Ôm nợ, thất nghiệp sau 7 năm đèn sách trường Y

Ôm nợ, thất nghiệp sau 7 năm đèn sách trường Y

bởi

trong

AnhSau 7 năm đào tạo, trải qua những ca trực mệt mỏi và gánh khoản nợ sinh viên hơn 100.000 bảng Anh, bác sĩ Luke Craddock không ngờ giờ đây anh rơi vào cảnh thất nghiệp.

Đây là một nghịch lý lớn bởi Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) đang thiếu nhân lực trầm trọng, trong khi chi phí đào tạo một bác sĩ như Craddock lên tới hơn 7,5 tỷ đồng (250.000 Bảng Anh).

Craddock chỉ là một trong hàng ngàn bác sĩ trẻ đang mắc kẹt vì thiếu các vị trí đào tạo chuyên sâu – bước bắt buộc để họ có thể chính thức hành nghề.

Ở Anh, việc học y không chỉ dừng lại ở tấm bằng đại học, nó giống như một “chặng đua” nhiều giai đoạn. Đầu tiên, các sinh viên dành 5-6 năm học lý thuyết, đi thực tập ở bệnh viện để có kiến thức nền tảng và nhận tấm bằng “bác sĩ” ban đầu.

Sau khi tốt nghiệp, các bác sĩ trẻ phải làm việc dưới sự giám sát, thực hành lâm sàng trong bệnh viện khoảng hai năm. Giai đoạn này giúp họ tích lũy kinh nghiệm thực tế.

Giai đoạn ba, còn gọi đào tạo chuyên sâu, thường kéo dài nhiều năm, tùy chuyên khoa. Đây chính là “nút thắt cổ chai” mà Craddock và hàng ngàn bác sĩ trẻ khác đang mắc kẹt. Để được công nhận là một bác sĩ chính thức, có thể tự chủ hành nghề, hay trở thành một chuyên gia tại viện công (ví dụ: bác sĩ tim mạch, phẫu thuật, nội khoa…), họ bắt buộc phải tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu.

Các bệnh viện và NHS phải có sẵn các vị trí đào tạo này, giống như một “chỗ học việc có lương” được thiết kế riêng cho bác sĩ muốn lên chuyên khoa. Mỗi vị trí này đều có chỉ tiêu và được giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng bác sĩ trẻ tốt nghiệp và hoàn thành thực tập ngày càng nhiều, nhưng số lượng các “chỗ học việc chuyên sâu” này lại không tăng lên tương xứng. Trong khi đó, họ lại bị cạnh tranh bởi số lượng tuyển dụng từ nước ngoài tăng vọt.

Báo cáo năm 2023 của Hội đồng Y khoa Tổng quát (GMC) cho thấy 27% bác sĩ tham gia chương trình chuyên khoa đến từ nước ngoài, tăng mạnh so với 18% năm 2018. Trong số các bác sĩ đa khoa được đào tạo, hơn một nửa tốt nghiệp y khoa ở nước ngoài.

“Ngoài ra, những người trượt vòng tuyển chọn phải nộp lại hồ sơ năm sau, tạo ra hiệu ứng nghẽn cổ chai ngày càng trầm trọng”, Craddock cho biết.





Ôm nợ, thất nghiệp sau 7 năm đèn sách trường Y

Bác sĩ Luke Craddock đang gánh khoản nợ sinh viên 100.000 bảng Anh và rơi vào cảnh thất nghiệp. Ảnh: Guzelian

Craddock đã nộp đơn vào hai chuyên khoa bao gồm nội khoa và mô bệnh học, hy vọng cơ hội sẽ đến. Khi bắt đầu học y, anh tin rằng đây là những lĩnh vực có thể theo đuổi được. Nhưng tình hình đã thay đổi. Năm nay, hơn 33.000 bác sĩ nộp đơn cho chưa đến 13.000 vị trí đào tạo chuyên khoa, theo Hiệp hội Y khoa Anh. Craddock nằm trong khoảng 20.000 người bị từ chối.

“Tôi biết hệ thống có vấn đề, nhiều bác sĩ giỏi vẫn bị loại, nhưng thật khó không cảm thấy mình là kẻ thất bại. Thật lãng phí tài năng và tiền thuế của người dân. Cảm giác bị hệ thống loại bỏ thật cay đắng”, anh thừa nhận.

