PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, xác nhận PGS-TS Nguyễn Lân Cường, nguyên Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam đã qua đời sáng 6.5. “PGS-TS Nguyễn Lân Cường là người tâm huyết với khảo cổ học. Ông là chuyên gia đầu ngành về di cốt người cổ ở Việt Nam”, PGS-TS Tống Trung Tín nói.

PGS-TS Nguyễn Lân Cường
ẢNH: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
PGS-TS Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941, là con trai thứ tư của cố GS Nguyễn Lân. PGS-TS Nguyễn Lân Cường được xem là chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học tại Việt Nam.
Kỷ lục của ông Nguyễn Lân Cường
Sau khi tốt nghiệp ngành sinh học, ông Nguyễn Lân Cường về công tác tại Viện Khảo cổ học Việt Nam. Công việc tại Viện Khảo cổ học Việt Nam cho ông cơ hội tiếp cận và nghiên cứu những xương cốt người cổ được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ học. Số lượng xương cốt người Việt cổ mà ông Cường đã nghiên cứu, do đó, là rất lớn. Năm 2021, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục Việt Nam với nội dung “Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người cổ của Việt Nam (1.093 cá thể)”.
Trong các nghiên cứu di cốt người Việt cổ, ông Cường có những công trình mang dấu ấn quan trọng. Một trong số này là nghiên cứu nhục thân hai vị sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường tại chùa Đậu. Sau khi nghiên cứu bức tượng hai vị sư này, PGS-TS Nguyễn Lân Cường công bố đây là hình thức tượng táng. PGS-TS Nguyễn Lân Cường cũng là người đứng đầu nhóm các nhà khoa học tu bổ hai bức tượng này vào 2003. Dự án này đã cứu được hai pho tượng táng quý không tiếp tục xuống cấp. Mới nhất, PGS-TS Nguyễn Lân Cường cũng là người nghiên cứu di cốt người cổ tìm thấy tại hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Phát hiện này được xem là một bước ngoặt
PGS-TS Nguyễn Lân Cường còn là một nhạc sĩ với gần 100 tác phẩm âm nhạc, trong đó có cả hợp xướng. Ông cũng từng giữ chức Phó chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội.