Chim công “múa” ra tiền
Anh Tín kể, ban đầu, chỉ mua một cặp chim công về nuôi làm cảnh vì thấy đẹp. Sau đó chúng đẻ trứng, nở con, anh đăng ảnh lên mạng xã hội, nhiều người hỏi mua nên quyết định mở rộng quy mô.
Từ vài cá thể ban đầu, đến nay, trại chim công của anh Tín có 60 con, trong đó có hơn 20 con mái. Đây là giống chim công xanh có nguồn gốc từ Ấn Độ, có sức đề kháng cao, dễ nuôi. “Chim công có màu lông sặc sỡ, điệu múa đẹp, được coi là con vật may mắn nên nhiều người thích nuôi làm cảnh”, anh Tín cho biết.

Anh Tín thu lãi gần 300 triệu đồng/năm nhờ mô hình nuôi chim công
ẢNH: DUY TÂN
Mỗi chim mái đẻ khoảng 20 trứng/năm, tỷ lệ nở đạt từ 80 – 90%. Chim công con từ 45 ngày tuổi giá trung bình 1,2 triệu đồng/con (mức giá có thể thay đổi theo trọng lượng và độ hiếm – PV); trứng chim từ 600.000 – 800.000 đồng/trứng. Đặc biệt, chim công xanh sinh sản (từ 4 – 5 năm tuổi) có giá 12 – 14 triệu đồng/cặp, chim trắng 25 – 30 triệu đồng/cặp. Chim công khi bán ra có đầy đủ các giấy tờ theo quy định của ngành chức năng. Những năm qua, mỗi năm, anh Tín bán từ 100 – 150 con chim công các loại, thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.

Chim công xanh Ấn Độ được anh Tín nuôi sinh sản tại trại và cho sinh sản
ẢNH: DUY TÂN
Theo anh Tín, trước khi đầu tư mô hình nuôi chim công, anh từng nuôi gà đông tảo khá thành công. Tuy nhiên, sau đó thị trường tiêu thụ không ổn định và khó phát triển nên anh tìm vật nuôi khác hiệu quả hơn.
Qua tìm hiểu và đi thực tế tại một số trang trại nuôi chim công ở miền Bắc, anh nhận thấy nuôi chim công mang lại hiệu quả kinh tế rất cao nên quyết định mua con giống về nuôi thử, rồi dần dần gặt hái thành như hôm nay.

Chim công có màu lông sặc sỡ, điệu múa đẹp, được coi là con vật may mắn nên nhiều người thích nuôi làm cảnh
ẢNH: DUY TÂN
Đầu tư bài bản, hướng đến chuyên nghiệp
Là vật nuôi quý hiếm, chi phí đầu tư ban đầu cho chim và chuồng trại không hề nhỏ. Để đảm bảo điều kiện sinh trưởng tốt, anh Tín thiết kế hệ thống chuồng trại khép kín, bố trí 9 chuồng nuôi, mỗi chuồng nuôi 1 chim trống với nhiều mái theo tỷ lệ phù hợp. Mỗi chuồng có diện tích tiêu chuẩn 3m x 5m, riêng khu vực nuôi chim con được mở rộng để đảm bảo không gian vận động.

Chim công xanh Ấn Độ trưởng thành với phần đuôi xòe đẹp
ẢNH: DUY TÂN
Đặc biệt, tất cả chuồng được lắp camera giám sát nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe, chế độ ăn uống và kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường. “Số lượng chim nhiều nên mình khó quan sát hết bằng mắt thường. Nhờ camera, tôi dễ nhận biết con nào ăn ít, có dấu hiệu bệnh để can thiệp sớm”, anh Tín chia sẻ.
Hiện nay, chim công giống từ trại anh Tín được tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh thành ngoài khu vực thông qua kênh mạng xã hội cá nhân. Ngoài việc cung cấp giống, anh còn hỗ trợ người dân có nhu cầu bằng cách cung cấp chim bố mẹ và bao tiêu đầu ra cho chim con sau khi sinh sản.

Những con chim công đột biến tại trại nuôi của anh Tín
ẢNH: DUY TÂN
Nuôi chim công ít tốn công chăm sóc, ít dịch bệnh. Chúng là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là sâu, rau xanh, sâu, lúa, bắp… Chim công ăn rất ít, lượng thức ăn chỉ bằng 1/3 của gà nên tiết kiệm khá nhiều chi phí. Đặc biệt, nước uống cho chim công đảm bảo phải thật sạch và thay mới hằng ngày nhằm hạn chế bị bệnh đường ruột.

Một con chim công xanh đột biến tại trại nuôi của anh Tín
ẢNH: DUY TÂN
Anh Tín cho biết nuôi chim công không chỉ là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc gây đàn để nuôi nếu thực hiện đúng quy định còn có giá trị bảo tồn, góp phần phục hồi nguồn gen ngoài tự nhiên. Đây là hướng đi bền vững cần được khuyến khích và nhân rộng trong bối cảnh ngày càng có nhiều người quan tâm đến nuôi động vật hoang dã một cách hợp pháp và có trách nhiệm.