
Nụ hôn người già. Môi run vẫn chạm, vẫn tha thiết tình… – Ảnh: GS Hoàng Kiếm khởi tạo bằng AI
Trong những món quà vô giá mà tạo hóa dành tặng loài người, có lẽ không gì tinh tế và kỳ diệu bằng nụ hôn.
Bí quyết sống lâu bằng một nụ hôn mỗi ngày
Giống như những bông hoa được tự nhiên ươm mầm từ đất trời, nụ hôn nở ra từ những cung bậc cảm xúc sâu thẳm nhất của tâm hồn, để rồi được chúng ta trao gửi cho nhau như những đóa hoa quý giá nhất.
Không cần lời nói, không cần cử chỉ phức tạp, chỉ cần một cái chạm nhẹ của đôi môi, chúng ta đã có thể trao gửi cả một vườn hoa cảm xúc.
Nụ hôn không mang theo tuổi, nó chỉ mang theo tình. Đôi môi già đi nhưng trái tim nếu còn biết rung động thì nụ hôn vẫn đẹp như lần đầu.
Một cụ ông hôn một cụ bà sau 60 năm chung sống, những nụ hôn đó có gì kém nồng nàn hơn thuở ban đầu?
Một số cặp đôi cao tuổi trên thế giới đã chia sẻ bí quyết sống lâu và yêu bền bằng một nụ hôn mỗi ngày.
Herbert và Zelmyra Fisher (Mỹ) là cặp vợ chồng kết hôn lâu nhất thế giới (86 năm). Trong một cuộc phỏng vấn trước khi Herbert qua đời ở tuổi 105, họ được hỏi: “Bí quyết giữ lửa lâu như vậy là gì?”.
Họ đáp: “Chúng tôi hôn nhau mỗi sáng, dù mệt hay vui, và không bao giờ đi ngủ mà không chào nhau bằng một nụ hôn chúc ngủ ngon”. Họ vào sách kỷ lục Guinness với cuộc hôn nhân dài nhất, yêu nhau tới hơi thở cuối cùng.
Masao và Miyako Matsumoto (Nhật Bản), cặp vợ chồng già nhất còn sống (tính theo tuổi cộng lại), khi được hỏi “làm gì mỗi ngày để cảm thấy vẫn đang yêu?”, ông Masao trả lời: “Tôi luôn chạm tay bà ấy vào buổi sáng, và nếu bà ấy còn ngủ, tôi hôn nhẹ lên trán”.
Một cử chỉ đơn giản nhưng lặp lại hàng ngàn lần qua năm tháng đã làm nên điều phi thường.
Hôn nhau mỗi sáng, mỗi tối như một bài thể dục tinh thần và thể chất nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.
Những nụ hôn thường xuyên làm giảm cảm giác bị bỏ rơi, tăng cảm giác an toàn, nhất là với người lớn tuổi sống lâu năm bên nhau. Chính sự lặp lại đều đặn trong yêu thương là liều thuốc chữa lành bền vững nhất.
Nụ hôn ảo, được gì và mất gì?
Càng bận rộn, càng xa cách, càng nhiều công nghệ… Một nụ hôn mỗi đêm, ru giấc bình yên. Một nụ hôn mỗi sáng, đánh thức trái tim. Lặp lại đều đặn sẽ trở thành chiếc cầu trường sinh cho tình yêu và sức khỏe!
Bên cạnh những đôi môi nồng ấm chạm vào nhau, trong thế giới ngày nay, “nụ hôn ảo” có sức mạnh riêng. Thế giới đang tiến về một tương lai nơi chúng ta có thể yêu và được yêu mà không cần chạm vào nhau. Điều này vừa kỳ diệu, vừa buồn bã.
Kỳ diệu vì nó xóa nhòa mọi ranh giới địa lý, giúp những trái tim cô đơn tìm thấy nhau qua không gian ảo. Buồn bã vì có lẽ chúng ta sẽ dần quên đi cảm giác run rẩy khi lần đầu nắm tay ai đó, hay sự ấm áp lan tỏa khi được ôm thật chặt. Có lẽ vì vậy thế giới hiện tại có cả Ngày Nụ hôn và Ngày Ôm nhau?
Có thể là nụ hôn trong tâm tưởng, nơi đôi môi chưa từng gặp nhau, nhưng trái tim đã va chạm cả trăm lần trong mộng.
Có thể là nụ hôn từ xa, qua một cú nhấn nút “gửi yêu thương” trên màn hình điện thoại, hay qua một cái nhìn kéo dài trong cuộc gọi video xuyên nửa vòng trái đất.
