Tờ The New York Times ngày 29.4 đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký 3 sắc lệnh nhằm siết chặt kiểm soát vấn đề nhập cư, trong bối cảnh ông tiếp tục thực hiện các cam kết tranh cử. Các sắc lệnh được ký ngày 28.4 (giờ địa phương), một ngày trước khi nhiệm kỳ thứ 2 của ông tròn 100 ngày.

Ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 28.4
Ảnh: Reuters
Sắc lệnh thứ nhất chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi và Bộ trưởng An ninh nội địa Kristi Noem có những biện pháp cần thiết để kiểm soát người nhập cư tại những “thành phố trú ẩn”, ám chỉ các địa phương có chính sách mềm mỏng với người nhập cư. Sắc lệnh thứ hai liên quan việc tăng cường pháp lý bảo vệ lực lượng thực thi pháp luật. Cuối cùng là sắc lệnh nhằm siết yêu cầu về khả năng tiếng Anh đối với các tài xế xe tải.
Các trại giam quá tải
Trong ngày ông Trump ký các sắc lệnh trên, Nhà Trắng ca ngợi kết quả ban đầu của chiến dịch kiểm soát người nhập cư. Khuôn viên tại Nhà Trắng trưng bày ảnh của 100 người nhập cư phạm pháp. Lãnh đạo phụ trách vấn đề nhập cư của Nhà Trắng Tom Homan cho biết “chúng ta có biên giới an toàn nhất trong lịch sử quốc gia và những con số chứng minh điều đó”. Lực lượng Tuần tra biên giới Mỹ bắt giữ 7.200 người vượt biên trái phép trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ năm 2000 và giảm so với đỉnh điểm 250.000 trường hợp vào tháng 12.2023.
Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, ông Trump đã tiến hành tước bỏ tư cách nhập cư hợp pháp của hàng trăm ngàn người, làm gia tăng số người có khả năng bị trục xuất. Số người nhập cư lậu tại Mỹ bị bắt đã tăng vọt, trong khi số người bị trục xuất vẫn ở mức thấp, dẫn đến tình trạng các trại giam quá tải. Theo Reuters, các cơ sở giam giữ của Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) giam giữ khoảng 48.000 người vào thời điểm đầu tháng 4, vượt khả năng theo thiết kế là 41.500 người.
Ông Homan cho biết căn cứ quân sự Fort Bliss ở Texas có thể sẵn sàng giam giữ người nhập cư “trong tương lai rất gần”. Chính quyền Mỹ còn sử dụng căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo (Cuba) để giam giữ những người nhập cư lậu.
Căng thẳng chuyện “trú ẩn”
Ông Trump chỉ trích các tiểu bang, thành phố thiếu hợp tác với lực lượng liên bang về vấn đề nhập cư, gọi đó là “nơi trú ẩn” và đổ lỗi cho họ vì đã thả những người phạm tội thay vì phối hợp chuyển giao cho ICE. Sắc lệnh thứ nhất của ông ở trên cho rằng một số quan chức địa phương tiến hành một “cuộc nổi loạn vô pháp chống lại quyền tối thượng của luật liên bang” bằng cách cản trở việc thực thi luật nhập cư.
Hồi tháng 3, các thị trưởng của 4 thành phố Boston (bang Massachusetts, Chicago (bang Illinois), Denver (bang Colorado) và New York (bang New York) bị chất vấn về chính sách nhập cư trong một phiên điều trần căng thẳng tại Quốc hội. Tuy nhiên, tòa án tại nhiều nơi bảo vệ tính pháp lý của những luật liên quan của các địa phương. Thẩm phán liên bang William H. Orrick tại San Francisco (California) hôm 24.4 chấp thuận đơn kiện của chính quyền 16 thành phố và hạt ở Mỹ, phán quyết rằng chính quyền của ông Trump không được phép cắt viện trợ liên bang đối với các địa phương cung cấp sự bảo vệ hạn chế cho người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ.
Căng thẳng về vấn đề nhập cư còn dẫn đến việc Cục Điều tra liên bang (FBI) hôm 18.4 bắt giữ Thẩm phán Hannah Dugan tại hạt Milwaukee (bang Wisconsin) về cáo buộc cản trở việc bắt giữ một người nhập cư trái phép do cơ quan liên bang thực hiện. Bà Dugan sau đó được thả và dự kiến bị truy tố vào ngày 15.5. Nhiều người đã biểu tình trước tòa án liên bang ở Wisconsin phản đối các động thái của chính quyền liên bang đối với vị thẩm phán này.
Đề xuất chi tiêu quốc phòng “khủng”
Tờ The Hill ngày 29.4 đưa tin các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ vừa đề xuất chi ngân sách quốc phòng thêm 150 tỉ USD. Khi kết hợp với khoản ngân sách quốc phòng 886 tỉ USD đã được phê duyệt, đề xuất mới sẽ lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ nâng ngân sách quốc phòng lên hơn 1.000 tỉ USD. Dự luật được xây dựng bởi Ủy ban Quân vụ Hạ viện và Ủy ban Quân vụ Thượng viện bao gồm gần 25 tỉ USD dành cho sáng kiến phòng thủ tên lửa Golden Dome (tạm dịch: Vòm Vàng), lá chắn dự kiến bảo vệ toàn bộ lục địa Mỹ trước các tên lửa tiên tiến, bên cạnh các khoản chi cho việc sản xuất máy bay, tàu chiến, đạn dược, sáng tạo, răn đe hạt nhân, sẵn sàng về quân sự, răn đe ở Thái Bình Dương, an ninh biên giới và tình báo quân đội.