Như Dân trí thông tin, trưa 3/7, anh Trần Văn Nghĩa (30 tuổi, ở xã Chư Sê, tỉnh Gia Lai) phát hiện 3 em nhỏ bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ tại khu vực xã Ia Tul. Thời điểm này, nước lũ dâng nhanh, chảy xiết khiến người dân không thể bơi ra giải cứu.
Anh Nghĩa sau đó đã sử dụng máy bay không người lái (drone) chuyên dùng để bón phân và phun thuốc sâu, buộc dây rồi điều khiển phương tiện ra giải cứu 2 cháu đang mắc kẹt. Hai cháu nhỏ lần lượt bám vào dây và được kéo vào bờ an toàn, cháu còn lại được người dân chèo thuyền ra ứng cứu an toàn.
Hành động đẹp của anh Nghĩa nhận được sự hoan nghênh, ca ngợi của nhiều người. Nhiều ý kiến cho rằng đây cũng là một gợi ý tốt để nghiên cứu xây dựng phương án cứu hộ trong các điều kiện khó khăn, hiểm trở.
Độc giả Lap Nguyen Viet viết: “Sự sáng tạo và đầy tình người của anh nông dân không những cứu được các cháu nhỏ mà còn mở ra hướng đi cho lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn với drone”.
“Nếu như bên phòng cháy chữa cháy ứng dụng mô hình này cứu người mắc kẹt trên các nhà cao tầng thì quá hay”, độc giả Thinh Nguyen. “Thật sự quá tuyệt vời! Hành động nhanh trí và lòng dũng cảm của anh Nghĩa đã cứu sống các cháu nhỏ. Một người hùng đích thực trong thời đại công nghệ!”, độc giả Nguyen Duc Thinh.
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến băn khoăn trước sự an toàn và tính pháp lý của thiết bị bay không người lái. Độc giả Kent viết: “Trừ khi cực kỳ cấp bách và không có phương án thay thế, bởi drone này không đủ an toàn. Thử hỏi nếu có sự cố cánh kia chém vào người thì hậu quả cũng rất nghiêm trọng”.

Anh Nghĩa cùng thiết bị bay không người lái (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Có phải đăng ký, xin cấp phép khi sử dụng drone?
Bình luận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Hoàng Linh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo quy định của pháp luật, máy bay không người lái (drone) phun thuốc của anh Nghĩa có thể được xếp vào nhóm tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ. Việc sử dụng các loại phương tiện này cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.
Cụ thể, Điều 13 Nghị định này quy định tổ chức, cá nhân khi thực hiện hoạt động bay cần phải đáp ứng các điều kiện như phải làm thủ tục xin phép trước khi tổ chức các hoạt động bay; dự báo, thông báo trước ngày bay theo quy định; nắm vững các quy định, nội dung của việc tổ chức, thực hiện hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam và phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu để xảy ra mất an toàn hàng không, gây thiệt hại cho người, tài sản dưới mặt đất.
Còn theo Điều 14 Nghị định này, các hành vi bị nghiêm cấm được liệt kê bao gồm tổ chức bay khi chưa được cấp phép; bay không đúng khu vực hay mang chở các chất phóng xạ, chất cháy nổ trên tàu bay…
Như vậy, có thể thấy việc sử dụng drone ở nước ta không hoàn toàn bị nghiêm cấm, nhưng cần đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về điều kiện được cấp phép bay. Trong trường hợp sử dụng drone hoặc các loại máy bay không người lái khác không đúng quy định, tùy thuộc tính chất, mức độ và hậu quả, người sử dụng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật ở các mức độ khác nhau.

Khoảnh khắc em nhỏ được drone của anh Nghĩa giải cứu (Ảnh: Chí Anh).
Về chế tài hành chính, căn cứ Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, người sử dụng tàu bay không người lái chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép có thể bị xử phạt 1-2 triệu đồng.
Trường hợp sử dụng tàu bay không người lái nhằm phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại khi không được phép, mức phạt là phạt tiền 5-8 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu người sử dụng đồng thời thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái mà chưa có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp thì có thể bị áp dụng mức phạt là 15-20 triệu đồng.
Thậm chí, trường hợp hành vi sử dụng drone trái phép xâm phạm nghiêm trọng tới an ninh trật tự xã hội, người vi phạm còn có thể bị xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.