Nhưng từ hơn 20 năm trước, khi được UNESCO lần đầu vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ là “viên ngọc xanh” của VN mà còn trở thành trung tâm thu hút đầu tư, nghiên cứu và phát triển bền vững.

Phong Nha – Kẻ Bàng có tiềm năng trở thành thủ phủ du lịch mạo hiểm của châu Á
ẢNH: QUANGTRI TOURISM
Hành trình gìn giữ và phát huy giá trị của quần thể di tích – địa chất – địa mạo đặc biệt này là minh chứng cho sự vào cuộc đồng bộ của nhà nước, cộng đồng quốc tế và chính quyền địa phương.
THÀNH TỰU 20 NĂM LÀ DI SẢN THẾ GIỚI
Kiến tạo vỏ trái đất hơn 450 triệu năm trước đã dày công tạo cho Phong Nha – Kẻ Bàng những giá trị đặc sắc về địa chất, địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Nơi đây có rừng bách xanh đá trên 500 năm tuổi; có các loài cá và bò sát lưỡng cư mới được phát hiện. Đặc biệt, có hàng nghìn hang động lớn nhỏ, trong đó có hơn 400 hang động được khảo sát, nổi bật như Sơn Đoòng (hang động lớn nhất thế giới), động Phong Nha (có sông ngầm dài nhất thế giới), động Thiên Đường (có thạch nhũ kỳ ảo, độc đáo nhất thế giới)… Với những giá trị vô giá của nhân loại, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã 2 lần được UNESCO vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Cửa vào động Phong Nha
ẢNH: T.L
Trong hơn 20 năm, ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã thực hiện 24 chương trình/dự án, tham gia 18 kỳ họp của Ủy ban Di sản thế giới, tham gia 21 diễn đàn quốc tế; hợp tác trên 50 đoàn làm phim, nhiếp ảnh, báo chí nước ngoài đến hoạt động quảng bá. Tại đây, các nhà khoa học đã phát hiện 43 loài mới, khảo sát đo vẽ 425 hang động với tổng chiều dài 243 km; cứu hộ 1.439 cá thể động vật hoang dã… Đã có 17 tuyến, điểm du lịch đưa vào khai thác, trong đó “Chinh phục Sơn Đoòng” là sản phẩm đẳng cấp thế giới. VQG đón hơn 9,5 triệu lượt du khách, doanh thu phí tham quan 1.742 tỉ đồng.
Phát huy giá trị di sản bền vững
Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng là trái tim du lịch của Quảng Trị mới, được mệnh danh là “Vương quốc hang động”, kinh đô du lịch mạo hiểm của châu Á, khẳng định được thương hiệu điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị, từ năm 2010 đến nay, lượng khách đến Phong Nha – Kẻ Bàng tăng trung bình 10 – 20%/năm. Điểm đặc biệt, thay vì khai thác đại trà, địa phương chọn phát triển theo hướng du lịch sinh thái – mạo hiểm có kiểm soát. Các sản phẩm nổi bật như tour khám phá Sơn Đoòng, Tú Làn, Hang Én, hang Va… được giới hạn số người tham gia mỗi năm để bảo vệ hệ sinh thái. Công ty Oxalis Adventure, đơn vị duy nhất được cấp phép tổ chức tour Sơn Đoòng, chỉ khai thác 1.000 khách/năm, đảm bảo không gây áp lực lên di sản.
Ông Howard Limbert, chuyên gia thám hiểm người Anh, người dẫn đầu đoàn phát hiện Sơn Đoòng, từng khẳng định: “Phong Nha – Kẻ Bàng có tiềm năng trở thành thủ phủ du lịch mạo hiểm của châu Á. Nhưng chỉ khi bảo tồn đi trước khai thác, giá trị này mới trường tồn”.
Bên cạnh đó, các mô hình du lịch cộng đồng tại các bản làng cũng đang phát huy hiệu quả. Người dân được hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn làm homestay, dịch vụ hướng dẫn viên, vận chuyển, góp phần tăng thu nhập bình quân lên 2 – 3 lần so với trước.

Sông Son, dòng sông chảy giữa lòng di sản
ẢNH: QUANGTRI TOURISM
Ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, cho rằng Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi môi trường sinh thái tự nhiên chịu nhiều tác động, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn…, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển du lịch bền vững. “Chính vì vậy, một trong những mục tiêu của Phong Nha – Kẻ Bàng là phát triển du lịch bền vững trong mối quan hệ với môi trường và cộng đồng. Bởi vậy, cần chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm như một cách tiếp cận cho phát triển du lịch bền vững”, ông Thắng nói.
Tại hội thảo quốc tế Phát huy giá trị di sản thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững, do UBND tỉnh Quảng Bình (cũ) phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO của VN, Bộ VH-TT-DL tổ chức hồi tháng 6.2023, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, nhận định ngoài những thành tựu, Phong Nha – Kẻ Bàng vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức như tác động của biến đổi khí hậu, tác động về áp lực phát triển và số lượng du khách ngày càng gia tăng… Vì vậy, đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và giải quyết vì một tương lai tươi sáng cho di sản thế giới này.
DI SẢN XUYÊN QUỐC GIA: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Đáng chú ý, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng là một trong số ít các di sản thiên nhiên thế giới có thể kết nối không gian xuyên biên giới. Về phía tây, di sản này nối liền với Khu bảo tồn Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào) tạo thành vùng sinh thái liên quốc gia độc đáo. Đây là một lợi thế để xây dựng mô hình “Di sản xuyên quốc gia” như UNESCO từng định hướng tại các khu vực di sản khác trên thế giới như dãy Alps ở châu Âu hay rừng Amazon tại Nam Mỹ.
Ngày 13.7, tại kỳ họp lần thứ 47 ở Paris, UNESCO đã phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới của Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng để bao gồm VQG Hin Nam Nô, mở ra một chương mới rực rỡ trong hành trình bảo tồn và phát triển di sản nhân loại. Đây là dấu ấn lịch sử, là bệ phóng mạnh mẽ để du lịch xanh, du lịch di sản, du lịch khám phá của Quảng Trị cất cánh, cũng là cơ hội chưa từng có để kết nối xuyên biên giới, thu hút đầu tư, nâng tầm thương hiệu du lịch địa phương trên bản đồ thế giới. Nhưng để phát huy những điều này, có rất nhiều thách thức, cần có sự đồng thuận cao về chính sách, kiểm soát biên giới, phân định ranh giới di sản và xây dựng cơ chế quản lý chung.