Tình huống diễn ra vào ngày 2/7 ở nút giao Yên Mỹ (Hưng Yên), đoạn nối giữa đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường cao tốc Hưng Yên – Thái Bình.
Ô tô tải tạt móp đầu xe bên cạnh, đè vạch xương cá để chuyển làn (Nguồn video: Giao thông văn minh).
Về việc đè vạch xương cá, trong quy định pháp luật hiện nay về giao thông, không có thuật ngữ này, mà đây là cách gọi phổ biến của người dân đối với vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V được quy định tại Phụ lục G Quy chuẩn quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT.
Vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V (vạch xương cá) được sử dụng để giới hạn các phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy mà sử dụng để kênh hóa các dòng giao thông trên đường.
Khi vạch xương cá được sử dụng, các phương tiện giao thông phải đi theo tuyến đường quy định, không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định.
Quy cách vạch như sau:
– Vạch xương cá bao gồm các vạch liền nét, màu trắng được vẽ song song, mỗi vạch rộng 45cm, khoảng cách hai mép vạch 100cm, vạch nghiêng một góc 135 độ theo chiều ngược chiều kim đồng hồ so với hướng chuyển động của xe.
– Vạch xác định phạm vi kẻ vạch xương cá là vạch đơn liền nét, màu trắng. Vạch này có bề rộng nét vẽ b = 20cm.

Minh họa vạch xương cá theo Quy chuẩn quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT.
Về việc xử lý vi phạm, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người điều khiển ô tô không chấp hành chỉ dẫn của vạch kẻ đường gây tai nạn giao thông bị phạt 20-22 triệu đồng và trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
Đối với việc người điều khiển ô tô có liên quan trực tiếp vụ tai nạn giao thông bỏ trốn, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính 2-3 triệu đồng và trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe.
Mức phạt với người điều khiển ô tô gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn là 16-18 triệu đồng và trừ 6 điểm trên giấy phép lái xe.
Ngoài ra, theo Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, người điều khiển xe gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người bị tai nạn.