Giáo hoàng Leo XIV, nhà lãnh đạo thứ 267 của Giáo hội Công giáo và là người đầu tiên đến từ Mỹ, kế thừa những thách thức lớn đã tồn tại từ giai đoạn trước, mà người tiền nhiệm là cố Giáo hoàng Francis chưa giải quyết xong
Vậy, những thách thức đó là gì?
Cân bằng thu chi
Theo hai nguồn tin, bất chấp những nỗ lực cắt giảm chi phí và cải cách quản lý tài chính của cố Giáo hoàng Francis, thâm hụt ngân sách của Vatican hiện đã lên tới 94 triệu USD – và thâm hụt trong quỹ hưu trí còn lớn hơn nữa. Đây sẽ là điều tân giáo hoàng phải lưu tâm.
Hiện đại hóa Giáo hội

Tin tức Giáo hoàng mới đắc cử Leo XIV xuất hiện trên báo in, tại nhà in Nation Media Group ở ngoại ô Nairobi (Kenya), ngày 8.5.2025
ẢNH: REUTERS
Dưới thời cố Giáo hoàng Francis, tranh cãi bùng nổ về việc Giáo hội có nên chào đón cộng đồng LGBT và những người ly hôn nhiều hơn hay không, cũng như vấn đề cho phép phụ nữ đóng vai trò lớn hơn trong các công việc của nhà thờ.
Giáo hoàng Francis không chính thức thay đổi giáo lý, nhưng ông đã mở ra cánh cửa hiệp thông cho những người ly hôn và ban phước lành cho các cặp đôi đồng giới. Tuy nhiên, ông không nới lỏng các quy tắc độc thân của linh mục hoặc các quy tắc về việc phong chức phó tế cho phụ nữ. Và giáo hoàng mới cũng sẽ cần phải nỗ lực giữ cân bằng.
Châu Âu giảm đức tin?
Số lượng tín đồ Công giáo đang suy yếu ở châu Âu, xét theo số lượng người đến nhà thờ và ơn gọi linh mục.
Mặc dù trên toàn cầu, số lượng người Công giáo đã chịu phép rửa tội vẫn tiếp tục tăng và đã vượt mốc 1,4 tỉ, sự gia tăng này chủ yếu là ở châu Phi.
Tại Đức, quốc gia đông dân nhất EU, chỉ có 29 linh mục mới được thụ phong vào năm 2024. Đây là mức thấp kỷ lục. Theo hội đồng giám mục Đức, khoảng 321.000 người Công giáo Đức cũng rời khỏi Giáo hội trong năm 2024.