Ôtô dừng chờ quá vạch bị phạt 18-20 triệu đồng như vượt đèn đỏ

Ôtô dừng chờ quá vạch bị phạt 18-20 triệu đồng như vượt đèn đỏ

bởi

trong

Theo Cục CSGT, khi người lái xe không dừng trước vạch tức vi phạm lỗi không tuân thủ hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Trả lời cho câu hỏi “”, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Cục CSGT) cho biết, hành vi này được xác định tương đương lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu. Cụ thể, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định khi đèn vàng, xe phải dừng trước vạch dừng, trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp. Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.

Như vậy, khi tới ngã tư, người lái xe nếu chưa tới vạch mà thấy đèn vàng hoặc đèn đỏ thì phải dừng lại trước vạch. Nếu tài xế cho xe lăn bánh chèn lên vạch, hoặc qua vạch tức “không dừng lại trước vạch”, đồng nghĩa với việc không tuân thủ hiệu lệnh của đèn, vị đại diện Cục CSGT cho biết.

Theo Nghị định 168/2024 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, lỗi không tuân thủ hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị xử phạt 18-20 triệu đối với tài xế ôtô và 4-6 triệu với người đi xe máy. Cả hai trường hợp đều kèm trừ 4 điểm giấy phép lái xe.





Ôtô dừng chờ quá vạch bị phạt 18-20 triệu đồng như vượt đèn đỏ

Người dần dừng chờ đèn đỏ ở Hà Nội, ngày 2/1/2025. Ảnh: Giang Huy

Nhiều tài xế cho rằng, tình huống dừng chờ quá vạch chỉ nên bị phạt lỗi “không tuân thủ vạch kẻ đường”. Tuy vậy, đại tá Nhật giải thích, những lỗi liên quan vạch kẻ đường chỉ dùng cho các trường hợp như vạch mắt võng, vạch liền/đứt phân chia làn đường, vạch chỉ hướng… Với trường hợp vạch kẻ để dừng trước đèn tín hiệu, cần hiểu vạch ở đây có ý nghĩa như một hàng đinh, vượt qua là không tuân thủ đèn.

Một số luật sư cho rằng, xét theo câu chữ của các văn bản luật thì mức phạt dừng quá vạch tương đương “không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu” là đúng, nhưng xét theo cụ thể hành vi trên đường có thể mức phạt này là khá nặng tay.

Luật sư Đặng Thành Chung, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng bản chất của hành vi dừng xe quá vạch và “không tuân thủ đèn tín hiệu” (thường được gọi là vượt đèn vàng, vượt đèn đỏ) có thể khác nhau. Ông Chung nhận định với hành vi dừng xe quá vạch, đó có thể là chủ đích cá nhân, nhưng cũng có thể phần lớn là lỗi kỹ thuật: tài xế ước lượng sai khoảng cách đến vạch, phanh không đủ mạnh để kịp dừng trước vạch hay không nhìn rõ vạch.

“Có thể về ý thức, người lái xe đó vẫn chấp hành việc dừng xe, nhưng về kỹ thuật lại không đảm bảo”, luật sư này cho biết và cho rằng nên được xem xét lỗi này ở một cấp độ thấp hơn so với hành vi vượt đèn vàng, đèn đỏ.

Thực tế, việc dừng xe quá vạch khá phổ biến trước khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, đặc biệt với xe máy. Các phương tiện dừng đèn đỏ quá vạch thường lấn chiếm không gian ở phần vạch cho người đi bộ sang đường. Nhiều người muốn chen lên trên, vượt qua vạch nên gây hỗn loạn giao thông tại các ngã ba, ngã tư. Một chuyên gia đào tạo lái xe an toàn cho rằng, có thể phân theo cấp độ phạt tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi. Ví dụ: dừng xe quá vạch nhưng chưa tới phần cho người đi bộ sẽ là cấp nhẹ nhất, dừng xe quá vạch và lấn vào phần đường dành cho người đi bộ sẽ phạt nặng hơn, và nặng nhất là dừng quá vạch và lấn vào phần đường xe chạy, khi đó có thể phạt như vượt đèn đỏ.

Cơ quan chức năng khuyến cáo khi tham gia giao thông, lái xe cần tập trung quan sát đèn tín hiệu khi tới các nút giao để điều chỉnh tốc độ dừng xe, đảm bảo an toàn và việc dừng chờ đèn đỏ trật tự, không bị cán qua vạch.

Nguyên Vũ