Anh vẫn nuôi hy vọng giấc mơ thời niên thiếu. Từng là học sinh duy nhất lớp 12 được nhận vào trường y qua chương trình dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, anh vượt qua tỷ lệ cạnh tranh khốc liệt với 17 ứng viên cho mỗi suất.

“Ban đầu tôi nghĩ cơ hội vào trường y là quá xa vời, nhưng tôi đã kiên trì và cuối cùng cũng được đền đáp. Đó là khoảnh khắc không bao giờ quên”, Craddock kể lại. Cha anh, một cựu thợ mỏ, và mẹ anh, một y tá cộng đồng, rất tự hào khi con mình đặt chân vào Trường Y Nottingham.

Suốt quá trình học tập, anh vừa theo đuổi chương trình đào tạo khắt khe, vừa làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt bằng những công việc như dọn dẹp ký túc xá hay hướng dẫn bác sĩ mới ra trường. Năm ngoái, anh dành toàn bộ thời gian rảnh để hoàn tất hồ sơ đăng ký đào tạo chuyên khoa, gồm kiểm toán, giảng dạy, nghiên cứu, thi cử và phát triển năng lực lãnh đạo, phần lớn được thực hiện ngoài giờ làm việc chính thức.

Sau nhiều năm căng thẳng và gánh trách nhiệm với tính mạng bệnh nhân, Craddock bắt đầu nghĩ đến việc rời ngành.

“Sắp 27 tuổi, tôi cần sự ổn định để lên kế hoạch cho cuộc sống và gia đình, nhưng khi không có công việc rõ ràng, mọi thứ đều trở nên mơ hồ”, anh chia sẻ.

Ngay cả các vị trí tạm thời không thuộc hệ thống đào tạo cũng đang trở nên khan hiếm. Các vị trí cán bộ nội trú cao cấp, bước đệm quan trọng, đang bị cạnh tranh khốc liệt, nhiều nơi thu hút hàng trăm hồ sơ.

“Tôi yêu nghề bác sĩ và không muốn từ bỏ. Nhưng nếu đến đầu tháng 8 vẫn chưa tìm được việc, tôi sẽ phải cân nhắc lựa chọn khác”, Craddock nói.

Sự trì hoãn trong đào tạo chuyên khoa không chỉ ảnh hưởng đến các bác sĩ trẻ mà còn đe dọa nguồn cung bác sĩ tư vấn trong tương lai. Theo số liệu NHS năm 2023, gần một nửa bác sĩ tư vấn hiện tại dự kiến nghỉ hưu vào năm 2035, đúng vào lúc nhu cầu bệnh nhân tăng cao và danh sách chờ đạt mức kỷ lục.

Craddock cảnh báo hậu quả sẽ sớm đến với bệnh nhân.

“Nếu có nhiều bác sĩ hơn, chất lượng chăm sóc sẽ cải thiện, danh sách chờ sẽ giảm nhanh hơn. Hiện chúng ta vẫn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ bác sĩ trên đầu người thấp nhất châu Âu, chúng ta cần thêm bác sĩ”, anh nói.

Đáp lại áp lực, Chính phủ Anh công bố “Kế hoạch Y tế 10 năm” với cam kết ưu tiên bác sĩ được đào tạo trong nước cho các vị trí đào tạo. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu giới hạn tuyển dụng từ nước ngoài ở mức 10% vào năm 2035 và bổ sung thêm 1.000 suất đào tạo chuyên khoa trong ba năm tới tại các khu vực thiếu hụt.

Craddock hoan nghênh kế hoạch này nhưng cũng bày tỏ lo ngại. Anh trân trọng sự đóng góp của các bác sĩ nước ngoài, nhưng cho rằng việc không đảm bảo cơ hội việc làm cho người được đào tạo trong nước là điều vô lý. Anh lo ngại khi đến nay vẫn chưa có bất kỳ mốc thời gian hay kế hoạch cụ thể nào, trong khi bản thân và hàng nghìn bác sĩ khác đang phải chờ đợi trong tình trạng bất an.

“Thật lòng mà nói, tôi không biết mình sẽ làm gì tiếp theo”, anh nói, thêm rằng những thay đổi sẽ đến quá muộn đối với thế hệ của mình.

Thục Linh (Theo Telegraph)