Ông chủ LVMH khuyên châu Âu nhượng bộ Mỹ

Ông chủ LVMH khuyên châu Âu nhượng bộ Mỹ

bởi

trong

Bernard Arnault kêu gọi quan chức châu Âu nhượng bộ và mềm mỏng trong đàm phán thương mại với Mỹ, để giảm thuế và bảo vệ việc làm.

Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Pháp ngày 21/5, Chủ tịch kiêm CEO LVMH Bernard Arnault cho rằng Liên minh châu Âu (EU) nên có lập trường mềm mỏng hơn trước các đòi hỏi về thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông kêu gọi quan chức đàm phán thỏa thuận để tránh bị áp thuế nhập khẩu và bảo vệ việc làm tại châu Âu.

“Các cuộc đàm phán giữa Brussels và Washington nên được tiến hành với mục tiêu đạt được kết quả, tức là cần nhượng bộ lẫn nhau”, Arnault nói. Tỷ phú cho biết hiện tại, ông có cảm giác “mọi việc đang không suôn sẻ”.

Arnault hiện là người giàu nhất châu Âu với tài sản 156 tỷ USD. Ông điều hành LVMH – tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới. Hãng này sở hữu 70 thương hiệu thời trang và mỹ phẩm, như Sephora, Tiffany & Co, Givenchy, Christian Dior, Dom Perignon and Moët Hennessy.





Ông chủ LVMH khuyên châu Âu nhượng bộ Mỹ

Chủ tịch kiêm CEO LVMH Bernard Arnault trong ĐHCĐ hôm 17/4. Ảnh: Reuters

Khi được các nhà lập pháp hỏi về những cuộc trao đổi trực tiếp với ông Trump và chuyến thăm gần đây của Arnault tới Nhà Trắng, ông từ chối bình luận thêm. Ông cho biết đang tích cực vận động hành lang để tránh bị áp thuế, đặc biệt khi rượu cognac và rượu vang của tập đoàn này đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ căng thẳng thương mại. Mỹ hiện là thị trường quan trọng nhất của LVMH, đóng góp 25% doanh thu hàng năm của tập đoàn.

“Hãy nhìn vào người Anh. Họ đã đàm phán rất tốt. Bằng tầm ảnh hưởng và các mối quan hệ khiêm tốn của mình, tôi hy vọng thuyết phục được châu Âu có thái độ xây dựng tương tự”, Arnault nói.

Đầu tháng này, Anh đạt thỏa thuận với Mỹ nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất từ thuế nhập khẩu, thay vì theo đuổi một thỏa thuận thương mại toàn diện.

Theo đó, thuế nhập khẩu 10% với hàng hóa từ Anh vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, thép được giảm thuế từ 25% về 0. Thuế với xe sản xuất tại Anh giảm từ 27,5% về 10%, áp dụng với 100.000 xe hơi – gần như toàn bộ ôtô nước này xuất khẩu năm ngoái. Đổi lại, Anh đồng ý mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản Mỹ và mua thêm máy bay Boeing.

Trở ngại chính trong việc đàm phán giữa Mỹ và EU hiện là thuế nhập khẩu ôtô. Đến nay, Mỹ vẫn lưỡng lự trong việc gỡ bỏ thuế 25%, vốn đang ảnh hưởng lớn đến các nước thành viên châu Âu. Đầu tuần này, quan chức thương mại các nước EU cũng cho biết sẽ theo đuổi một thỏa thuận tốt hơn so với thỏa thuận Mỹ – Anh.

Hà Thu (theo Reuters)