18 năm được người cô nghèo cưu mang
Thảo sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại ấp Long Phúc, xã An Phúc, H.Đông Hải. Khi em mới 8 tháng tuổi, mẹ bỏ nhà đi biệt xứ, không một lời từ biệt, không một lần quay về. Nỗi trống vắng ấy đeo đẳng em từ những ngày còn chưa biết ý nghĩa của từ “gia đình”.

Căn nhà tình thương của gia đình bà Nguyễn Thị Liên nay đã xuống cấp trầm trọng
ẢNH: TRẦN THANH PHONG
Mẹ bỏ đi hơn một năm thì cha Thảo cũng rời quê đến vùng biển Cà Mau làm thuê, rồi lập gia đình mới và ở đó luôn. Thời gian đầu, Thảo được bà nội cưu mang, sau đó người cô ruột là bà Nguyễn Thị Liên (63 tuổi) đưa về nuôi dưỡng, lo ăn học cho đến nay.
Bà Liên cho biết cha mẹ Thảo không mâu thuẫn gì, nhưng trong một lần cự cãi lớn tiếng, mẹ Thảo bỏ đi biệt xứ. Từ đó, bà Liên là chỗ dựa duy nhất của Thảo suốt 18 năm nay. Hoàn cảnh gia đình bà Liên cũng vô cùng khó khăn. Không ruộng vườn, không đất sản xuất, nguồn thu nhập duy nhất của vợ chồng bà từ nghề đóng hàng đáy vốn vất vả và bấp bênh. Cả nhà sống trong căn nhà tình thương nay đã xuống cấp trầm trọng. Nhà trống trước hở sau, bên trong không tài sản nào có giá trị. Thảo cũng không có cái kệ hoặc bàn tạm để học bài.
Bà Liên có 2 người con đi làm thuê ở tỉnh Bình Dương (nay là TP.HCM). Bản thân bà mắc bệnh thiếu máu não, thường xuyên đau ốm. Mọi chi phí sinh hoạt, tiền học phí, sách vở cho Thảo đều trông chờ vào đồng tiền ít ỏi do chồng bà đóng hàng đáy. Dù vậy, bà chưa từng để Thảo phải nghỉ học ngày nào. “Cực khổ mấy tôi vẫn ráng lo cho Thảo ăn học tới nơi tới chốn. Mình nghèo chứ không thể để cháu mình thất học như mình ngày xưa. Thế nhưng, điều tôi lo lắng nhất là khi Thảo vào đại học, vợ chồng già chúng tôi không lo nổi tiền học phí và chi phí ăn ở xa nhà”, bà Liên chia sẻ.

Gia đình bà Nguyễn Thị Liên vô cùng khó khăn, bà thường bệnh tật nên không có tiền lo cho Thảo học đại học
ẢNH: TRẦN THANH PHONG
Mỗi ngày đạp xe 15 cây số đến trường
Dù hoàn cảnh gia đình hết sức ngặt nghèo, Thảo luôn nỗ lực học tập tốt. Suốt 12 năm liền, em đều đạt học sinh khá, giỏi. Năm lớp 12 – năm học quan trọng nhất đời học sinh – em vẫn miệt mài đèn sách mỗi đêm trong căn nhà xiêu vẹo. Ngoài giờ học, Thảo tranh thủ giúp cô làm việc nhà. Dù thiếu thốn trăm bề, em vẫn chưa từng than phiền hay bỏ bê việc học. Hằng ngày, em đạp xe 15 cây số đến trường. Em nói chỉ có học giỏi, đậu đại học, mới có thể thay đổi cuộc đời. Khi được hỏi về ước mơ của mình, Thảo không đắn đo: “Em muốn thi vào ngành kế toán ngân hàng. Ước sau khi ra trường được làm cán bộ ngân hàng, có thể giúp đỡ gia đình cô vượt qua cảnh nghèo khó”.

Cuộc sống khốn khó, không có tình thương của cha mẹ, nhưng Thảo luôn phấn đấu đạt kết quả tốt trong học tập
ẢNH: TRẦN THANH PHONG
Mơ ước ấy tưởng chừng đơn giản, nhưng đối với một học sinh nghèo không có tiền thuê trọ, đóng học phí thì lại là cả một chặng đường đầy thử thách, là nỗi lo khiến Thảo nhiều đêm trăn trở. Thảo không phải là trường hợp duy nhất rơi vào cảnh thiếu thốn ở vùng quê nghèo Bạc Liêu, nhưng câu chuyện của em khiến nhiều người xúc động vì tinh thần hiếu học và sự hy sinh của người cô ruột của em.
Giữa những vất vả đời thường, cô học trò nhỏ vẫn mang trong mình ánh sáng hy vọng. Thảo không chọn buông xuôi, không trách móc số phận. Em quyết tâm phấn đấu trong học tập, kiên cường vượt qua hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn tình thương cha mẹ. Thảo cần tiếp thêm động lực để vươn tới những ước mơ đẹp đẽ phía trước.
Mọi sự giúp đỡ, xin gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 – Ngân hàng Eximbank – chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Ngân hàng Vietcombank – chi nhánh Tân Định. Nội dung ghi: Giúp đỡ học sinh Nguyễn Ngọc Thảo. Báo Thanh Niên cũng sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Thảo trong thời gian sớm nhất.