Chế độ ốm đau theo Luật BHXH mới được Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chi tiết tại Mục 1 Chương II Thông tư số 12/2025/TT-BNV.
Tại Điều 3, Thông tư 12 quy định cách xác định các trường hợp hưởng chế độ ốm đau. Theo đó, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được xem xét giải quyết hưởng chế độ ốm đau trong 6 trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 42 Luật BHXH.

Ngoài 6 trường hợp được quy định tại Điều 42 Luật BHXH, Thông tư 12 hướng dẫn 4 trường hợp đặc biệt được hưởng chế độ ốm đau.
Lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con
Lao động nữ tham gia BHXH bắt buộc có thể nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 6 tháng khi sinh con. Tuy nhiên, lao động nữ có thể trở lại làm việc trước khi hết thời gian hưởng chế độ thai sản nếu đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 của Luật BHXH, trong trường hợp này, lao động nữ vừa được hưởng tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả và tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo mức quy định. Đồng thời, người lao động có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc cho thời gian người lao động trở lại làm việc.
Do đó, trong thời gian này, nếu lao động nữ rơi vào 1 trong 6 trường hợp phải nghỉ việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Luật BHXH thì họ vẫn được xem xét giải quyết hưởng chế độ ốm đau.

Lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian hưởng chế độ thai sản được hưởng đầy đủ tiền lương và các quyền lợi BHXH khác (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng không nghỉ việc khi được hưởng chế độ thai sản
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 53 Luật BHXH, trường hợp mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm sóc con đối với thời gian hưởng thai sản còn lại của người mẹ.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 53 Luật BHXH, trong trường hợp này, người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng không nghỉ việc mà tiếp tục đi làm thì ngoài tiền lương còn được hưởng trợ cấp thai sản đối với thời gian trên.
Trong thời gian làm việc này, nếu người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng rơi vào 1 trong 6 trường hợp phải nghỉ việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Luật BHXH thì họ vẫn được xem xét giải quyết hưởng chế độ ốm đau.
Lao động nữ nhờ mang thai hộ, người chồng của lao động nữ nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng
Theo quy định tại Điều 55 Luật BHXH, lao động nữ nhờ mang thai hộ đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Trường hợp lao động nữ chết hoặc được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con khi con chưa đủ 6 tháng tuổi thì người chồng hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm sóc con đối với thời gian còn lại của lao động nữ.
Trong thời gian nghỉ thai sản trên, nếu lao động nữ nhờ mang thai hộ, người chồng hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng đang tham gia BHXH bắt buộc không nghỉ việc mà tiếp tục đi làm thì ngoài trợ cấp thai sản còn được hưởng tiền lương trong những ngày làm việc này.
Trong thời gian làm việc này, nếu lao động nữ nhờ mang thai hộ, người chồng hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng rơi vào 1 trong 6 trường hợp phải nghỉ việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Luật BHXH thì họ vẫn được xem xét giải quyết hưởng chế độ ốm đau.

Lao động nữ nhờ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ thai sản (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).
Người lao động trong thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 Luật BHXH, người lao động còn đang thực hiện hợp đồng làm việc vẫn có thể tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng BHXH.
Trong thời gian tạm dừng đóng này, người lao động rơi vào 1 trong 6 trường hợp phải nghỉ việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Luật BHXH thì họ vẫn được xem xét giải quyết hưởng chế độ ốm đau.