
Việc ông Trump bị gán cho phát ngôn xúc phạm ông Albanese gây xôn xao mạng xã hội – Ảnh: REUTERS
Đầu tháng 5, một bài đăng giả mạo lan truyền trên Facebook, gán cho Tổng thống Mỹ Donald Trump việc xúc phạm Thủ tướng Úc Anthony Albanese trên mạng xã hội Truth Social.
Ảnh chụp màn hình kèm theo thể hiện nội dung bịa đặt, được cho là phát ngôn của ông Trump: “Anthony Albanese, Thủ tướng Úc, đúng là kẻ đần độn! Đang làm đất nước suy tàn. Thật đáng buồn! Chúng ta sẽ sớm bàn về thỏa thuận thương mại. #duanuocUcvidaitrolai”.
Tuy nhiên, Hãng tin AAP (Úc) đã xác minh và khẳng định không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ông Trump từng đưa ra phát ngôn như vậy.
Bức ảnh này thực chất bắt nguồn từ một tài khoản có tên Retards Down Under trên nền tảng X, dưới dạng nội dung “cà khịa”.
Theo báo cáo ngày 20-5 của AAP, chủ tài khoản này thường xuyên đăng các bài viết chế giễu các chính trị gia Úc và công khai thừa nhận các nội dung mình đăng là giả nhằm mục đích đùa cợt.
Phân biệt bằng mắt thường, một chi tiết cho thấy dấu hiệu ngụy tạo là kiểu chữ trong ảnh chụp không trùng khớp với phông chữ mặc định của nền tảng Truth Social mà ông Trump thường sử dụng để phát ngôn.

Ảnh đối chiếu phông chữ chứng minh thông tin ông Trump nói xấu ông Albanese là giả – Ảnh: AAP FactCheck
AAP đã đối chiếu ảnh chụp đang lan truyền với các bài đăng xác thực trên Truth Social và phát hiện sự khác biệt rõ rệt về kiểu chữ, cho thấy hình ảnh được lan truyền có sự can thiệp kỹ thuật.
Ngoài ra, AAP cũng đã rà soát toàn bộ các bài viết công khai của ông Trump trên Truth Social, bao gồm cả kho lưu trữ độc lập mang tên Truth3, nhưng không tìm thấy bất kỳ phát ngôn nào liên quan đến ông Albanese mang tính công kích như nội dung trong ảnh.
Bên cạnh đó, không có bản tin chính thống nào từ Mỹ, Úc hay các hãng thông tấn quốc tế ghi nhận ông Trump từng có tuyên bố xúc phạm Thủ tướng Úc, dù trên mạng xã hội hay trong các phát biểu công khai.
Trái ngược với nội dung bịa đặt, mối quan hệ giữa ông Trump và ông Albanese hiện tại được ghi nhận là tích cực, theo báo cáo của báo Guardian ngày 5-5.
“Tôi rất hữu hảo với ông Albanese. Tôi không rõ nhiều về cuộc bầu cử, nhưng người chiến thắng là một người rất tốt, ông ấy là bạn tôi”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng một ngày sau khi Công Đảng Úc chiến thắng.
Bài đăng giả mạo nói trên là minh chứng tiêu biểu cho hình thức thao túng dư luận thông qua ảnh chụp màn hình dễ dàng dàn dựng.
Đơn vị kiểm chứng được chứng nhận bởi Mạng lưới kiểm chứng thông tin quốc tế (IFCN), trang AAP FactCheck, khuyến cáo người dùng cần thận trọng với các thông tin chưa được xác minh, nhất là trong bối cảnh tin giả ngày càng phổ biến.