Những cơn mưa đầu mùa tại TP.HCM thường làm gia tăng các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là ở người lớn tuổi và người có bệnh nền. Trong bối cảnh đó, tập 6 của chuỗi Vodcast “Well-being: Hành trình vui khỏe” với chủ đề “Khám bệnh – tiêm ngừa, không thừa một phút”, mang đến thêm góc nhìn về tiêm chủng trong bệnh viện đa khoa và cách phối hợp liên chuyên khoa giúp bảo vệ người bệnh một cách chủ động, hiệu quả và an toàn.
Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) thực hiện, có sự tham gia của tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng BV ĐHYD và thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương, Trưởng Trung tâm Truyền thông BV ĐHYD.

Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Huy Luân nhấn mạnh tiêm ngừa không chỉ giúp dự phòng mà còn giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng cho người có bệnh lý nền
Ảnh: BVCC
Khám bệnh – tiêm ngừa: Giải pháp toàn diện, hiệu quả tối đa
Từ thực tế điều trị tại một bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận hàng ngàn người bệnh mỗi ngày, tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Huy Luân nhấn mạnh, tiêm ngừa không chỉ là giải pháp dự phòng mà còn giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng nghiêm trọng ở những người có bệnh lý nền như hen suyễn, tiểu đường, tim mạch, suy giảm miễn dịch… Ví dụ những loại vắc xin như cúm và phế cầu, nếu được chỉ định đúng và tiêm đúng thời điểm, có thể giảm từ 40-80% nguy cơ nhập viện, biến chứng và tử vong do nhiễm trùng hô hấp ở người bệnh hen suyễn, tiểu đường, tim mạch. Đặc biệt, mô hình tư vấn tiêm ngừa ngay tại thời điểm người bệnh khám ngoại trú hay điều trị nội trú cũng được bệnh viện triển khai hiệu quả, góp phần giảm nguy cơ tái nhập viện và gián đoạn điều trị. Tất cả đều được quản lý đồng bộ qua ứng dụng UMC Care, giúp người bệnh đặt lịch, theo dõi và thanh toán thuận tiện, ngay trên điện thoại.
“Tại BV ĐHYD, mô hình phối hợp liên chuyên khoa trong tiêm chủng không phải là điều mới – đó là điều bắt buộc để đảm bảo an toàn tiêm ngừa và tăng hiệu quả phòng bệnh. Người bệnh có thể khám, được bác sĩ đánh giá chỉ định và tiêm ngay trong một lần đến viện – không phải di chuyển giữa nhiều nơi, không mất thêm thời gian, mà vẫn đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa”, tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Huy Luân chia sẻ.

Thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương cùng thảo luận với bác sĩ Luân về chủ đề Khám bệnh – tiêm ngừa, không thừa một phút
Ảnh: BVCC
Vai trò thiết yếu của truyền thông y tế
Song song với những tiến bộ trong chuyên môn, chương trình cũng nhấn mạnh vai trò thiết yếu của truyền thông y tế trong việc giúp người dân hiểu đúng, hành động đúng.
Theo thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương, người bệnh thời đại số cần được trang bị năng lực chọn lọc và tiếp nhận thông tin y khoa một cách thông minh. Trong bối cảnh mạng xã hội tràn ngập thông tin sai lệch, nhất là về vắc xin, bác sĩ không chỉ là người điều trị mà còn là người đồng hành, giúp người bệnh nhận diện đâu là lời khuyên khoa học, đâu là trào lưu cảm tính. Truyền thông y tế đúng cách không đơn thuần là phổ biến kiến thức mà còn giúp người dân vượt qua lo lắng, thấu hiểu giá trị của phòng ngừa, tin tưởng vào các quyết định y khoa đã được chứng minh hiệu quả.
“Chỉ cần một câu hỏi như: Em bị tim mạch, có cần tiêm ngừa không? – nếu được tư vấn đúng lúc, đúng người, có thể thay đổi cả hành trình sức khỏe của một người bệnh. Chúng tôi tin rằng mỗi người dân đều cần được tiếp cận với thông tin y khoa chính thống, dễ hiểu và đáng tin cậy”, thạc sĩ Nam Phương chia sẻ.