
40 tay súng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) giao nộp vũ khí tại Iraq ngày 11-7 – Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters nhận định đây được xem là bước tiến mang tính biểu tượng nhưng quan trọng nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài hàng chục năm của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Buổi lễ diễn ra ngày 11-7, dưới sự giám sát nghiêm ngặt của lực lượng an ninh người Kurd và sự hiện diện của trực thăng trên không.
Theo giới chức Iraq và khu tự trị Kurdistan (nơi Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp giáp nhau), khoảng 40 tay súng cùng một chỉ huy PKK đã tham gia giao nộp vũ khí.
Các vũ khí này sẽ được tiêu hủy trong một buổi lễ khác có sự tham dự của tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, quan chức chính quyền vùng Kurdistan và Đảng DEM thân người Kurd – lực lượng đóng vai trò trung gian trong tiến trình giải giáp PKK.
Được thành lập từ năm 1984, PKK đã bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố và bị đẩy ra khỏi lãnh thổ nước này.
Các chiến dịch quân sự liên tục của Ankara buộc nhóm phiến quân rút sâu vào vùng núi phía bắc Iraq. Hơn 40.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài suốt 40 năm.
Tháng 5 vừa qua, PKK tuyên bố sẽ giải thể và chấm dứt cuộc nổi dậy, sau lời kêu gọi từ thủ lĩnh lâu năm Abdullah Ocalan, hiện đang bị giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ocalan mới đây còn kêu gọi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thành lập một ủy ban giám sát tiến trình hòa bình.
Chính quyền Ankara đã bắt đầu các bước chuẩn bị thành lập ủy ban này, trong khi DEM và ông Ocalan yêu cầu có thêm đảm bảo pháp lý và cơ chế chuyển tiếp để PKK hòa nhập chính trị.
Người phát ngôn Đảng AK của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết tiến trình giải giáp không nên kéo dài quá vài tháng để tránh bị các thế lực cực đoan lợi dụng.
Bộ trưởng Tài chính Mehmet Simsek tiết lộ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu tốn gần 1.800 tỉ USD trong 50 năm qua để đối phó khủng bố và cho rằng hòa bình sẽ là cú hích lớn cho kinh tế.
Các chuyên gia nhận định việc PKK giải giáp có thể tác động sâu rộng đến khu vực, đặc biệt ở Syria, nơi Mỹ đang hậu thuẫn lực lượng người Kurd mà Ankara cho có liên hệ với PKK.
Trong bối cảnh Syria đang tái cơ cấu an ninh sau sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad, áp lực buộc các lực lượng người Kurd tại Syria hòa nhập sẽ ngày càng gia tăng.
Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ gọi sự kiện ngày 11-7 là “bước ngoặt không thể đảo ngược”, mở ra cơ hội chấm dứt khủng bố và xây dựng một tương lai hòa bình lâu dài cho khu vực.