Phó chủ tịch TP Huế cũng là ‘nạn nhân’ của karaoke loa kẹo kéo

Phó chủ tịch TP Huế cũng là ‘nạn nhân’ của karaoke loa kẹo kéo

bởi

trong
Phó chủ tịch TP Huế cũng là ‘nạn nhân’ của karaoke loa kẹo kéo

TP Huế sẽ mạnh tay trong việc xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn, karaoke kẹo kéo ngoài khung giờ yên tĩnh – Ảnh minh họa

Đó là lời chia sẻ hóm hỉnh nhưng rất thật của ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Huế, trước câu chuyện lãnh đạo thành phố có chỉ thị yêu cầu các xã, phường mới xây dựng khung giờ yên tĩnh tại khu dân cư, dẹp nạn ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt từ loa karaoke kẹo kéo.

Gốc rễ dẹp loạn tiếng ồn karaoke vẫn là người dân

Tại buổi họp báo UBND thành phố Huế thường kỳ quý 2-2025 diễn ra vào ngày 10-7, một trong những vấn đề được quan tâm nhất đó là việc chính quyền các xã, phường mới thực hiện việc xây dựng khung giờ yên tĩnh, dẹp nạn karaoke loa kẹo kéo như thế nào kể từ ngày 1-7.

Theo đó sau khi chính quyền 40 xã, phường mới ở Huế đi vào hoạt động, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương đã có chỉ thị yêu cầu lãnh đạo các xã, phường xây dựng khung giờ yên tĩnh ở khu dân cư, vận động người dân ký cam kết không gây tiếng ồn, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Tại buổi họp báo, ông Đặng Hữu Hải, chủ tịch UBND phường Thủy Xuân (thành phố Huế), nói rằng thực hiện chỉ thị trên, phường đã lập tức họp với tổ trưởng các tổ dân phố trên địa bàn để triển khai một số việc liên quan đến việc dẹp nạn ô nhiễm tiếng ồn.

Theo ông Hải, phường vận động tổ trưởng các tổ dân phố đưa vào quy định của khu dân cư về việc không mở nhạc quá to, gây ồn ở khu dân cư sau 22h. 

Đặc biệt, phường cùng các tổ trưởng cũng đến gặp đại diện các dòng họ trên địa bàn, vận động đưa việc không gây tiếng ồn, chấp hành lối sống văn minh đô thị vào hương ước dòng tộc.

“Việc tuyên truyền, kêu gọi người dân chấp hành lối sống văn minh đô thị được chúng tôi thực hiện từ thời điểm còn duy trì hệ thống chính quyền địa phương cũ. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát vào chỉ thị của chủ tịch UBND thành phố để dẹp nạn ô nhiễm tiếng ồn”, ông Hải nói.

Còn bà Hoàng Thị Như Thanh, chủ tịch UBND phường An Cựu (thành phố Huế), cho biết đã chỉ đạo công an phường làm việc với các ngành liên quan để được trang cấp, hướng dẫn sử dụng một máy đo tiếng ồn.

“Sau khi được trang cấp, thông số từ máy đo tiếng ồn sẽ là cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương áp dụng các hình thức xử phạt hành chính nhằm dẹp nạn ô nhiễm tiếng ồn, karaoke loa kẹo kéo theo quy định”, bà Thanh nói.

Chỉ cần kiên quyết, bỏ tư duy nể nang là làm được

Ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Huế, nói chỉ thị về xây dựng khung giờ yên tĩnh nhằm xây dựng một môi trường sống thật sự tốt và với Huế – một đô thị du lịch – thì điều này vô cùng quan trọng.

Để triển khai chủ trương này, ông Bình cho biết cần lưu ý “3 điều đúng”: Đúng với quy định, đúng với tâm nguyện người dân và đúng với thực tế của địa phương.

“Về quy định khung giờ yên tĩnh là sau 22h đêm và đến 6h sáng. Tuy nhiên thực tế người dân cũng cần có giờ nghỉ trưa, vậy đây có phải là khung giờ yên tĩnh hay không? 

Các địa phương cần lưu ý điều này để xây dựng khung giờ yên tĩnh, dẹp nạn ô nhiễm tiếng ồn, loa karaoke kẹo kéo nhằm phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, sắp tới UBND thành phố sẽ có chỉ đạo cụ thể về việc thực hiện xây dựng khung giờ yên tĩnh, dẹp nạn ô nhiễm tiếng ồn… đến các lãnh đạo xã, phường mới để nhất quán quan điểm chỉ đạo về vấn đề này, tránh việc áp dụng mỗi nơi mỗi cách, lúng túng trong việc xử lý.

“Các lãnh đạo xã phường phải kiên quyết xử lý vấn nạn này, không để xảy ra tình trạng nể nang do cùng làng, cùng xóm, rồi cuối cùng đâu lại vào đó. Trước đây, có người bảo người Huế trong ma chay, tang lễ mà không rải vàng mã là không được. Vậy mà chính quyền đã cương quyết dẹp vấn nạn này và chúng ta đã làm được. Khó như vậy chúng ta làm được, thì nạn ô nhiễm tiếng ồn không có gì là không làm được cả”, ông Bình nói.