Tuy nhiên, Nike hiện phải đối mặt với một vụ kiện tập thể từ những người sở hữu NFT. Những người mua tài sản ảo này cáo buộc Nike đã đột ngột đóng cửa dự án giày ảo RTFKT mà không thông báo trước.

Một tài sản ảo NFT của Nike
ẢNH: NIKE
Theo The Verge, nguyên đơn trong vụ kiện cho biết họ sẽ không đầu tư vào các token này nếu biết rằng chúng là chứng khoán chưa đăng ký. Được thành lập vào năm 2020, dự án RTFKT nhanh chóng nổi tiếng với việc tạo ra giày dép, quần áo và phụ kiện ảo cho thế giới kỹ thuật số (siêu vũ trụ).
Khách hàng bất ngờ khi Nike quay lưng
Vào tháng 12.2021, Nike đã mua lại dự án này và cung cấp cho chủ sở hữu NFT cơ hội đặt hàng phiên bản vật lý của tài sản kỹ thuật số, bao gồm cả giày thể thao thực sự. Tuy nhiên, vào tháng 12.2023, Nike thông báo sẽ đóng cửa dự án RTFKT. Điều này khiến những người nắm giữ NFT thất vọng khi họ kỳ vọng vào sự tăng trưởng dài hạn của tài sản kỹ thuật số.
Vụ kiện đã được đệ trình lên tòa án liên bang ở Quận phía Đông của New York (Mỹ) với yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 5 triệu USD khi cáo buộc Nike vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng tại New York, California, Florida và Oregon.
“Metaverse” là gì mà Facebook sẵn sàng đổi tên để theo đuổi?
Được biết, mặc dù có nhiều kế hoạch đầy tham vọng, Nike vẫn chưa thể hiện thực hóa tiềm năng của RTFKT. Sau khi dự án kết thúc, chỉ còn nhân viên duy nhất, Samuel Cardillo, tiếp tục hỗ trợ. Tuần này, anh đã một mình xử lý các vấn đề liên quan đến bộ sưu tập CloneX NFT, khi hình ảnh của bộ sưu tập này đột ngột biến mất rồi lại xuất hiện và gây hoang mang cho các nhà đầu tư.
Ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số từng bùng nổ vào năm 2021 – 2022 hiện suy thoái, với nhiều nhà đầu tư vẫn nắm giữ các token mất giá. Câu chuyện về RTFKT là một ví dụ điển hình về sự thất bại của các tập đoàn lớn khi cố gắng kiếm tiền từ NFT, tương tự như thất bại của Starbucks với dự án Odyssey.
Hiện tại, Nike vẫn chưa đưa ra bình luận về vụ kiện. Tuy nhiên, vụ kiện này có thể tạo ra tiền lệ cho khách hàng đã đầu tư vào NFT của nhiều công ty khác.