Nữ tỷ phú trong vòng xoáy căng thẳng giữa Harvard và ông Trump

Nữ tỷ phú trong vòng xoáy căng thẳng giữa Harvard và ông Trump

bởi

trong

Cuộc chiến giữa Đại học Harvard với chính quyền Trump tiếp tục tăng nhiệt và tâm điểm hiện tại là nữ tỷ phú kiêm thành viên lãnh đạo trường Penny Pritzker.

Penny Pritzker, cựu bộ trưởng thương mại Mỹ kiêm người thừa kế tập đoàn khách sạn Hyatt, tháng trước cùng Chủ tịch Đại học Harvard Alan Garber tham dự một sự kiện dành cho cựu sinh viên ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts.

Khi bà chuẩn bị bay về Chicago để mừng ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái cùng gia đình, tin tức không vui ập đến. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những yêu cầu cải cách toàn diện với đại học danh tiếng này.

Căng thẳng giữa Harvard và chính quyền Trump nhanh chóng leo thang, khi đại học này khước từ những yêu cầu thay đổi phương thức tuyển sinh, chương trình giảng dạy mà họ cho là phi lý từ Nhà Trắng.

Viện dẫn những lo ngại về chủ nghĩa bài Do Thái trong trường, Nhà Trắng đã đóng băng hàng tỷ USD tài trợ của liên bang, đe dọa tước quyền miễn thuế của Harvard và khả năng tuyển sinh viên quốc tế của trường. Harvard đáp trả bằng cách khởi kiện ra tòa, cho rằng chính phủ đã vi phạm các quyền hiến định của trường, cũng như đe dọa tính độc lập về học thuật của họ.

Với tư cách thành viên cấp cao của hội đồng quản trị Tập đoàn Harvard, bà Pritzker cùng Chủ tịch Harvard Garber giờ đây trở thành những người đứng mũi chịu sào trong cuộc đối đầu căng thẳng.





Nữ tỷ phú trong vòng xoáy căng thẳng giữa Harvard và ông Trump

Bà Penny Pritzker phát biểu tại một sự kiện ở Đại học Harvard hồi tháng 9/2023. Ảnh: Harvard Crimson

Tuần này, sức ép với Pritzker gia tăng. Ngày 5/5, nhà tài trợ kiêm tỷ phú quỹ đầu cơ Bill Ackman, cựu sinh viên Harvard kiêm đồng minh của ông Trump, chỉ trích bà trên CNBC. “Sự quản lý yếu kém ở đây là do Penny Pritzker”, ông nói.

Sau đó cùng ngày, Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon đăng một bức thư trên mạng xã hội, trong đó gọi bà Pritzker là “điệp viên Dân chủ, người gây ra thảm họa và điều hành cơ sở giáo dục này theo cách hoàn toàn hỗn loạn”.

Pritzker, 66 tuổi, là cựu sinh viên Đại học Harvard và bộ trưởng thương mại Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống Barack Obama. Bà là một trong những người giàu nhất thế giới với tài sản ròng ước tính 3,9 tỷ USD, theo dữ liệu của Forbes. Năm 2009, Forbes vinh danh bà là một trong 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Bà sáng lập nhiều công ty tài chính và bất động sản như PSP Partners, PSP Capital Partners, Pritzker Realty Group, là thành viên hội đồng quản trị Microsoft và từng là chủ tịch Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

Năm 2021, bà trao tặng cho Harvard 100 triệu USD và trở thành thành viên cấp cao của hội đồng quản trị Tập đoàn Harvard từ năm 2022. Với vị trí này, bà cùng ông Garber sẽ phải tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng với chính phủ, liên quan các cuộc biểu tình phản đối xung đột Gaza và làn sóng bài Do Thái tại trường.

Sau khi ông Garber nhậm chức đầu năm 2024, Đại học Harvard đã tiến hành các thay đổi về chính sách kỷ luật và học thuật. Các nhóm chuyên trách của đại học này tiếp tục đưa ra các khuyến nghị thay đổi vào tuần trước, sau 16 tháng điều tra về chủ nghĩa bài Do Thái và chống Hồi giáo trong khuôn viên trường.

