Những vai trò vô hình nhưng không thể thiếu của người vợ

Những vai trò vô hình nhưng không thể thiếu của người vợ

bởi

trong

Các chuyên gia tâm lý học Mỹ chỉ ra những vai trò của người vợ, các ông chồng thường không nhận ra nhưng lại vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình.





Những vai trò vô hình nhưng không thể thiếu của người vợ

Ảnh minh họa: Pexels

Quản lý, cân bằng cảm xúc giữa các thành viên

Là người chăm sóc chính, người vợ thường đóng vai trò trung gian, xoa dịu mọi chuyện giữa các thành viên trong gia đình. Nhạy bén trong nắm bắt cảm xúc của mọi người là sở trường của hầu hết những người vợ.

Viện nghiên cứu Tâm thần kinh – Pháp y Pháp cho rằng phụ nữ thường đảm nhận phần lớn công việc chăm sóc sức khỏe người thân. Điều này bao gồm sắp xếp các cuộc hẹn, làm việc vặt và luôn lắng nghe cảm xúc của mọi người khi họ cần.

Tuy nhiên, khi suốt ngày phải lo giải quyết cảm xúc của chồng con, người vợ cũng có thể cảm thấy bị cô lập. Họ phải luôn gồng mình, tỏ ra mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho mọi người. Người chồng có thể không phải lúc nào cũng nhận ra vợ mình đã dồn sức lực, tâm huyết cho công việc này.

Ngoài ra, người vợ cũng luôn theo dõi, để ý cảm xúc của con cái, từ việc nhận thấy những thay đổi nhỏ trong tâm trạng đến việc hỏi han con sau một ngày khó khăn ở trường.

Mặc dù phụ nữ có xu hướng chăm sóc, theo dõi cảm xúc của con cái nhưng theo các chuyên gia, cả cha và mẹ nên cùng quan tâm con. Nghiên cứu từ Đại học Penn State (Mỹ) cho thấy mối quan hệ tương tác gần gũi với cha trong giai đoạn thanh thiếu niên có thể giúp con trẻ tự tin hơn, bớt lo lắng và giảm thiểu nguy cơ mắc trầm cảm.

Ghi nhớ những điều nhỏ nhặt

Những điều nhỏ nhặt từ theo dõi những dịp quan trọng như sinh nhật, ngày kỷ niệm đến việc lập danh sách mua sắm. Những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt đó dần trở thành trách nhiệm phải làm của người vợ mà không có bất kỳ sự ghi nhận hay cảm ơn nào.

Ghi nhớ mọi thứ không dễ dàng, đặc biệt đối với những người chồng có xu hướng vô tâm hay phó thác cho vợ. Nhưng do các chuẩn mực xã hội, phụ nữ được xem là người nên đóng vai trò là người ghi nhớ các ngày quan trọng của gia đình.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Mỹ, 64% những bà mẹ/vợ trong gia đình cho rằng họ làm nhiều hơn chồng trong việc quản lý lịch trình và các hoạt động của con cái. Người chồng thường thờ ơ với các công việc như mua đồ dùng cho con hoặc tham gia vào hội phụ huynh.

Theo các chuyên gia, để vợ không chịu quá nhiều trách nhiệm và áp lực, người chồng nên chủ động phân công thực hiện những công việc này với vợ.

Gánh chịu cảm giác tội lỗi khi mọi chuyện không suôn sẻ

Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, không được như ý muốn, những người phụ nữ trong gia đình thường cảm thấy lỗi là do mình.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Xã hội Anh cho thấy những bà mẹ đi làm trải qua mức độ tội lỗi cao hơn so với các ông bố, đặc biệt khi họ tin rằng công việc của họ cản trở thời gian dành cho gia đình.

Cảm giác tội lỗi này xuất phát từ những định kiến giới thường gắn phụ nữ với việc chăm sóc gia đình và đàn ông với công việc. Chỉ bằng cách cùng nhau chia sẻ cảm giác tội lỗi, người chồng mới có thể giúp giảm bớt gánh nặng cho vợ, giúp vợ biết cách yêu thương bản thân mình hơn.

Tạo dựng và duy trì các truyền thống gia đình

Người vợ có xu hướng đảm nhận công việc “không tên” trong nhà, kể cả việc tạo dựng hoặc duy trì các truyền thống gia đình cho con cái. Từ việc lên kế hoạch cho các lễ kỷ niệm, kế hoạch cho các kỳ nghỉ hay các hoạt động liên quan đến nghi lễ gia đình.

Thanh Thanh (Yourtango)