Nở rộ không gian mỹ thuật tư nhân

Nở rộ không gian mỹ thuật tư nhân

bởi

trong

KHÔNG GIAN ĐỂ KHÁM PHÁ NHỮNG CÁCH BIỂU ĐẠT MỚI

Craig Thomas Gallery là địa chỉ quen thuộc của giới yêu mỹ thuật. Phòng tranh tập trung vào việc phát triển và giới thiệu các nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là những người chưa được biết đến rộng rãi. Với vị trí ngay trung tâm TP.HCM, Craig Thomas Gallery không chỉ giới thiệu tài năng trong nước mà còn mở rộng hợp tác quốc tế. Sự tận tâm trong việc hỗ trợ nghệ sĩ trẻ và xây dựng cầu nối với thị trường quốc tế là những nỗ lực đáng ghi nhận của phòng tranh này.

Nở rộ không gian mỹ thuật tư nhân

Không gian mỹ thuật tư nhân Peony & Iris Art Gallery của nhà thiết kế Phùng Thị Thu Thủy

ẢNH: NGUYỄN Á

Sàn Art là một không gian nghệ thuật độc lập phi lợi nhuận, ngoài việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại, nơi này còn đóng vai trò như một nền tảng nghiên cứu và giáo dục nghệ thuật, cùng các hoạt động như triển lãm, chương trình lưu trú cho nghệ sĩ, các dự án cộng đồng, góp phần định hình một không gian đối thoại nghệ thuật sâu sắc, đặc biệt là trong việc khám phá các vấn đề xã hội và văn hóa thông qua nghệ thuật.

Không gian mỹ thuật Chillala – House of Art với tổng diện tích 1.000 m², sức chứa 350 khách, gây ấn tượng với giới mộ điệu bởi những chương trình triển lãm nghệ thuật độc đáo. Nhiều triển lãm của các nghệ sĩ vừa tổ chức thành công tại đây có thể kể đến: Sắc và không (Trần Trung Lĩnh), Hoa lá cành 2 (Đôn Vinh), Một mảnh thiên đường (Noah Bùi)…

Không gian mỹ thuật Peony & Iris Art Gallery của nhà thiết kế Phùng Thị Thu Thủy thì luôn tràn ngập cảm xúc bởi sự kết nối văn hóa nghệ thuật và thẩm mỹ. Sự “phô diễn” của các tác phẩm áo dài nghệ thuật cùng các dòng tranh thủ công: lụa, sơn mài, sơn dầu… của nhiều tên tuổi nổi tiếng không chỉ mang đến giá trị di sản mà còn thể hiện sự tâm huyết của chủ nhân.

Nở rộ không gian mỹ thuật tư nhân - Ảnh 2.

Không gian mỹ thuật Chillala

Ảnh: Q.Trân

Bên cạnh đó, các hoạt động của Bảo tàng Nghệ thuật Quang San hướng đến sự bền vững, khi tách bạch việc sưu tập, điều hành và các hoạt động thương mại, tài chính cùng những phát triển cộng đồng khác. Các phòng tranh khác đi vào sự chuyên biệt hoặc “ngóc ngách”: Galerie Quynh, Nguyen Art Foundation, Huyen Art House… luôn biết tạo ra “lối đi ngay dưới chân mình”. Ở phân khúc hơi nghiêng về thương mại với tác phẩm đương đại có thể nhắc đến Galerie Quynh; ở phân khúc tương tác với giáo dục thì Nguyen Art Foundation là một địa chỉ được chú ý.

Sự nở rộ không gian mỹ thuật tư nhân khuyến khích nghệ thuật đương đại và các loại hình thử nghiệm, như: nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật số, giúp nghệ sĩ thoát khỏi các khuôn mẫu truyền thống, khám phá những cách biểu đạt mới. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi nghệ thuật VN cần cạnh tranh với các nền nghệ thuật khác.

Với sự chuyên nghiệp hóa của các không gian tư nhân, các tác phẩm được giới thiệu thường đi kèm với sự tuyển chọn kỹ lưỡng và câu chuyện rõ ràng, giúp tăng giá trị văn hóa và kinh tế của các bộ sưu tập.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi

TẠO RA ĐỐI THOẠI ĐA CHIỀU GIỮA NGHỆ THUẬT VÀ CỘNG ĐỒNG

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, trong các móc xích hoặc trụ cột của một nền mỹ thuật, không gian mỹ thuật tư nhân luôn đóng vai trò rất quan trọng, trở thành nhịp cầu giữa người sáng tạo với giới sưu tập, với việc trưng bày triển lãm, với bảo tàng, nghiên cứu và bảo chứng.

“Mô hình không gian mỹ thuật nào cũng nên được khích lệ, để nó bước vào cọ xát với thị trường, tự cạnh tranh và nếu hợp lý sẽ phát triển mạnh mẽ”, ông Lý Đợi nói.

Nhà sưu tầm Ngô Kim Khôi đánh giá cao không gian mỹ thuật tư nhân vì đây không chỉ là nơi trưng bày tác phẩm mà còn đóng vai trò như các trung tâm văn hóa, thúc đẩy giáo dục nghệ thuật, hỗ trợ người trẻ và tạo ra các cuộc đối thoại đa chiều giữa nghệ thuật và cộng đồng.

“Linh hoạt trong cách vận hành và sáng tạo trong việc kết hợp nghệ thuật với nhiều hoạt động cộng đồng là yếu tố khiến chúng nổi bật. Sự khởi sắc các không gian mỹ thuật tại TP.HCM mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho những người làm nghề: nghệ sĩ, giám tuyển, nhà phê bình và các nhà sưu tập tranh. Với sự chuyên nghiệp hóa của các không gian tư nhân, các tác phẩm được giới thiệu thường đi kèm với sự tuyển chọn kỹ lưỡng và câu chuyện rõ ràng, giúp tăng giá trị văn hóa và kinh tế của các bộ sưu tập”, ông Ngô Kim Khôi nhận xét.

Các không gian tư nhân thường xuyên tổ chức các sự kiện giao lưu, hội thảo, giúp nghệ sĩ tìm thấy cộng đồng cùng chí hướng, từ đó khơi dậy cảm hứng sáng tạo và giảm cảm giác cô lập trong nghề. Việc các gallery hợp tác quốc tế cũng mở ra cơ hội cho các nhà sưu tập đưa tác phẩm VN ra thị trường toàn cầu, góp phần xây dựng một hệ sinh thái nghệ thuật chuyên nghiệp hơn, với sự tham gia của giám tuyển, nhà phê bình và các tổ chức nghệ thuật. Điều này tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích chất lượng và sáng tạo, giúp đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, làm tăng nhận thức thẩm mỹ, từ đó tạo động lực cho thị trường mỹ thuật phát triển bền vững.

“Sự khởi sắc này trở thành tín hiệu vui thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp và tạo ra một thị trường sôi động, đa dạng và hấp dẫn cho các nhà sưu tập, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của mỹ thuật VN trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để các không gian mỹ thuật tư nhân hoạt động hiệu quả, rất cần sự “chung tay vỗ nên kêu” từ các đối tác tiềm năng để chúng tôi có thêm điều kiện mở rộng và phát triển”, chủ nhân Peony & Iris Art Gallery Phùng Thị Thu Thủy chia sẻ.