Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương có giải pháp ngăn ngừa thuốc giả

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương có giải pháp ngăn ngừa thuốc giả

bởi

trong
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương có giải pháp ngăn ngừa thuốc giả

Lực lượng chức năng phát hiện các loại thuốc giả – Ảnh: Công an cung cấp

Theo phó thủ tướng, gần đây, sau vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả được phát hiện tại một số địa phương, báo chí có nhiều tin, bài phản ánh lo ngại, bức xúc của nhân dân về nạn thuốc giả, nêu yêu cầu cần sớm xử lý hiệu quả vấn đề thuốc giả.

Địa phương có trách nhiệm quản lý chất lượng thuốc

Về vấn đề này, phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng quy định của pháp luật và tình hình, kết quả quản lý chất lượng thuốc chữa bệnh, ngăn ngừa thuốc giả trong thời gian qua. 

Bộ cần có giải pháp phù hợp, nhất là về trách nhiệm của cơ sở cung ứng thuốc trong việc chấp hành quy định của pháp luật về dược. Địa phương cũng phải có trách nhiệm trong nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng thuốc chữa bệnh, ngăn ngừa thuốc giả trên địa bàn. Việc này phải báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 5-5.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả việc kết nối cơ sở cung ứng thuốc, bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các chỉ thị trước đó. 

Trước đó, phó thủ tướng đã ký công điện của Thủ tướng về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý vụ việc buôn bán hàng giả. 

Thực hiện ngay việc rà soát, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại tới người dân. Đẩy mạnh kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, kiểm tra, thanh tra…

Trả lời báo chí, ông Trần Hữu Linh – cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cho hay doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ kinh doanh theo quy định pháp luật để che đậy các vi phạm của sản phẩm mà chỉ có thể phát hiện khi đem đi kiểm nghiệm. Tuy nhiên, sản phẩm, hàng hóa chưa có phản ánh hay dấu hiệu vi phạm để có thể thực hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm.

“Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy các đối tượng này đã gian lận trong tên gọi của sản phẩm là “sữa”, “thuốc” nhưng thực chất tên gọi theo công bố và ghi nhãn sản phẩm là “thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, “thực phẩm bổ sung”, “sản phẩm dinh dưỡng công thức”, “thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt”…”, ông Linh chỉ rõ.

Nhiều chiêu thức làm thuốc giả

Đặc biệt, nhóm đối tượng vi phạm về thuốc giả vừa qua sử dụng thủ đoạn phạm tội mới. Cụ thể, các đối tượng không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường mà tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, trong đó phần lớn có trụ sở “ảo” ở nước ngoài như Malaysia, Singapore…

Sau khi sản xuất, dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ buôn bán thuốc cho các công ty dược, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu là “hàng xách tay”. Để tạo niềm tin, ban đầu các đối tượng trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi bán ra thị trường nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Ngoài ra, các đối tượng thuê kho làm nơi sản xuất tại các khu vực vắng người qua lại, ngõ cụt, sâu trong hẻm; thuê công nhân sản xuất là người nhà hoặc người quen, chủ yếu từ các địa phương khác. Trong quá trình sản xuất, công nhân ăn ở khép kín tại kho xưởng, không tiếp xúc với người dân xung quanh để né tránh, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Bộ Công Thương cho hay đã có đề nghị các bộ ngành hiện đang có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chất lượng, tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm cũng như đối với sữa nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp cung cấp, chia sẻ hoặc thông báo thường xuyên thông tin về các doanh nghiệp đã thực hiện công bố các sản phẩm.

Cùng đó, cần rà soát hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan tới các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm chức năng. Xây dựng ngay cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống hàng giả.