Nông nghiệp xanh mở đường xuất khẩu cho startup Việt

Nông nghiệp xanh mở đường xuất khẩu cho startup Việt

bởi

trong


Tái sử dụng phụ phẩm nông sản, thay thế kháng sinh trong nuôi trồng, thu gom chất thải tạo năng lượng sạch là những mô hình xanh đang định hình hướng đi cho nhiều startup.

Các doanh nghiệp dưới đây cho thấy xu hướng “xanh hóa” không chỉ là lựa chọn bắt kịp thời đại, mà còn là động lực đổi mới toàn diện chuỗi giá trị nông nghiệp.

Nông nghiệp xanh mở đường xuất khẩu cho startup Việt

Từ hộ kinh doanh đễn chuỗi tuần hoàn thủy sản

Năm 2013, Nguyễn Tính bắt đầu tiếp quản mô hình hộ kinh doanh nuôi thủy sản của gia đình tại Đồng Tháp. Suốt 10 năm gắn bó với nghề, anh chứng kiến không ít bất cập, đặc biệt là tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản và môi trường. Trăn trở với điều đó, anh âm thầm tìm kiếm một hướng đi khác biệt, bền vững hơn.

Đến năm 2023, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và tự nghiên cứu, Tính cùng các cộng sự chính thức thành lập Alpha Amin, với mục tiêu phát triển giải pháp phòng bệnh cho cá rô phi không dùng kháng sinh. Giai đoạn đầu, nhóm sáng lập vừa đảm nhiệm phần kỹ thuật, vừa trực tiếp thử nghiệm sản phẩm tại các hộ nuôi nhỏ lẻ trong tỉnh, từng bước hoàn thiện quy trình trước khi mở rộng quy mô.

“Chúng tôi mất hơn một năm để tạo được niềm tin với nông dân. Người nuôi cá đã quen dùng thuốc kháng sinh, họ e ngại chế phẩm sinh học không đủ mạnh. Nhưng khi thấy ao sạch hơn, cá ít bệnh mà chi phí giảm, họ chủ động lan truyền kinh nghiệm sang hộ bên cạnh”, đại diện Alpha Amin chia sẻ.

Đến năm 2024, khi công ty được hỗ trợ từ chương trình khởi nghiệp xanh tại ĐBSCL và bắt đầu ký hợp tác với hợp tác xã nuôi cá tra tại Vĩnh Long. Từ đó, doanh nghiệp mở rộng mô hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm sinh học cho vùng nuôi, giảm chi phí và tăng tiêu chuẩn cho xuất khẩu.

Theo đó, Alpha Amin xây dựng chuỗi tuần hoàn xanh trong ngành thủy sản theo mô hình từ ao nuôi đến bàn ăn, kết hợp hai mắt xích: nuôi trồng và chế biến sau thu hoạch.

Ở đầu chuỗi, doanh nghiệp cung cấp bộ giải pháp sinh học gồm Antibio X2 và BiO Gen1, giúp thay thế kháng sinh, xử lý môi trường ao nuôi, giảm phát thải hữu cơ và duy trì hệ vi sinh ổn định. Hai sản phẩm chủ lực là Antibio X2 (thay thế kháng sinh) và BiO Gen1 (xử lý môi trường nước), khi kết hợp tạo hệ vi sinh ổn định, giúp cá khỏe, giảm dịch bệnh và giảm phát thải hữu cơ ra môi trường.

Theo Alpha Amin, sau ba vụ áp dụng tại các trại nuôi ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, tỷ lệ sống của cá tăng từ 70% lên hơn 85%, chi phí thuốc men giảm 30-40%, ao nuôi ít phát sinh bùn đáy và mùi hôi hơn.

Ở khâu sau thu hoạch, đơn vị chế biến lạp xưởng ếch tươi Amin Pro từ nguồn ếch sạch nuôi theo quy trình không kháng sinh. Mô hình khép kín từ ao nuôi sinh học đến chế biến sâu tạo chuỗi giá trị tuần hoàn, giúp bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người nuôi.