Tuy nhiên, nhà tài trợ Ackman muốn nhiều hơn thế. “Đã đến lúc thay đổi ban quản trị Harvard”, ông nói.

“Tôi nghĩ Bill Ackman đã nói đúng. Vì vậy, tôi hy vọng họ sẽ thấy cần thay đổi, nhưng chúng ta hãy xem họ sẽ làm gì”, Bộ trưởng Giáo dục McMahon nói sau đó.

Trong bức thư đăng mạng xã hội, Bộ trưởng McMahon lưu ý Ackman đã kêu gọi bà Pritzker từ chức, trích dẫn kết luận của ông rằng “bất kỳ tập đoàn nào làm việc nghiêm túc cũng sẽ sa thải bà ấy sau loạt thất bại gần đây”.

Đáp lại, ban lãnh đạo Harvard cho biết họ ủng hộ Pritzker. “Chúng tôi đánh giá cao sự quản lý tận tụy và khả năng lãnh đạo của bà ấy tại thời điểm Harvard cam kết củng cố văn hóa trường học và bảo vệ quyền tự do học thuật, nghiên cứu và đổi mới vốn mang lại lợi ích cho hàng triệu người Mỹ”, ông Garber nói.

Dù thường xuyên tham gia các sự kiện của Harvard, bà Pritzker không hay trả lời các cuộc phỏng vấn về đại học. Một trong số ít đóng góp của bà cho bộ phận quan hệ công chúng của trường là vào tháng 12/2024, vài tuần trước lễ nhậm chức của ông Trump.

“Chúng ta đừng tô hồng mọi thứ. Đây là một năm đau thương và đầy thử thách với Harvard, tôi tin điều quan trọng là phải thừa nhận điều đó ngay cả khi chúng ta bắt đầu xây dựng cho tương lai. Chúng ta phải đối mặt với sự giám sát không ngừng nghỉ về mọi khía cạnh của trường từ các bên liên quan cả bên trong và bên ngoài”, bà nói.

Giới quan sát cho rằng những căng thẳng gần đây nhắm vào bà Pritzker có thể bắt nguồn từ hiềm khích kéo dài hàng thập kỷ giữa Tổng thống Trump và gia đình Pritzker, vốn được xem là thế lực lớn của đảng Dân chủ.

Vào những năm 1970, khi Jay Pritzker, chú của bà Penny Pritzker, đang điều hành chuỗi Hyatt, công ty đã ký thỏa thuận với ông Trump để mua lại khách sạn hoạt động yếu kém ở New York và đổi tên thành Grand Hyatt. Mối quan hệ hợp tác này trở nên tồi tệ trong thập kỷ sau đó. Năm 1993, ông Trump kiện gia đình Pritzker, tuyên bố rằng họ đã lợi dụng những khó khăn tài chính của ông.

“Họ đã tấn công khi tôi suy sụp. Giờ đây tôi thành công và đến lượt tôi phản công. Tôi luôn nói rằng một khi mình mạnh mẽ trở lại, gia đình Pritzker sẽ là những người đầu tiên lọt tầm ngắm”, ông Trump với Chicago Tribune năm đó.

Sau hai năm tranh chấp pháp lý và kiện tụng, căng thẳng giữa ông Trump và Jay Pritzker được dàn xếp.

Thống đốc Illinois JB Pritzker, em trai út của bà Pritzker, đã trở thành một trong những người chỉ trích ông Trump nhiều nhất. Tại New Hampshire tuần trước, ông nói rằng Tổng thống Trump sai lầm khi nhắm vào các đại học với lý do chống chủ nghĩa bài Do Thái.





