
Các cơ quan chức năng vẫn đang khống chế đám cháy tại cảng Shahid Rajaee của Iran – Ảnh: REUTERS
Truyền thông Iran đưa tin nguyên nhân vụ nổ ngày 26-4, giờ địa phương, dường như là do cách bảo quản hóa chất thiếu an toàn trong các container tại cảng.
“Nguyên nhân gây ra vụ nổ là do hóa chất bên trong các container”, ông Hossein Zafari – người phát ngôn của tổ chức quản lý khủng hoảng Iran, nói với hãng thông tấn ILNA của Iran.
“Trước đó, tổng giám đốc quản lý khủng hoảng đã trong các chuyến thăm cảng đã chỉ ra nguy hiểm và đưa ra cảnh báo cho cảng này”, ông Zafari cho biết thêm.
Tương tự, cơ quan hải quan Iran cũng cho rằng “kho hàng hóa nguy hiểm và vật liệu hóa học được lưu trữ trong khu vực cảng” gây ra vụ nổ.
Tuy nhiên, Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Iran cho biết mặc dù có khả năng vụ nổ là do hóa chất, nhưng vẫn chưa thể xác định được lý do chính xác.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã ra lệnh điều tra vụ việc và cử bộ trưởng Nội vụ đến hiện trường.

Vụ nổ gây hư hại trên diện rộng và tiếng nổ có thể nghe thấy từ cách xa gần 30km – Ảnh: REUTERS
Vụ nổ diễn ra giữa thời điểm nhạy cảm và tại vị trí cảng hết sức quan trọng của Iran.
Nó xảy ra khi Iran bắt đầu vòng đàm phán hạt nhân thứ ba với Mỹ tại Oman, nhưng đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy có mối liên hệ giữa hai sự kiện này.
Trong khi đó, cảng Shahid Rajae, cách thủ đô Tehran khoảng 1.000 km và nằm gần eo biển chiến lược Hormoz, là trung tâm container lớn nhất của Iran xử lý phần lớn hàng hóa container của đất nước và cũng có các bồn chứa dầu và các cơ sở hóa dầu khác.
Công ty lọc và phân phối sản phẩm dầu mỏ quốc gia Iran cho biết các cơ sở dầu mỏ trong khu vực không bị ảnh hưởng bởi vụ nổ.
“Vụ nổ và hỏa hoạn tại khu cảng Shahid Rajaei không liên quan đến các nhà máy lọc dầu, bồn chứa nhiên liệu, khu phức hợp phân phối và đường ống dẫn dầu liên quan”, công ty cho biết.

Người bị thương được đưa đến cơ sở y tế – Ảnh: REUTERS
Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy vụ nổ lớn tại cảng Shahid Rajaee tạo thành một đám mây hình nấm khổng lồ làm vỡ nhiều cửa sổ trong bán kính vài km. Cho đến nay, các nỗ lực dập tắt đám cháy và ngăn chặn đám cháy lan sang các khu vực khác vẫn đang tiếp diễn.
“Toàn bộ nguồn lực từ các thành phố khác và Tehran đã được điều động… và chúng tôi hy vọng có thể dập tắt đám cháy trong những giờ tới”, Bộ trưởng Nội vụ Eskandar Momeni cho biết tại hiện trường.
Theo truyền thông Iran, đến nay đã có hơn 750 bị thương và 14 người chết. Chính quyền địa phương nói những người địa phương đã được đưa đến các cơ sở y tế.
Một loạt các sự cố chết người xảy ra tại các cơ sở hạ tầng năng lượng và công nghiệp của Iran trong những năm gần đây, trong đó nhiều vụ được cho là do sự cẩu thả. Chẳng hạn như vụ cháy nhà máy lọc dầu, vụ nổ khí đốt tại một mỏ than và sự cố khẩn cấp tại Bandar Abbas khiến một công nhân thiệt mạng vào năm 2023.
Iran cũng đổ lỗi cho Israel tấn công vào đường ống dẫn khí đốt của Iran vào tháng 2 năm 2024 và tấn công mạng vào cảng Shahid Rajaee năm 2020.

Vụ nổ gây thương vong cực lớn – Ảnh: REUTERS

Trực thăng gia dập lửa do đám cháy tại cảng Shahid Rajaee – Ảnh: REUTERS