NƠI NÚI NGHIÊNG BÓNG BIỂN XANH
Từ xa nhìn lại, bán đảo Phương Mai là dãy núi trông như một con rồng xanh nằm dài giữa biển khơi, đầu hướng về phương nam, thân uốn lượn về phía bắc đến tận cửa Đề Gi (H.Phù Cát, Bình Định). Trên lưng “rồng” là những làng chài bình yên nép mình nơi chân núi, lũy đá hiểm trở soi bóng xuống dòng nước trong xanh, nơi san hô rực rỡ khoe sắc, những bãi tắm hoang sơ đẹp đến nao lòng. Nổi bật nhất là Eo Gió và Kỳ Co, hai viên ngọc quý ở xã Nhơn Lý.

Núi Phương Mai như con rồng nằm giữa biển, che chắn cho TP.Quy Nhơn
ẢNH: DŨNG NHÂN
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều du khách gọi Eo Gió là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất VN. Nằm lọt giữa hai mỏm núi cao dựng đứng, Eo Gió cong cong như yên ngựa, đón gió biển thổi lồng lộng suốt bốn mùa. Gió ở đây mạnh đến mức cái tên “Eo Gió” cũng bắt nguồn từ chính đặc điểm thiên nhiên ấy.
Theo năm tháng, sóng biển khoét dần vào vách đá, tạo nên vô số khe rãnh kỳ thú. Mỗi buổi chiều, nắng trải lên triền đá gồ ghề, mặt biển ánh lên rực rỡ như một bức tranh sơn dầu sống động. Chính vẻ hoang sơ, nguyên bản ấy khiến nơi đây trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Quy Nhơn.

Eo Gió được nhiều người xem là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất VN
ẢNH: DŨNG NHÂN
Cách Eo Gió không xa, Kỳ Co hiện ra như một thiên đường bí ẩn. Bãi biển lọt thỏm giữa hai bờ đá lớn, cát trắng mịn, nước biển trong vắt đến mức có thể nhìn thấy đáy. Từ trên cao nhìn xuống, Kỳ Co như một thung lũng xanh giữa lòng đại dương, nơi trời, mây và nước hòa vào nhau một cách kỳ diệu.

Bãi biển Kỳ Co lọt thỏm giữa hai bờ đá lớn, cát trắng mịn, nước biển trong vắt
ẢNH: DŨNG NHÂN
BẢN TÌNH CA VĨNH CỬU CỦA BIỂN CẢ VÀ ĐÁ
Ở phía nam bán đảo, biển Nhơn Hải cũng là một món quà mà thiên nhiên đã ưu ái dành tặng cho vùng đất này. Dọc theo bờ biển, những gành đá hình thù kỳ lạ vươn mình ra sóng, như những tảng điêu khắc của tạo hóa. Đặc biệt, một đoạn tường đá bí ẩn nằm cách bờ khoảng 200 m, thẳng tắp, nhấp nhô giữa làn nước trong xanh, khiến nhiều người không khỏi tò mò. Nó như một dấu vết thời gian, như phần còn sót lại của một nền văn minh chìm sâu dưới đáy biển.
Cách không xa đó là đảo Hòn Khô, cái tên mộc mạc nhưng ấn tượng. Những dãy núi đá thô mộc dưới nắng gió bao bọc lấy một bãi tắm trong xanh tuyệt đẹp. Vào những ngày trời quang, du khách có thể nhìn thấy tận đáy biển, nơi san hô rực rỡ như thảm hoa dưới làn nước, những đàn cá như múa lượn dưới chân người.

