Nô nức trong ngày đầu vận hành mô hình mới tại 5 đặc khu ở miền Trung

Nô nức trong ngày đầu vận hành mô hình mới tại 5 đặc khu ở miền Trung

bởi

trong

Sau sắp xếp, 11 huyện đảo trên cả nước trở thành đặc khu. Tại miền Trung có 5 đặc khu gồm Cồn Cỏ, Hoàng Sa, Lý Sơn, Trường Sa và Phú Quý.

Đặc khu Cồn Cỏ

Tại đặc khu Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), do đặc thù địa lý, dân cư ít nên nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân trong ngày đầu vận hành chính quyền đặc khu Cồn Cỏ chưa nhiều.

Nô nức trong ngày đầu vận hành mô hình mới tại 5 đặc khu ở miền Trung

Trụ sở chính quyền đặc khu Cồn Cỏ (Ảnh: Nhật Anh).

Lãnh đạo đặc khu Cồn Cỏ cho hay, đội ngũ lãnh đạo và cán bộ trên đảo nhanh chóng bắt tay vào công việc mới với tinh thần quyết tâm cao nhất.  

Để công việc hoạt động trơn tru, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, chấn chỉnh kỷ cương, lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị.

Chính quyền và người dân sẽ nỗ lực để đặc khu Cồn Cỏ phát triển mạnh hơn nữa về du lịch, kinh tế, đời sống người dân được nâng lên.

Sinh sống khá lâu trên đảo, chị Hồ Minh Cần phấn khởi cho hay Cồn Cỏ tuy nhỏ nhưng là một địa điểm nổi tiếng trên bản đồ du lịch, du khách biết đến Cồn Cỏ như là một viên ngọc xanh của vùng đất lửa Quảng Trị.

“Chúng tôi kỳ vọng khi trở thành đặc khu, ngành du lịch, kinh tế sẽ phát triển mạnh, đời sống người dân khấm khá hơn”, chị Cần chia sẻ. 

Nô nức trong ngày đầu vận hành mô hình mới tại 5 đặc khu ở miền Trung - 2

Anh Hà Tiến Nam, cán bộ đặc khu Cồn Cỏ, trong ngày đầu tiên vận hành chính quyền địa phương 2 cấp (Ảnh: Nhật Anh).

Trong ngày đầu tiên khi Cồn Cỏ trở thành đặc khu và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, anh Hà Tiến Nam, cán bộ đặc khu Cồn Cỏ làm việc với tinh thần quyết tâm cao. 

Theo anh Nam, mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên cán bộ và nhân dân trên đảo luôn đoàn kết, quyết tâm xây dựng đặc khu ngày càng phát triển.

Cồn Cỏ là đặc khu duy nhất của tỉnh Quảng Trị với diện tích khoảng 2,3km2, cách đất liền khoảng 18 hải lý về phía Đông. Mặc dù diện tích không lớn nhưng Cồn Cỏ có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ cửa ngõ phía nam Vịnh Bắc Bộ.

Đặc khu Hoàng Sa

Ngày 1/7, đại diện UBND đặc khu Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) cho biết đã trang trí cờ đỏ sao vàng ngay lối vào của trụ sở tại đường Hoàng Sa, phường Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng nhằm chào mừng ngày chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động.

Theo ghi nhận, tại trụ sở UBND đặc khu Hoàng Sa, hoạt động đón khách đến tham quan bảo tàng hoặc liên hệ làm việc diễn ra bình thường. Tại đây luôn có cán bộ, nhân viên túc trực hướng dẫn người dân.

Trên cổng thông tin của đặc khu Hoàng Sa, đội ngũ lãnh đạo cũng cho đăng tải thông tin công bố quyết định thành lập thành phố Đà Nẵng mới.

Chi bộ đặc khu Hoàng Sa được công bố thuộc Đảng ủy Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng. Ông Trần Trung Sơn được chỉ định làm Bí thư Chi bộ, ông Lê Tiến Công làm Phó Bí thư Chi bộ.

Nô nức trong ngày đầu vận hành mô hình mới tại 5 đặc khu ở miền Trung - 3

Trụ sở UBND đặc khu Hoàng Sa được trang trí cờ tổ quốc rực rỡ (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo đề án đã được công bố, đặc khu Hoàng Sa được thành lập trên cơ sở diện tích địa lý, dân số của huyện Hoàng Sa.

Theo UBND đặc khu Hoàng Sa, địa phương này là một trong những quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời.

