Phân bón giả ‘bám rễ’ ngành nông nghiệp

Phân bón giả ‘bám rễ’ ngành nông nghiệp

bởi

trong
Phân bón giả ‘bám rễ’ ngành nông nghiệp

Nhà xưởng và tang vật sản xuất phân bón giả bị Công an Đồng Nai phát hiện – Ảnh: Công an cung cấp

Từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ, mọi khâu đều được tổ chức tinh vi, chặt chẽ như một hệ thống ngầm chuyên nghiệp.

Bức tranh đen của thị trường phân bón ngầm

Chỉ trong tháng 6-2025, hàng loạt vụ sản xuất, tiêu thụ phân bón giả đã bị lực lượng chức năng triệt phá trên khắp cả nước. Từ Bắc vào Nam, những ổ nhóm hoạt động có tổ chức, với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi bị lật tẩy.

Ngày 1-6, Công an tỉnh Phú Thọ (địa bàn tỉnh Hòa Bình cũ) đã triệt phá một xưởng sản xuất phân bón giả quy mô lớn tại huyện Lạc Thủy. Hiện trường là một kho hàng với gần 250 tấn phân bón giả, hơn 300 tấn hàng hóa không nhãn mác, không hóa đơn chứng từ cùng 100 tấn nguyên liệu chưa rõ nguồn gốc. 

Chỉ hơn nửa tháng sau, ngày 17-6 tại An Giang (thuộc tỉnh Kiên Giang cũ), Đội Quản lý thị trường số 3 tiếp tục phát hiện vi phạm nghiêm trọng tại một cơ sở kinh doanh phân bón. Qua kiểm tra, có đến 2 trong số 3 mẫu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Lô hàng vi phạm gồm 200 bao phân NPK và NP, trị giá 140 triệu đồng, đã bị đình chỉ lưu thông.

Đáng chú ý, các vụ việc không chỉ giới hạn ở những cơ sở nhỏ lẻ. Ngày 29-5, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt quả tang Công ty TNHH TM-DV XNK An Phúc Khang đang sang chiết và đóng gói phân bón giả. Lô hàng được “ngụy trang” dưới nhãn hiệu “phân hữu cơ xuất xứ Bỉ” để đánh lừa người tiêu dùng. Cơ quan chức năng thu giữ 292 tấn hàng hóa và 260.000 bao bì giả mạo.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), việc phân bón giả lan rộng một phần xuất phát từ hệ lụy của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga – Ukraine khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Từ cuối năm 2021, giá phân bón leo thang gấp đôi, khiến nhiều nông dân rơi vào thế bí, buộc phải tìm đến những loại phân bón giá rẻ, tạo cơ hội cho các đối tượng gian thương lộng hành.

Một nghiên cứu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng chỉ ra rằng: “Mỗi năm, nông dân cả nước thiệt hại khoảng 2,5 tỉ USD – tương đương 57.000 tỉ đồng – vì sử dụng phải phân bón giả hoặc phân kém chất lượng”. Hệ quả không chỉ là kinh tế, mà còn là sự suy thoái đất, giảm năng suất và chất lượng nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và uy tín thương hiệu quốc gia.

Một lãnh đạo doanh nghiệp phân bón lớn tại TP.HCM từng kể lại cảnh tượng xót xa: “Tôi từng chứng kiến nông dân vùng sâu ngồi bệt giữa ruộng, nước mắt hòa lẫn bùn đất vì mất trắng cả vụ mùa chỉ vì dùng phải phân giả. Nếu quản lý không minh bạch và quyết liệt, thì những giọt nước mắt ấy sẽ còn rơi dài trên những cánh đồng cạn màu mỡ”.

Phân bón giả - Ảnh 2.

Cơ quan chức năng lấy mẫu phân bón đi kiểm định và khẳng định các sản phẩm do vợ chồng Chánh, My sản xuất đều là phân bón giả – Ảnh: SỸ ĐỨC

Triệt tận gốc phân bón giả bằng công nghệ

Trong khi lực lượng chức năng căng mình truy quét, ở góc độ thị trường, nhiều doanh nghiệp lớn đã chủ động dựng lên “hàng rào phòng thủ” cho chính mình. Không ít doanh nghiệp cho biết nạn phân bón giả không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho người nông dân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và doanh thu của các đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính.

Một trong những lớp “khiên” đầu tiên mà các doanh nghiệp dựng lên chính là hệ thống xác thực sản phẩm bằng công nghệ tem điện tử. Thay vì những loại tem giấy dễ bị làm nhái, nhiều nhà sản xuất đã đầu tư vào tem SMS và QR code.

Với tem SMS, người dùng chỉ cần cào lớp phủ để lấy mã số, sau đó nhắn tin đến tổng đài xác thực. Với tem QR, quy trình thậm chí còn đơn giản hơn: quét mã bằng điện thoại thông minh và toàn bộ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, quy trình sản xuất sẽ hiển thị rõ ràng. Mỗi mã là duy nhất, và hệ thống sẽ tự động cảnh báo nếu phát hiện quét trùng.

Không dừng lại ở việc xác thực đơn lẻ từng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đang tiến xa hơn bằng cách xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn diện, kết hợp mã QR và công nghệ RFID (nhận dạng bằng tần số vô tuyến). Với giải pháp này, toàn bộ hành trình của mỗi bao phân, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, đóng gói đến khâu phân phối đều được số hóa, lưu trữ và truy cập dễ dàng, như một “hồ sơ điện tử” đầy đủ và minh bạch.

Bên cạnh công nghệ truy xuất, bao bì sản phẩm cũng là “lớp áo” quan trọng được nhiều doanh nghiệp đầu tư để tăng khả năng chống làm giả. Không chỉ dừng ở việc thay đổi thiết kế, các mẫu bao bì mới còn được in bằng công nghệ hiện đại, sử dụng chất liệu đặc trưng, tích hợp nhiều dấu hiệu nhận biết riêng biệt.

Đơn cử, Công ty Đức Thành đã thay đổi bao bì cho sản phẩm phân bón lá Vua Vào Gạo nhằm tăng cường nhận diện thương hiệu và ngăn chặn hàng nhái. Tương tự, Công ty TNHH Phân bón hữu cơ quốc tế GoldTech cũng triển khai bao bì mới cho dòng sản phẩm GOLDTECH G05, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết hàng thật hơn.

Trong cuộc chiến chống phân bón giả, công nghệ không còn đơn thuần là công cụ hỗ trợ, mà đã trở thành cánh tay nối dài giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, bảo vệ thương hiệu và giữ vững niềm tin từ người tiêu dùng. Những doanh nghiệp tiên phong không chỉ đang chủ động bảo vệ chính mình, mà còn góp phần kiến tạo một chuẩn mực mới cho toàn ngành.