Hiện Alpha Amin phát triển chuỗi sản phẩm tuần hoàn với 25 danh mục thuộc nhóm chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng và một sản phẩm thực phẩm chế biến sâu. Doanh nghiệp cũng đang mở rộng hợp tác với nhiều hợp tác xã, hướng tới các đối tác xuất khẩu thủy sản sang châu Âu, Nhật Bản, những thị trường ưu tiên tiêu chuẩn “không kháng sinh” và “xả thải bằng không”.

Từ một hộ nuôi truyền thống, Alpha Amin đang chuyển mình thành doanh nghiệp công nghệ xanh, với định hướng bài bản trong sản xuất tuần hoàn và phát triển bền vững.

Ông Mai Thanh Nghị, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp Đồng Tháp sự phát triển của các doanh nghiệp như Alpha Amin cho thấy tiềm năng to lớn của mô hình kinh tế xanh nếu được đầu tư đúng hướng. Việc tận dụng phụ phẩm, thay thế hóa chất bằng chế phẩm sinh học, hay thu hồi năng lượng từ chất thải đều là những giải pháp giúp nông nghiệp Việt Nam thích ứng với các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời mở ra cánh cửa vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ.

Tuy nhiên, để mở rộng mô hình, các doanh nghiệp vẫn cần hỗ trợ thêm về vốn, công nghệ và cơ chế khuyến khích đầu tư xanh. “Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp sẽ không còn là khái niệm lý thuyết, nếu được nuôi dưỡng bởi các chính sách cụ thể và sự đồng hành từ cả thị trường lẫn nhà nước”, chuyên gia nhận định.

Mô hình tuần hoàn tìm đầu ra cho nông sản địa phương

Trước áp lực tiêu thụ nông sản trong bối cảnh giá mít Thái giảm sâu vào các năm 2019-2020, Cao Thị Cẩm Nhung, bắt đầu thử nghiệm chế biến thực phẩm từ mít non, loại cây trồng phổ biến tại Hậu Giang (nay thuộc Cần Thơ). Thời điểm đó, giá mít tại vườn giảm từ 7 đến 10 lần so với mức trung bình, nhưng vẫn khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và gián đoạn chuỗi xuất khẩu.

Nông dân thu hoạch mít tại vườn.

Thay vì tiếp tục đi theo hướng tiêu thụ quả tươi, chị Nhung định hướng phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng trái mít chưa đạt chuẩn ngoại hình để chế biến sâu. Năm 2022, Lemit Foods ra mắt thị trường với ba sản phẩm đầu tiên: pate, chả cá và bánh phồng từ mít non. Sau ba tháng, doanh thu tăng gần 30%.

Thay vì thu gom nguyên liệu rời rạc, Lemit Foods duy trì mô hình canh tác có kiểm soát dư lượng, không sử dụng kháng sinh hoặc hóa chất bảo quản trong quy trình sản xuất. Đây là nền tảng để tiếp cận các tiêu chuẩn xanh và chứng nhận quốc tế trong tương lai.

Hiện tại, công ry ký kết thu mua với các hộ dân trồng mít tại địa phương với diện tích gần 500 ha mít, giá thu mua 5.000 đồng/kg, giúp gần 50 hộ dân có đầu ra ổn định, mỗi tháng công ty tiêu thụ từ 1,5 – 3 tấn mít non để chế biến các sản phẩm thịt thực vật. “Trái mít từ lúc còn non hay khi chín hầu như sử dụng hết toàn bộ chỉ trừ phần vỏ cũng đồng nghĩa với việc góp phần nâng cao giá trị trái mít cho người nông dân”, chị Nhung nói.

CEO Cao Thị Cẩm Nhung (giữa) chụp ảnh cùng nông dân trông mít.