Trong lịch sử, quần đảo Hoàng Sa còn có tên là “Bãi cát vàng”. Quần đảo gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác thuộc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng.

Nằm phía Đông của Việt Nam, Hoàng Sa án ngự đường hàng hải quốc tế huyết mạch từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Vùng biển này có tiềm năng lớn về khoáng sản và nguồn hải sản, thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, quan trọng hơn đây là vị trí quân sự chiến lược.

Đặc khu Lý Sơn

Từ ngày 1/7, đặc khu Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) chính thức đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Minh Trí, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn (cũ) được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy đặc khu Lý Sơn. Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Bí thư Huyện ủy Ba Tơ (cũ) được chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND đặc khu Lý Sơn.

Đặc khu Lý Sơn cách đất liền khoảng 17 hải lý, diện tích trên 10km2, dân số 22.000 người. Đặc khu bao gồm đảo Lớn và đảo Bé.

Trung tâm hành chính đặc khu Lý Sơn nằm ở đảo Lớn. Trước khi trở thành đặc khu, huyện Lý Sơn không có cấp xã.

Người dân Lý Sơn sống chủ yếu bằng ngành ngư nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ du lịch. Mỗi năm đặc khu Lý Sơn đón khoảng 250.000 lượt khách.

Nô nức trong ngày đầu vận hành mô hình mới tại 5 đặc khu ở miền Trung - 4

Các tuyến đường được treo cờ, trang trí tạo khí thế sôi nổi chào mừng sự kiện Lý Sơn trở thành đặc khu (Ảnh: Quốc Triều).

Ông Nguyễn Văn Tân (đặc khu Lý Sơn) cho biết ông đã trải qua 3 sự kiện lớn làm thay đổi hòn đảo tiền tiêu này. Thứ nhất là đặc khu có điện lưới quốc gia, tiếp đó là việc giải thể cấp xã và bây giờ là Lý Sơn trở thành đặc khu.

“Việc hòa lưới điện quốc gia và giải thể chính quyền cấp huyện đã tác động rất tích cực, giúp Lý Sơn thay đổi toàn diện. Lần này, Lý Sơn trở thành đặc khu, người dân rất mong chờ sẽ có những cơ chế, chính sách mới giúp đảo tiền tiêu phát triển nhanh hơn”, ông Tân chia sẻ.

Đặc khu Trường Sa

Sau sắp xếp, tỉnh Khánh Hòa có 65 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 48 xã, 16 phường và đặc khu Trường Sa.

Từ ngày 1/7, đặc khu Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) chính thức đi vào vận hành. Đặc khu Trường Sa được hình thành trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn.

Đặc khu Trường Sa nằm ở phía Nam Biển Đông cách bán đảo Cam Ranh 480km. Đây là vùng đảo có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng và thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Nô nức trong ngày đầu vận hành mô hình mới tại 5 đặc khu ở miền Trung - 5

Tàu cá của ngư dân neo đậu ở Trường Sa (Ảnh: Dương Phong).

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, diện mạo của đặc khu Trường Sa được đổi mới từng ngày, khang trang hơn, kiên cố hơn, nhiều công trình như cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, máy phát điện bằng sức gió… đã được xây dựng.

Những công trình xây dựng ở Trường Sa không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quân – dân trên đảo và ngư dân các địa phương làm ăn phát triển kinh tế biển, kết hợp giữa kinh tế – quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, góp phần cùng quân, dân huyện đảo nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đặc khu Phú Quý

Đặc khu Phú Quý (tỉnh Lâm Đồng) được hình thành trên cơ sở sáp nhập xã Long Hải, Ngũ Phụng, Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận (cũ).

Đặc khu Phú Quý có diện tích tự nhiên hơn 18km2, quy mô dân số hơn 32.000 người, nằm cách đất liền khoảng 120km.

Từ ngày 1/7, ông Lê Hồng Lợi được chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quý. 

Nô nức trong ngày đầu vận hành mô hình mới tại 5 đặc khu ở miền Trung - 6

Một góc đặc khu Phú Quý (Ảnh: Đình Hòa).

Đặc khu Phú Quý không chỉ có tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội mà còn là khu vực chiến lược quan trọng trên biển Đông.

Giữa biển bạc, đảo Phú Quý có ngư trường rộng lớn với nhiều hải sản, đặc sản quý giá. Trong đó nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như cua huỳnh đế, cua đỏ, mực, tôm hùm…

Từ đầu năm đến nay, đảo Phú Quý đón hơn 24.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế gần 1.250 lượt.