Ông Netanyahu đề cử ông Trump giải Nobel hòa bình, kỳ vọng vào canh bạc Gaza

Ông Netanyahu đề cử ông Trump giải Nobel hòa bình, kỳ vọng vào canh bạc Gaza

bởi

trong
Ông Netanyahu đề cử ông Trump giải Nobel hòa bình, kỳ vọng vào canh bạc Gaza

Ông Netanyahu trao cho ông Trump lá thư đề cử tổng thống Mỹ giải Nobel hòa bình – Ảnh: AFP

Trước bữa tối tại Phòng Xanh, ông Netanyahu đã trao cho ông Trump lá thư đề cử ông cho giải Nobel hòa bình – phần thưởng mà theo Đài CNN, vị tổng thống 79 tuổi đã khao khát nó từ lâu để ghi dấu ấn lịch sử trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.

Ông Netanyahu “đáp lễ” bằng đề cử Nobel

Ngay trước bữa tối tại Nhà Trắng, Thủ tướng Netanyahu bất ngờ trao cho Tổng thống Trump một bức thư đề cử ông nhận giải Nobel hòa bình, ca ngợi vai trò “kiến tạo hòa bình” của ông ở nhiều điểm nóng toàn cầu.

“Ông ấy đang kiến tạo hòa bình, từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ khu vực này đến khu vực khác”, ông Netanyahu nói. “Tôi muốn trao cho ngài lá thư tôi gửi Ủy ban Nobel – đề cử ngài cho giải hòa bình, một giải thưởng hoàn toàn xứng đáng”.

Ông Trump xúc động trước cử chỉ này: “Tôi không biết gì về chuyện này. Thật tuyệt. Đặc biệt là từ ông, điều này rất có ý nghĩa. Cảm ơn ông nhiều”.

Tuy nhiên mục tiêu chính của Tổng thống Trump trong cuộc gặp lần này là thúc đẩy ông Netanyahu chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện với Hamas.

“Tôi đang chấm dứt các cuộc chiến. Và tôi ghét thấy người ta bị giết”, ông nói rõ.

Không khó để nhận ra ông Netanyahu là đồng minh then chốt giúp ông Trump đạt được mục tiêu ấy, dù trước đó ông Trump từng công khai chỉ trích vị thủ tướng vì cản trở tiến trình hiện thực hóa những kế hoạch của ông.

Ngay cả khi tỏ ra thân thiết – mời ông Netanyahu dự tiệc, cùng phối hợp trong chiến dịch chống Iran và kêu gọi hủy phiên tòa tham nhũng của ông Netanyahu – Tổng thống Trump vẫn gây sức ép để Israel kết thúc chiến sự ở Gaza.

Để làm điều đó, ông Trump dường như đang áp dụng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt”, theo nhận định của cựu đại sứ Israel tại Mỹ Michael Oren.

“Một trong những nhượng bộ Mỹ có thể đưa ra là giữ lại lựa chọn quân sự với Iran, nếu Tehran cố khôi phục các cơ sở hạt nhân từng bị phá hủy.

Nhưng đó sẽ là quyết định rất khó khăn, bởi công chúng Mỹ phản đối sâu rộng việc Washington can thiệp quân sự thêm vào Iran”, ông Oren phân tích.

Nobel Hòa bình - Ảnh 2.

Xung đột ở Gaza kéo dài đã dẫn đến khủng hoảng nạn đói tại khu vực này – Ảnh: REUTERS

Ông Trump kỳ vọng đột phá đàm phán

Trong khi hai nhà lãnh đạo hội đàm tại Washington, các phái đoàn của Israel và Hamas đang nhóm họp ở Qatar để thống nhất các điều khoản của lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày, bao gồm thả con tin theo từng giai đoạn và cho phép viện trợ vào Gaza.

Theo Nhà Trắng, đặc phái viên của ông Trump – ông Steve Witkoff – sẽ tham gia vòng đàm phán cuối tuần này, cho thấy Washington đang trực tiếp can dự và kỳ vọng vào một bước đột phá.

“Họ muốn gặp nhau và muốn có thỏa thuận ngừng bắn”, ông Trump nói về các cuộc đàm phán đang diễn ra.

Giới quan sát nhận định cục diện Trung Đông đã thay đổi sau cuộc chiến 12 ngày giữa Israel và Iran. Ông Netanyahu bước vào cuộc gặp với vị thế được củng cố từ “chiến thắng quân sự”, trong khi ông Trump cũng tỏ ra tự tin nhờ thành công buộc cả Tehran lẫn Tel Aviv phải xuống thang.

Nếu đạt được thỏa thuận, ông Trump không chỉ ghi điểm trên hành trình giành giải Nobel, mà còn tiến gần mục tiêu lớn hơn: bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel. Riyadh từng tuyên bố sẽ không tham gia Hiệp định Abraham nếu chiến sự ở Gaza chưa chấm dứt.

Ông Netanyahu cũng bày tỏ tin tưởng vào một nền hòa bình khu vực rộng lớn hơn: “Tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được hòa bình giữa chúng ta và toàn bộ Trung Đông dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump”.

Tuy nhiên bài toán Gaza hậu chiến vẫn chưa có lời giải. Israel kiên quyết không để Hamas tiếp tục nắm quyền.

Vai trò của chính quyền Palestine thì chưa rõ ràng, trong khi các nước vùng Vịnh sẽ không hỗ trợ tái thiết nếu thiếu một cơ chế quản lý đáng tin cậy.

Một phương án từng gây tranh cãi và gây dậy sóng dư luận – do chính ông Trump nêu ra hồi tháng 2 – là giành quyền kiểm soát Gaza, di dời người Palestine và biến nơi này thành “Riviera của Trung Đông”.

Khi được hỏi liệu kế hoạch đó còn nằm trên bàn hay không, ông Trump chỉ nói: “Câu hỏi đó nên dành cho ông Netanyahu”.

Trong khi đó, thủ tướng Israel chỉ đưa ra một câu trả lời lập lờ: “Tôi nghĩ Tổng thống Trump có một tầm nhìn tuyệt vời. Đó là tự do lựa chọn. Ai muốn ở lại thì ở, ai muốn rời đi thì nên được rời đi. Gaza không nên là một nhà tù”.