Theo báo cáo tác động được UNDP xác nhận năm 2024, sản phẩm “thịt mít” của Lemit giúp cắt giảm 60-90% lượng khí thải so với thịt động vật, đồng thời có khả năng cô lập khoảng 28.000 tấn CO2/năm – tương đương lượng phát thải từ khoảng 6.000 xe ôtô. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất tận dụng gần như toàn bộ trái mít (chỉ bỏ phần vỏ), giúp giảm ít nhất 20% lượng phụ phẩm nông nghiệp từ loại quả này.

Đến nay, công ty đang cung ứng 4 dòng sản phẩm chính gồm pate, chả giò, chả lụa và nguyên liệu mít sơ chế, với tổng cộng 35 SKU. Sản phẩm chả giò có tốc độ tăng trưởng hơn 15% mỗi quý.

Làm năng lượng sạch từ chất thải chế biến cá tra

Ở một hướng đi khác, Công ty TNHH Mekong 102 lại giải quyết một trong những bài toán hóc búa nhất của ngành chế biến cá tra: chất thải hữu cơ.

Theo ước tính, mỗi ngày ngành cá tra Việt Nam thải ra khoảng 300-400 tấn phụ phẩm và bùn thải. Nếu không xử lý đúng cách, đây sẽ là nguồn ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt tại vùng ĐBSCL, nơi nhà máy và khu dân cư thường nằm cận kề.

Từ đó, Mekong 102 ra đời. Kỹ sư Lê Minh Hiếu, người snasg lập công ty cho biết, trong quá trình làm tư vấn cho các nhà máy thủy sản, anh nhận thấy bùn thải hữu cơ từ cá tra bị chôn lấp hoặc xả ra môi trường rất nhiều, trong khi đây là nguyên liệu rất tốt cho lên men yếm khí.

Năm 2021, anh cùng nhóm cộng sự khởi sự dự án xử lý chất thải thành năng lượng. Ban đầu chỉ là hệ thống biogas công suất nhỏ 10-15 tấn/ngày đặt tại một nhà máy cá tra ở Cần Thơ. Dự án gặp khó khăn vì mùi, công nghệ chưa ổn định và đầu ra khí sinh học chưa có ai mua.

Mô tả hệ thống xử lý chất thải cá tra.

Đến 2023, dự án được hỗ trợ kỹ thuật từ một đơn vị tư vấn Hà Lan và kết nối đầu ra với nhà máy sấy cá tra. Khi sản phẩm khí sinh học được sử dụng nội bộ, tiết kiệm chi phí điện, đồng thời tạo thêm dòng phân sinh học bán cho các vùng trồng rau cạnh nhà máy, mô hình bắt đầu có lời.

“Thành công đầu tiên không phải là lợi nhuận, mà là không ai còn phàn nàn vì mùi bùn cá mỗi chiều”, anh Hiếu chia sẻ.

Theo đại diện công ty, mỗi tấn bùn thải có thể tạo ra 80-100 m3 khí biogas, đủ để vận hành 80% thiết bị tại nhà máy. Số khí dư có thể bán lại cho hệ thống sấy, trong khi phân vi sinh được dùng cho vùng trồng lúa, rau sạch gần nhà máy.

Các sản phẩm xử lý chát thải cá tra của Mekong 102.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tăng trưởng xanh được xác định là một trong những chiến lược phát triển cốt lõi. Hiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam có hơn 4.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 200-300 đơn vị theo đuổi chuyển đổi xanh như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn, chiếm khoảng 5-7% tổng số.

Trong bối cảnh toàn cầu đẩy mạnh trung hòa carbon, nhiều doanh nghiệp, giải pháp nông nghiệp tuần hoàn được kỳ vọng tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt vươn tầm quốc tế.

Thái Anh

Nếu bạn có câu chuyện tương tự về doanh nghiệp mình hoặc biết một đơn vị đang nỗ lực đổi mới, hãy chia sẻ cùng chúng tôi qua link . Những đóng góp phù hợp sẽ được chọn đăng tải trên chuyên trang, góp phần truyền cảm hứng và lan toả tinh thần “vươn mình” đến cộng đồng doanh nghiệp Việt.