du lịch.
Tại hội thảo khoa học 70 năm xây dựng và phát triển Hải Phòng ngày 9/5, các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo sở ngành đã bày tỏ vui mừng trước những bước tiến mạnh mẽ của thành phố. Liên tục 10 năm, Hải Phòng là địa phương duy nhất cả nước tăng trưởng hai con số. Quy mô kinh tế liên tục tăng, duy trì vị trí thứ hai vùng đồng bằng sông Hồng và thứ năm cả nước. Trong 3 năm (2022-2024), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt mốc 100.000 tỷ đồng.
Các đại biểu nhận định ba lĩnh vực được xác định là khâu đột phá giúp Hải Phòng phát triển là hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, thể chế đặc thù và nguồn nhân lực có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chính những lĩnh vực này cũng đang đối mặt với thách thức cần được giải quyết.
Hạ tầng đường sắt, đường thủy còn kém
Ông Nguyễn Văn Thuận, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, phân tích thành phố là địa phương hiếm hoi có đủ đường không, đường thủy nội địa, đường hàng hải, đường bộ và đường sắt. “Tuy nhiên, đường thủy nội địa và đường sắt chưa tương xứng, còn là điểm nghẽn”, ông nói.
Năm 2024 khối lượng hàng hóa vận chuyển tại Hải Phòng đạt 321,5 triệu tấn, nhưng hàng hóa qua ga Hải Phòng chỉ hơn 500.000 tấn, dù vận tải đường sắt chi phí thấp hơn đường bộ và vận chuyển khối lượng lớn hơn. Các chuyến tàu vận tải hàng hóa không có toa xe xếp hàng liên vận quốc tế mà phải dùng toa xe thường, chuyển đến ga Lào Cai dỡ xuống rồi trung chuyển sang đường sắt Trung Quốc.
“Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dự kiến khởi công cuối năm nay là cơ hội tốt để khắc phục bất cập này”, ông Thuận nói.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Nguyên Bí thư Hải Phòng chia sẻ về những điểm nghẽn cần tháo gỡ để Hải Phòng phát triển. Ảnh: Lê Tân
Nguyên Bí thư Thành ủy phân tích Hải Phòng có hệ thống sông ngòi dày đặc, kết nối liên vùng cao, nhưng vận tải đường thủy chưa hiện đại.
Thành phố có hơn 50 con sông lớn nhỏ, trong đó có 16 sông chính, nổi tiếng như Bạch Đằng, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc và sông Thái Bình. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông đường thủy còn kém, không có bến du thuyền quốc tế, không có cảng tàu du lịch. Nhiều luồng tuyến chưa được nạo vét thường xuyên dẫn đến tình trạng bồi lắng, ảnh hưởng đến việc đi lại của tàu thuyền.
Do vậy, hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa về cảng Hải Phòng chỉ chiếm 15-20% tổng lượng hàng thông qua cảng. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải đường thủy nội địa tại cảng biển Hải Phòng chỉ khoảng 1,5-1,8%.
Để giải bài toán này, ngoài khơi thông luồng lạch, đầu tư cầu cảng, các đại biểu đề xuất miễn phí cơ sở hạ tầng cảng biển khu vực Hải Phòng với hàng hóa đi đường thủy để thu hút nhu cầu sử dụng đường thủy nội địa của doanh nghiệp.
Thiếu nhân lực chất lượng cao
Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển là yếu tố then chốt. Tuy nhiên, theo giáo sư Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận trung ương, Hải Phòng đang thiếu lao động có trình độ cao, nhất là lĩnh vực logistics, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, điện.
Cơ cấu nhân lực theo lĩnh vực nghiên cứu/ngành nghề đào tạo chưa thật hợp lý. Tỷ lệ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ trên đại học ở một số ngành kinh tế trọng điểm còn thấp như: Kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông (2,96%), Công nghệ sinh học – sinh học ứng dụng (2,16%), Kỹ thuật cơ khí (0,9%).
Ông Tấn cho rằng các trường đại học có số lượng đông đảo cán bộ khoa học, nhưng chưa tạo lập được nhóm nghiên cứu mạnh. Nhiều nhân sự giỏi, đặc biệt là tri thức trẻ chọn làm việc ở Hà Nội, TP HCM và nước ngoài thay vì trở về Hải Phòng. “Thành phố muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tạo lợi thế cạnh tranh thì phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, ông Tấn nói.
Hiện Hải Phòng đã cùng các bộ ngành trung ương xây dựng Đề án chi tiết nhằm hiện thực hóa chủ trương thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để trình Quốc hội thông qua. Trong đó, Hải Phòng muốn lập khu thương mại tự do, tự quyết đầu tư cảng biển hay thí điểm chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đề án này cũng có cơ chế để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về đất cảng làm việc.

Khu công nghiệp Deep C ở quận Hải An, TP Hải Phòng. Ảnh: Lê Tân
Du lịch chưa xứng tầm tiềm năng
Một vấn đề mà nhiều đại biểu chỉ ra là Hải Phòng chưa phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng. Sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như quần đảo Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn, vịnh Lan Hạ, hệ thống di tích lịch sử đa dạng và ẩm thực phong phú, nhưng Hải Phòng chưa thu hút khách du lịch, tỷ trọng đóng góp của ngành này vào nền kinh tế còn thấp. Năm 2024, Hải Phòng mới thu được gần 11.000 tỷ đồng từ du lịch, chiếm hơn 2% GRDP của thành phố, trong khi địa phương lân cận là Quảng Ninh thu 46.460 tỷ đồng, chiếm hơn 9% GRDP.
Trong thời gian dài, thành phố thiếu cơ sở lưu trú đẳng cấp, khu vui chơi đa dạng hay sản phẩm du lịch được nhận diện thương hiệu. Vì thế ông Dương Đức Hùng, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho rằng thành phố cần xây dựng thương hiệu du lịch bằng các sản phẩm chủ lực, đặc sắc mang bản sắc văn hóa Hải Phòng. Đó là du lịch xanh ở Cát Bà, vui chơi giải trí đa năng ở Đồ Sơn, du lịch văn hóa dọc các con sông lịch sử (Bạch Đằng, Tam Bạc, Cấm), du lịch đô thị với Food tour, City tour, kiến trúc Pháp, chuyến tàu thăm cảng…
Nếu triển khai tốt, ông Hùng nhận định đến năm 2030, Hải Phòng có thể đón 20 triệu lượt du khách mỗi năm, tổng thu du lịch từ 25.000 đến 65.000 tỷ đồng, chiếm 5% trong GRDP. Nếu tính cả tiềm năng khi sát nhập với Hải Dương thì các chỉ số trên tăng lên 1,5 lần.
Ông Hùng cũng như các đại biểu đề nghị Hải Phòng đổi mới tư duy về phát triển du lịch, đa dạng các sản phẩm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường liên kết với địa phương lân cận như Quảng Ninh để phát huy hiệu ứng của di sản Hạ Long và quần đảo Cát Bà.
Lê Tân