Ocean Vuong: ‘Đạo Phật giúp tôi vượt qua áp lực danh vọng’

Ocean Vuong: ‘Đạo Phật giúp tôi vượt qua áp lực danh vọng’

bởi

trong

Ocean Vuong – tác giả người Mỹ gốc Việt – cho rằng đối diện sự nổi tiếng là một trong những thử thách lớn nhất đời anh.

Dịp sắp ra mắt , Ocean Vuong có buổi phỏng vấn với The Guardian hôm 10/5. Cuộc trò chuyện chủ yếu xoay quanh trải nghiệm sống và viết của nhà văn – chất liệu quan trọng để anh sáng tác tiểu thuyết.





Ocean Vuong: ‘Đạo Phật giúp tôi vượt qua áp lực danh vọng’

Bìa “The Emperor of Gladness”, do Ryan McGinley thiết kế, sách 416 trang. Cuối năm 2024, Công ty Nhã Nam thông báo mua bản quyền cuốn sách. Ảnh: PRH

Tác giả cho biết Hai – nhân vật chính trong cuốn sách mới – có mối liên hệ trực tiếp đến cuộc đời mình. Hai, 19 tuổi, một người nhập cư nghèo gốc Việt đã nỗ lực vào đại học để hiện thực hóa giấc mơ của mẹ. Nhưng sau đó, anh bỏ học và phải đi cai nghiện. Khi chàng trai ấy sắp sửa tự tử, Grazina, góa phụ mắc chứng sa sút trí tuệ đã đón nhận anh. Từ đó, Hai trở thành người chăm sóc bà.

Ocean Vuong có trải nghiệm tương tự. Sau khi bỏ học Đại học Pace, thời điểm anh nhận mình như người “vô gia cư”, một người bạn ngỏ ý mời về sống cùng người bà bị bệnh. Ocean đã chăm sóc bà trong hai năm rưỡi. Họ xem nhau như ruột thịt. Anh nói: “Cuốn tiểu thuyết là món quà dành tặng Grazina đời thực”.

Trước đây, Ocean Vuong từng trải qua những công việc như bồi bàn, làm thuê tại trang trại thuốc lá bất hợp pháp. Vì thế, viết sách là cách anh tự nhìn lại chính mình trong quãng thời gian chật vật kiếm sống với cảm thức “bên rìa xã hội”.

Những va chạm thực tế giúp anh hiểu hơn về cách tầng lớp người lao động nghèo sống trong xã hội Mỹ. Để sinh tồn, đôi lúc, họ buộc nói dối. Câu chuyện về đồ ăn gắn với quảng cáo “nhà làm” nhưng thực chất đã được nấu sẵn ở nơi khác rồi đem về hâm lại là một điển hình. Nhà văn cho rằng: “Chúng ta, có lẽ do ảnh hưởng của tôn giáo, thường xem dối trá là xấu xa. Nhưng trong đời mình, và trong cuốn sách này, tôi muốn đặt câu hỏi: có loại dối trá nào mà lại mang thiện ý không? Tất cả những nhân vật trong truyện đều có thể nói dối nhau, song đôi khi là để giúp nhau và đồng thời cũng cố gắng giữ lấy điều gì đó cho riêng mình. Chúng ta hay nghĩ người nghèo là những nạn nhân cam chịu. Nhưng thật ra, để sống sót trong một xã hội khắc nghiệt như nước Mỹ, họ phải vô cùng sáng tạo và linh hoạt”.

Ocean Vuong: 'Phật giáo và Björk giúp tôi làm chủ danh tiếng'

Ocean Vuong giới thiệu “The Emperor of Gladness”. Video: YouTube Vintage Books

Trong cuộc phỏng vấn, Ocean Vuong đồng thời đưa ra quan niệm về sự nổi tiếng – “một trong những thử thách lớn nhất đời mình”. Nhà văn lấy dẫn chứng về học bổng mà mình từng đạt được – MacArthur Fellowship, thường gọi là “giải thưởng Thiên tài”, được trao cho những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nghệ thuật, khoa học và nghiên cứu. Theo nhà văn, “các giải thưởng có thể làm thay đổi cuộc sống bạn. Đó là những may mắn tài chính từ trên trời rơi xuống. Nhưng chúng là phần thưởng cho quá khứ. Chúng không định nghĩa ở hiện tại bạn là ai”.