Làng chài Nhơn Hải trên bán đảo Phương Mai
ẢNH: DŨNG NHÂN
Không chỉ hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên, bán đảo Phương Mai còn quyến rũ bởi những huyền thoại dân gian được người dân nơi đây lưu truyền như một phần hồn đất. Dải núi nối Phương Mai với dãy Triều Châu có một khúc gọi là Eo Vược (thuộc xã Nhơn Hải), tương truyền là dấu chân giận dữ của một ông khổng lồ từng đến vùng này tát cá. Khi con cá vược khổng lồ nhảy vọt qua núi, ông đuổi theo không kịp, giậm chân tức tối làm đất lở xuống biển. Vết tích ấy, theo người xưa, chính là vùng nước ăn sâu vào núi nay gọi là Eo Vược.
Tận cùng phía nam bán đảo là Mũi Yến, còn gọi là Đảo Yến, nơi hàng trăm năm trước, sóng biển từng khoét sâu vào vách núi, tạo nên những hang đá cao hàng chục mét. Theo sách Bình Định – Danh thắng và di tích, khu vực này có đến 30 hang yến lớn nhỏ, tập trung tại hai xã Nhơn Hải và Nhơn Lý. Những hang lớn như hang Cả, hang Đôi Trong, hang Luông… mỗi năm cho thu từ 14.000 – 15.000 tổ yến. Vào mùa xuân, từng đàn yến sải cánh rợp trời, ríu rít gọi nhau giữa nền trời xanh thẳm, một khung cảnh vừa kỳ vĩ vừa nên thơ hiếm có.
VÙNG ĐẤT CỦA LỊCH SỬ ĐANG BỪNG TỈNH
Không chỉ là tuyệt tác thiên nhiên, bán đảo Phương Mai còn lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử, tiêu biểu là Lũy cổ Phương Mai trên núi Tam Tòa. Dưới chân núi có đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (995 – 1057), vị hoàng tử triều Lý từng dẫn thủy binh vào cửa biển Thị Nại giúp vua Chiêm Thành bình định loạn lạc.

Sóng biển khoét dần vào vách đá, tạo nên vô số khe rãnh kỳ thú tại bờ biển ở bán đảo Phương Mai
ẢNH: DŨNG NHÂN
Tương truyền, do địa thế chiến lược của cửa biển Thị Nại, các vua Champa từng cho xây dựng thành lũy trên đỉnh Tam Tòa để bảo vệ kinh đô Vijaya. Đến thời Tây Sơn, đô đốc Võ Văn Dũng tiếp tục đắp đồn lũy ở Phương Mai để trấn giữ vùng biển này.
Theo TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định, vào năm Minh Mạng thứ 7 (1836), triều đình nhà Nguyễn đã xây dựng pháo đài Hổ Ki trên đỉnh núi Tam Tòa với 12 hầm pháo kiên cố nhằm kiểm soát vùng biển Quy Nhơn. Dưới thời vua Tự Đức, hệ thống phòng thủ này tiếp tục được củng cố với nhiều công trình quân sự quan trọng khác.
Đi về phía nam của lũy cổ Phương Mai, một phần còn sót lại của hệ thống phòng thủ xưa, du khách sẽ bắt gặp tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo oai nghiêm, bên cạnh là ngọn hải đăng Phước Mai lặng lẽ soi sáng giữa trời mây, sóng nước. Lũy cổ Phương Mai đã được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích vào năm 2010.

Nhiều khu du lịch được đầu tư trên bán đảo Phương Mai để phục vụ nhu cầu tham quan
ẢNH: DŨNG NHÂN
Khoảng một thập niên trở lại đây, bán đảo Phương Mai không còn là “nàng tiên ngủ quên” mà đang bừng tỉnh từng ngày. Khu kinh tế Nhơn Hội đang dần trở thành trung tâm hành chính – chính trị mới của tỉnh sau khi Bình Định và Gia Lai sáp nhập. Theo quy hoạch, Phương Mai được định hướng trở thành khu du lịch quốc gia, nơi quá khứ linh thiêng hòa quyện cùng nhịp sống hiện đại; nơi biển xanh kể chuyện đá, rặng núi thì thầm lời gió. (còn tiếp)