Có thể là “nụ hôn ảo”, mô phỏng qua công nghệ cảm ứng và các công nghệ khác, nơi người ta có thể lập trình cả xúc cảm và tái hiện cả nhịp tim yêu đương.
Có thể sẽ đến lúc AI (trí tuệ nhân tạo) cũng biết hôn, học cách mô phỏng nỗi nhớ, sự khát khao, viết nên những dòng thơ tình ngọt lịm chỉ để gửi đi một “nụ hôn kỹ thuật số”…
Các kỹ sư thậm chí nghiên cứu cách để AI “hôn ảo” bằng lời, ánh mắt, dữ liệu rung cảm, để hỗ trợ trị liệu tâm lý, xây dựng kết nối.
Không phải mọi nụ hôn đều cần môi chạm môi. Có những nụ hôn diễn ra trong trí óc, trong mơ, trong mong đợi. Và chính những “nụ hôn ảo” ấy lại là khởi đầu cho những bước tiến rất thật trong khoa học.
Nụ hôn trong kỷ nguyên AI không phải là việc thay thế tình yêu thật bằng tình yêu ảo. Đó là việc mở rộng khái niệm về tình yêu, là cách để chúng ta yêu sâu hơn, yêu rộng hơn, và có lẽ, yêu vĩnh cửu hơn.
Giữa kỷ nguyên số, con người lại càng trao nhau những “nụ hôn ảo”, dưới muôn hình vạn trạng. Một cái chạm môi qua màn hình, một biểu tượng trái tim gửi đi lúc nửa đêm, một dòng tin nhắn chỉ có ba dấu “…” nhưng chất chứa cả một tấm lòng. Chỉ cần còn những nụ hôn, dù thực hay ảo, nghĩa là tình yêu thương vẫn hiện diện.
Trong một tương lai có thể tràn ngập robot biết nói lời yêu, AI biết viết thơ tình, hay cảm xúc được mô phỏng bằng dữ liệu… thì những nụ hôn Adam, Eva trong thế giới thực và ảo vẫn mãi là lời thì thầm sâu thẳm nhất của trái tim người với trái tim người.
Thực tế này cũng làm sống lại điều căn cốt nhất: chúng ta sinh ra là để yêu và được yêu, một cách đẹp nhất, người nhất, và vĩnh cửu nhất.
Dù là nụ hôn thực trong vòng tay nồng ấm, hay “nụ hôn ảo” trong giấc mơ, dòng tin nhắn, hay tưởng tượng lặng thầm, tất cả đều có thể khởi sinh và thăng hoa cảm xúc con người.
Chính những nụ hôn ấy sẽ giữ cho tình yêu không phai tàn, cho sáng tạo không cạn nguồn và cho cây đời mãi mãi xanh tươi giữa thế giới thực – ảo đang biến động hằng ngày.
Một “nụ hôn ảo” trong tin nhắn trở thành động lực sáng tạo
Einstein từng viết cho Mileva: “Khi anh ôm hôn em, anh thấy rõ hơn cả cấu trúc không gian thời gian” (Mileva là vợ đầu và là người trợ lý khoa học toán thời kỳ đầu của Einstein).
Nhà sáng chế vĩ đại Nikola Tesla, nụ hôn của ký ức và cảm xúc mạnh. Tesla chưa bao giờ kết hôn, nhưng từng thừa nhận: “Những xúc cảm dâng lên trong cô độc, đôi khi là hình ảnh một nụ hôn không thành, lại khiến tôi nhìn thấy cấu trúc động cơ quay rõ ràng hơn cả sơ đồ kỹ thuật”.
Một nụ hôn có thể không trực tiếp sinh ra công thức nhưng có thể sinh ra năng lượng cảm xúc đủ để rực sáng cả chuỗi tư duy.
Kissenger (Kiss Messenger), một thiết bị công nghệ do tiến sĩ Emma Yann Zhang phát triển, cho phép các cặp đôi yêu xa gửi nụ hôn ảo qua smartphone, bằng cảm biến lực và xúc giác.
Zhang chia sẻ: “Tôi tạo ra Kissenger vì tôi từng yêu xa, và một tin nhắn ‘anh ước được hôn em lúc này’ khiến tôi nghĩ: liệu khoa học có thể làm điều đó thật không?”. Một nụ hôn ảo trong tin nhắn trở thành động lực sáng tạo một thiết bị khoa học thực.