Ôn tập các môn khối xã hội sao cho hiệu quả?

Ôn tập các môn khối xã hội sao cho hiệu quả?

bởi

trong

Mọi thứ đều trở nên dễ dàng nếu có phương pháp

Trần Hạnh Nguyên, thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2024, nhận định các môn khối xã hội thường lượng kiến thức lý thuyết sẽ nhiều, và học sẽ “khó vào đầu” với một số bạn. Tuy nhiên nếu có phương pháp học hiệu quả thì dù lượng kiến thức nhiều đến đâu cũng sẽ không làm khó được.

Với môn ngữ văn, ở phần đọc hiểu, Hạnh Nguyên khuyên thí sinh nên đọc kỹ một lần, rồi gạch chân những ý chính. Sau đó hãy trả lời những ý chính đó một cách gãy gọn, đủ ý, tránh lan man, dài dòng, dễ lặp sang câu trả lời của câu khác. Còn phần viết văn, Hạnh Nguyên cho rằng trong quá trình ôn luyện nên chuẩn bị sẵn 2 – 3 mở bài, cũng như những dẫn chứng mà bản thân tâm đắc. Sau đó viết ra và học thuộc để ứng dụng khi làm bài thi.

“Điều này giúp mình tiết kiệm được kha khá thời gian cho những phần ít điểm để tập trung cho phần thân bài trọng tâm, từ đó làm tăng khả năng có thể đạt được điểm số cao”, Hạnh Nguyên nói.

Ôn tập các môn khối xã hội sao cho hiệu quả?

Thủ khoa Trần Hạnh Nguyên

ẢNH: NVCC

Muốn lên “trình” môn ngữ văn thì cô nàng thủ khoa cho rằng phải luyện đề nhiều, viết nhiều. “Các bạn hãy dành 30 phút một ngày để viết những mẫu văn nhỏ, hoặc những bài văn mà các bạn từng làm trên lớp. Các bạn cũng nên tham khảo những mẫu bài văn hay, bài văn đạt điểm cao trên mạng để lượm nhặt những ý có thể giúp ích được cho bài viết của mình. Tích góp những ý hay và về triển khai thành ý của mình để vận dụng vào bài viết”, Hạnh Nguyên gợi ý.

Cô nàng cũng lưu ý với thời gian làm bài môn ngữ văn chỉ có 120 phút nên thí sinh cần chia thời gian hợp lý cho bài thi của mình. Có thể là 30 phút dành cho phần đọc hiểu, 90 phút cho phần viết văn. Canh thời gian sao cho phù hợp để có thể làm bài được trọn vẹn.

Đối với môn lịch sử, Hạnh Nguyên cho rằng sẽ dễ học hơn nếu biết cách kể chuyện lịch sử. “Nói nôm na kể chuyện lịch sử là biến những sự kiện, cột mốc lịch sử thành câu chuyện của riêng mình. Các bạn nên hệ thống các sự kiện, cột mốc thành một sơ đồ tư duy theo những mốc thời gian, nguyên nhân, kết quả, diễn biến sự kiện…”, Hạnh Nguyên chia sẻ.

Môn địa lý, Hạnh Nguyên cho biết cách học cũng tương tự như hai môn trên. Thí sinh nên hệ thống hóa kiến thức môn học bằng các chuyên đề nhỏ, trong mỗi chuyên đề có thể cụ thể hóa bằng hình thức sơ đồ tư duy hoặc các từ khóa, thuật ngữ liên quan đến kiến thức trong bài. Tiếp theo, nên luyện các dạng bài thi giống với cấu trúc đề sẽ ra để rèn luyện kỹ năng làm bài cũng như thắt chặt tính kỷ luật trong thời gian. Trước khi làm bài, hãy đọc kỹ đề lẫn đáp án, xác định câu hỏi nào không được để mất điểm và câu nào cần nhiều thời gian phân tích hơn. Bên cạnh đó, Nguyên cho biết kỹ năng sử dụng Atlat địa lý cũng rất quan trọng.

“Và các bạn đừng quên là hãy giữ một trạng thái tinh thần thật tốt, vì không có sức khỏe tốt chúng ta không thể chinh chiến đề thi tốt được”, Hạnh Nguyên nhắn gửi.

Thí sinh hãy cùng theo dõi các video “Thủ khoa tiếp sức gen Z” trên các nền tảng: Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên và tại thanhnien.vn. Mỗi ngày 2 lượt phát sóng (sáng: 9 giờ; chiều: 14 giờ).

 Ôn tập các môn khối xã hội sao cho hiệu quả ? - Ảnh 1.