Về điều này, anh thường xuyên nhận được lời khuyên từ người bạn thân thiết – Björk, ca sĩ kiêm nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng người Iceland – biểu tượng tiên phong của làng nhạc thể nghiệm thế giới. Nhà văn kể lại cảm giác không thoải mái khi đang có cuộc sống êm đềm, bỗng dưng phải tham gia sự kiện quảng bá sách, đứng trước hội trường hàng nghìn người. Björk động viên rằng anh đang làm đúng cách và hãy cứ đi từng bước một.

Bên cạnh đó, Thiền tông cũng giúp anh làm chủ nội tâm. Ocean Vuong nhắc đến bài học về “tám ngọn gió đời” mà Đức Phật dạy: được, mất, vinh, nhục, khen, chê, lạc, khổ. Theo anh, “Nếu không có cái gốc vững vàng bên trong, bạn sẽ bị những cơn gió ấy cuốn đi. Tôi đã thực hành điều này trước cả khi trở thành nhà văn”.

Theo The Guardian, dù khiêm tốn trước sự nổi tiếng, Ocean Vuong lại nghiêm túc và táo bạo trong sáng tác. Anh cho rằng The Emperor of Gladness là tác phẩm ẩn chứa “tham vọng lớn nhất” anh từng viết. Tác giả bày tỏ: “Tôi không thể viết cuốn sách này nếu đó là tác phẩm đầu tay. Hồi đó tôi chưa đủ bản lĩnh. Tôi muốn sử dụng yếu tố hài hước – một điều cực kỳ khó. Nếu On Earth We’re Briefly Gorgeous () là một tuyên ngôn nghệ thuật, bàn luận triết học về những gì tôi muốn làm, thì The Emperor of Gladness là nỗ lực để thực sự sống đúng với điều đó. Mà sống đúng với điều mình tâm niệm bao giờ cũng khó hơn chỉ nói suông”.

Ngoài ra, Ocean Vuong cũng chia sẻ về những hoạt động hướng đến cộng đồng LGBTQ+. Anh và nhà xuất bản Penguin cam kết trích 50 cent (hơn 11.000 đồng) từ mỗi đơn đặt trước cuốn The Emperor of Gladness (tối đa 10.000 USD) để quyên góp cho Queer Liberation Library (Thư viện Giải phóng Queer) – tổ chức cung cấp miễn phí các đầu sách với chủ đề LGBTQ+ trên website.

Quyết định này một phần xuất phát từ việc từng bị một hội đồng địa phương ở khu học chính Conroe, bang Texas, loại khỏi thư viện cách đây hai năm. Lý do cấm sách được đưa ra mơ hồ, ban đầu là bởi kết luận cho rằng nội dung phản cảm, nhưng sau đó lại là những biện minh về thủ tục hành chính. Theo nhà văn: “Điều này thực sự rất vô lý, bởi những người thậm chí không đọc sách lại nắm quyền định đoạt tương lai đời sống văn học của trẻ em”.

Theo The Guardian, ngôi nhà của Ocean Vuong tại Mỹ là nơi trú ẩn an toàn và rộng rãi cho cộng đồng queer thích viết. Anh nói: “Với nhiều người bạn queer của tôi, việc xin được suất lưu trú hoặc chỉ đơn giản là tìm một nơi để sáng tác thực sự rất khó. Nhiều người trong số họ gặp khó khăn tài chính, mất bảo hiểm y tế khi chuyển việc. Vậy nên tôi nói: nhìn này, nhà tôi còn phòng. Bạn không cần chờ học bổng. Cũng không cần phải tương tác với tôi. Cứ vào và viết thôi”.





Nhà văn Ocean Vuong. Ảnh: Anselm Ebulue

Nhà văn Ocean Vuong. Ảnh: Anselm Ebulue

, tên tiếng Việt là Vương Quốc Vinh, 37 tuổi, là nhà thơ, tiểu thuyết gia. Anh sinh ra ở TP HCM, lớn lên tại Hartford, Connecticut (Mỹ). Năm 2016, tập thơ đầu tay Night Sky With Exit Wound (Trời đêm những vết thương xuyên thấu) đoạt giải T.S Eliot. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, xuất bản năm 2019, được hãng A24 mua bản quyền để chuyển thể thành phim.

Khánh Linh (Theo The Guardian)