“Nối vòng tay lớn”, ca khúc viết cách đây hơn nửa thế kỷ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thể hiện khát vọng “nối trọn một vòng Việt Nam”.
Tập thể nghệ sĩ hát “Nối vòng tay lớn” trong chương trình nghệ thuật trước lễ diễu binh, diễu hành sáng 30/4 ở TP HCM. Video: VTV
Sáng 30/4, trình diễn mở màn lễ diễu binh, diễu hành tại TP HCM. Trong phần kết, họ hòa giọng hát Nối vòng tay lớn, gửi gắm niềm tin vào khối đại đoàn kết dân tộc, khiến nhiều khán giả xúc động.
Nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn hơn 50 năm qua len lỏi vào đời sống tinh thần của người dân, vang lên trong nhiều sự kiện, hoạt động quan trọng, thiêng liêng của đất nước. Nối vòng tay lớn luôn là bài hát khép lại các chương trình âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Năm 2013, gần 20.000 khán giả lập kỷ lục khi cùng hát ca khúc này trong một đêm nhạc ở TP HCM.
Theo đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bài hát ra đời tháng 4/1970, khi phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam chống chiến tranh, chống sự hiện diện của quân đội Mỹ, dâng cao. Ông và bạn thân là nhà thơ Ngô Kha, giáo viên văn khoa ở Huế, cùng hứa viết những tác phẩm cổ vũ quần chúng.
Ca khúc “Nối vòng tay lớn” trong phim “Em và Trịnh”. Video: Universal Music
“Anh Ngô Kha làm thơ, anh tôi phổ nhạc trong bầu nhiệt huyết với tình yêu dành cho Tổ quốc, cho đồng bào, với nỗi căm hờn kẻ gây nên chiến tranh, chia cắt, hận thù. Hai anh kêu gọi mọi người cùng nắm tay nhau để đấu tranh cho một ngày mai hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, no ấm cho quê hương Việt Nam”, bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ, nhớ lại.
Ngày 24/4/1970, tại một trại sinh hoạt của học sinh, sinh viên ở ngoại ô thành phố Huế, trong buổi tụ họp chủ đề Nối vòng tay lớn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu biểu diễn ca khúc. Bài hát nhanh chóng lan rộng, trở thành đồng ca trong các buổi tụ họp của giới trẻ miền Nam thời bấy giờ. Vào ngày 30/4/1975, tại Đài Phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau lời phát biểu về thời khắc giải phóng, đã cất tiếng hát Nối vòng tay lớn.

Trịnh Công Sơn đàn, hát “Nối vòng tay lớn” trong một chương trình sinh viên. Ảnh: Gia đình nhạc sĩ cung cấp
Trịnh Công Sơn – một trí thức và một nghệ sĩ viết nhiều ca khúc phản chiến – từng nói về quê hương trong gửi danh ca Mỹ Joan Baez: “Nếu lúc này tôi nói tôi yêu quê hương của tôi, tôi yêu những người thân thiết của tôi nơi này thì dĩ nhiên, chị sẽ chẳng có gì để ngạc nhiên cả. Bởi vì trên mặt đất này ai cũng có một quê hương, nơi đó cũng như một chiếc nôi êm ái, mỗi người đã được sinh ra, lớn lên, sống rồi chết. Ở đó cũng còn có cả hạnh phúc lẫn sự khổ đau như hai khuôn mặt muôn đời của đời sống nhân loại.”.

Bản nhạc “Nối vòng tay lớn”. Ảnh: Gia đình nhạc sĩ cung cấp
Những xúc cảm ấy đã được ông gửi gắm một phần vào ca khúc. Nhạc phẩm tựa như một bài thơ, với những hình ảnh đẹp và giàu tính biểu tượng: “Rừng núi dang tay nối lại biển xa”, “Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay”, “Cờ nối gió đêm vui nối ngày. Dòng máu nối con tim đồng loại”, “Thành phố nối thôn xa vời vợi. Người chết nối linh thiêng vào đời”. Tất cả cùng thể hiện tinh thần tương thân tương ái như cha ông từng truyền dạy: “Người trong một nước thì thương nhau cùng”.
Richard Fuller, một người Mỹ mê nhạc Trịnh, hát “Nối vòng tay lớn” bằng tiếng Anh. Video: VTV
Năm 2016, khi sang thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Obama đã trích dẫn bài hát để nói về mối quan hệ hai nước: “Hay như Trịnh Công Sơn viết bài Nối vòng tay lớn để mở tấm lòng của mình ra, để thấy bản chất và trái tim của mình. Tương lai nằm trong tay các bạn…”.
Ban nhạc của hải quân Mỹ cũng từng chơi Nối vòng tay lớn khi đến Đà Nẵng năm 2018. Ca khúc cũng có nhiều phiên bản tiếng Anh, Pháp, Nhật.
Sinh thời, Trịnh Công Sơn luôn mong muốn được nghe thật nhiều người hát tác phẩm của mình, bằng những phong cách khác nhau. Sau khi nhạc sĩ qua đời, người thân của ông khuyến khích các nghệ sĩ trẻ thể hiện sự sáng tạo, thậm chí phá cách.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được phục dựng bằng AI, hát “Nối vòng tay lớn”. Video: VTV
Trong chương trình Vang mãi khúc khải hoàn, phát sóng tối 27/4, ban tổ chức dùng AI phục dựng hình ảnh nhạc sĩ đánh đàn, hát Nối vòng tay lớn. Nhiều người yêu mến ông chê hình ảnh thiếu chân thực, phản cảm. Tuy nhiên, gia đình nhạc sĩ ủng hộ, xem đây là sự sáng tạo.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh nói: “Chúng tôi tôn trọng ý tưởng và hãnh diện, tự hào khi hình ảnh anh tôi cùng bài Nối vòng tay lớn được chọn trong tiết mục khép lại cầu truyền hình ý nghĩa này. Gia đình cũng hiểu được những phản ứng trái chiều từ khán giả, bởi tất cả xuất phát từ tình yêu và sự trân trọng sâu sắc dành cho anh Sơn”.
Gia đình nhạc sĩ đang chuẩn bị ba phiên bản mới cho ca khúc, được soạn theo phong cách trẻ trung, sẽ công bố trong thời gian tới. “Phối âm phối khí có thể khác đi, nhưng nhạc và lời thì chỉ có một phiên bản duy nhất, và phải làm sao vẫn giữ được tinh thần của bài hát”, bà Trịnh Vĩnh Trinh cho biết.
Hà Thu