Biểu tình phản đối cuộc chiến chống Hamas của Israel tại Gaza trong khuôn viên Đại học Harvard ở Cambridge, hồi tháng 4/2024. Ảnh: AP

Biểu tình phản đối cuộc chiến chống Hamas của Israel tại Gaza trong khuôn viên Đại học Harvard ở Cambridge, hồi tháng 4/2024. Ảnh: AP

Kể từ khi gia nhập hội đồng quản trị Đại học Harvard, bà Pritzker đã góp phần giúp trường vượt qua đại dịch Covid-19 và phụ trách quá trình tìm chủ tịch mới cho trường. Ứng viên được bà lựa chọn là Claudine Gay, người trở thành nữ chủ tịch gốc Phi đầu tiên của Harvard vào tháng 7/2023.

“Chúng tôi tin tưởng Claudine sẽ là chủ tịch chu toàn, có nguyên tắc và truyền cảm hứng cho toàn thể Harvard”, bà Pritzker nói khi đó. Nhưng chỉ sau 6 tháng nắm quyền, bà Gay từ chức do vấp nhiều chỉ trích về cách xử lý làn sóng biểu tình kêu gọi Israel chấm dứt cuộc chiến chống Hamas trong khuôn viên trường.

Giữa làn sóng chỉ trích Gay, bà Pritzker đã không có bất kỳ phát biểu nào trước công chúng. “Sự im lặng của bà ấy thật khó chịu”, Jeffrey Sonnenfeld, cựu sinh viên Harvard, nói.

Sau đó, bà Pritzker lên tiếng, nhưng không xin lỗi về quyết định bổ nhiệm Gay. “Chúng tôi đã tham khảo ý kiến rộng rãi và cân nhắc nhiều ứng viên trước khi chọn Claudine Gay, người lúc đó được nhất trí là lựa chọn đúng đắn”, bà nói.

Một nhóm nhà tài trợ cũng từng lên tiếng về sự việc này trong bữa tối thân mật với Pritzker và Garber tại New York sau khi kết thúc năm học vào năm ngoái. Những người quen thuộc với sự kiện cho hay bà Pritzker và ông Garber bị chỉ trích vì để tình trạng bài Do Thái diễn ra ở Harvard.

Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Trump đã thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử là “thay đổi triệt để” các đại học danh tiếng. Các quan chức Nhà Trắng đã đến Harvard vào cuối tháng 3, mở cuộc đánh giá về khoản tài trợ liên bang gần 9 tỷ USD cho trường. Harvard bác bỏ các yêu cầu mà chính quyền đưa ra, khiến cuộc chiến với chính phủ bùng phát.

Ackman tuần này khẳng định việc Harvard công khai từ chối yêu cầu cải cách của chính quyền là phản tác dụng. “Họ đáng lẽ phải nói rằng ‘Tổng thống Trump, ông đã đưa ra những quan điểm đúng đắn’. Ông ấy muốn đạt thỏa thuận”, Ackman nói.

Tuần trước, bà Pritzker công khai thừa nhận những lời chỉ trích mà Harvard phải đối mặt, nhưng cho rằng không thể chấp nhận việc chính phủ giám sát chặt chẽ hơn hoạt động học thuật của trường.

“Tôi nghĩ nhìn chung, trên khắp đất nước này, mọi người đều không muốn chính phủ liên bang điều hành các đại học của chúng ta”, bà nói.

Hiện tại, mọi người trong và ngoài Harvard đang dõi theo xem liệu bà Pritzker có thể vượt qua những lời chỉ trích dữ dội và cuộc chiến với chính phủ hay không.

Vivian Riefberg, cựu sinh viên Harvard và là bạn thân của bà Pritzker, cho hay cựu bộ trưởng thương mại Mỹ không thích cuộc chiến với chính quyền ông Trump.

“Về cơ bản, bà ấy không phải chính trị gia. Bà ấy không muốn và cũng không cần trở thành tâm điểm chú ý. Bà ấy chỉ muốn tạo ra những ảnh hưởng”, Riefberg nói.

Thùy Lâm (Theo WSJ, CNN)