Từ chiều 6.5, đông nghẹt phật tử, người dân khắp nơi đã đến Việt Nam Quốc Tự chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức. Đây là một trong hai sự kiện tâm linh quan trọng trong đại lễ Vesak 2025.
Trước đó, chiều ngày 5.5, xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được cung rước về Việt Nam Quốc Tự. Đặc biệt, đoạn đường cung rước trái tim bất diệt đi qua ngã tư có tượng đài Thích Quảng Đức – nơi ngài đã vị pháp thiêu thân năm xưa.

Hòa thượng Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại Khánh Hòa. Lên 7 tuổi, ngài xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm, trụ trì chùa Long Sơn. Năm 15 tuổi, ngài thọ giới Sa di
ẢNH: NHẬT THỊNH
Xúc động đảnh lễ xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức
Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức đang tôn trí ở Việt Nam Quốc Tự để người dân chiêm bái đến ngày 10.5. Sau đó, trái tim bất diệt sẽ được tôn thờ vĩnh viễn tại tháp Đa Bảo trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự.
Đây là tháp cao 63 m với 13 tầng – biểu tượng cho tinh thần phụng sự, thống nhất của 13 tổ chức, hội đoàn, tông phái tham gia cuộc tranh đấu bất bạo động của Phật giáo năm 1963. Nhiều người đến công viên tượng đài và tháp thờ dâng hương tưởng nhớ ngài chia sẻ họ rất xúc động khi trái tim của ngài được tôn trí tại Việt Nam Quốc Tự.
Bảo tháp 13 tầng có ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần phụng sự, thống nhất của 13 tổ chức, hội đoàn, tông phái tham gia cuộc tranh đấu bất bạo động của Phật giáo năm 1963. Bảo tháp sau khi hoàn thành là nơi trưng bày tư liệu về cuộc đấu tranh lịch sử này.

Năm 20 tuổi thọ giới Tỳ kheo và thọ Bồ tát giới, được hòa thượng bổn sư ban pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hành Pháp, pháp hiệu Quảng Đức. Khi bổn sư viên tịch vào năm 1921 và thọ tang xong, ngài phát nguyện nhập thất tu 3 năm trên núi Đất ở Ninh Hòa. Năm 1948, rời Khánh Hòa vào Nam, ngài hành đạo khắp Sài Gòn, Gia Định, Định Tường, Tây Ninh, Bà Rịa xuống đến Hà Tiên
ẢNH: NHẬT THỊNH
Chị Hoàng Thị Thanh (ngụ TP.HCM) chia sẻ: “Mỗi ngày đi ngang qua công viên tượng đài nhìn thấy ông tôi đều thấy xúc động, nhớ đến lòng từ bi của ngài. Năm nay, Việt Nam đăng cai Vesak, xá lợi trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức được tôn trí cho người dân chiêm bái, đó là điều rất tuyệt vời. Là phật tử, tôi rất xúc động khi đảnh lễ trái tim bất diệt của ngài và thấy hoan hỷ trong lòng”.
Chị Lý Thiên Giang (ngụ Gia Lai) cũng cho biết, khi sinh hoạt gia đình phật tử, chị được nghe nhiều về Bồ tát Thích Quảng Đức nên khi đến TP.HCM dự đại lễ Vesak, chị đã xếp hàng chờ chiêm bái xá lợi trái tim của ngài và chiêm bái xá lợi Phật. “Tôi rất xúc động trước tinh thần từ bi, vị pháp thiêu thân của ngài. Được đến đây, nhìn thấy xá lợi của ngài tôi rất mãn nguyện”, chị nói.

Công viên tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức được khánh thành ngày 18.9.2010 tại giao lộ Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám, đây là nơi vào năm 1963 ngài đã vị pháp thiêu thân
ẢNH: NHẬT THỊNH

Công viên tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức là công trình kiến trúc đặc biệt, có giá trị cao về mặt mỹ thuật, văn hóa, lịch sử, thể hiện niềm mong mỏi của nhân dân thành phố, mong muốn ghi lại công đức của Bồ tát Thích Quảng Đức trong quá trình đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, cho Tổ quốc
ẢNH: NHẬT THỊNH

Tượng Bồ tát Thích Quảng Đức được đúc bằng hợp kim đồng, cao 6 m tính từ chân tượng, nặng 12 tấn, tấm phù điêu phía sau dài 16 m cao 3 m, mô tả sinh động phong trào đấu tranh sôi nổi, anh dũng kiên cường của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phong trào đấu tranh của các phật tử trong lịch sử
ẢNH: NHẬT THỊNH

Công viên tượng đài Thích Quảng Đức những ngày tháng 4 âm lịch được trang trí rực rỡ cờ Tổ quốc, cờ Phật giáo và các lẵng hoa của phật tử đến tưởng niệm
ẢNH: NHẬT THỊNH

Trước khi làm tượng đài, các sở ngành ở TP.HCM đã tổ chức cuộc thi lấy ý tưởng thiết kế tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức. Hiện công viên tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức mỗi ngày đều đón nhiều khách quốc tế, người dân trong nước đến tham quan, đảnh lễ.
ẢNH: NHẬT THỊNH

Bao quanh khu tượng đài là những thảm cỏ, cây xanh, hồ sen. Công viên trở thành một mảng xanh và cũng là điểm ghi lại nhiều ký ức về sự kiện năm 1963 ngay tại giao lộ này
ẢNH: NHẬT THỊNH

Đối diện công viên tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức là một tháp thờ khác cũng có tượng của ngài cùng lư hương. Nhiều người dân quanh khu vực và nơi khác khi đi ngang hay dừng lại thắp nhang. Với một số phật tử, tháp thờ ở đây rất linh thiêng
ẢNH: NHẬT THỊNH

Nếu như công viên tượng đài thu hút khách du lịch thì tháp thờ ở đối diện lại là nơi ghé đến quen thuộc của người dân khu vực
ẢNH: NHẬT THỊNH

Thành kính đảnh lễ trước tháp tưởng nhớ Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân
ẢNH: NHẬT THỊNH