
Sau hai năm, Phú Quốc đã đông khách trở lại và chiến lược du lịch cho đảo ngọc sẽ là gì?
Hai năm trước, Phú Quốc từng đối diện với làn sóng chê trách mạnh mẽ: , dịch vụ không tương xứng với giá tiền. Lượng khách giảm sút trong các dịp lễ lớn, nhiều khách sạn cao cấp trống phòng.
Phú Quốc, từ ngôi sao của du lịch Việt Nam, bỗng chốc trở thành ví dụ điển hình của tăng trưởng nóng và hệ lụy của việc chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng.
Thế nhưng, chỉ hai năm sau, Phú Quốc đã lội ngược dòng ngoạn mục để trở lại vị thế , chứng minh rằng hòn đảo này chưa từng thật sự bị thất sủng – như tôi thấy một độc giả bình luận dưới bài viết này.
Số liệu thống kê quý I/2025 đã phần nào trả lời cho câu hỏi về sức hút của Phú Quốc. Hơn hai triệu lượt khách, trong đó gần 500.000 khách quốc tế, là con số đầy ấn tượng sau những tháng ngày khó khăn.
Dịp Tết vừa qua, Phú Quốc đóng góp tới gần 70% lượng khách và doanh thu của tỉnh Kiên Giang, góp phần đưa địa phương này vào nhóm top đầu về doanh thu du lịch trên cả nước.
Điều đáng nói là sự trở lại này không phải nhờ may mắn, mà là kết quả của một quá trình điều chỉnh quyết liệt và bài bản. Phú Quốc đã nhận diện đúng những vấn đề tồn tại: giá cả cao, chất lượng dịch vụ không ổn định, sản phẩm du lịch thiếu đổi mới.
Ngành du lịch địa phương và các doanh nghiệp trên đảo đã nhanh chóng “vá lỗi”, từ việc điều chỉnh giá phòng khách sạn, nâng cao chất lượng phục vụ, cho đến mở rộng các thị trường quốc tế mới như Mông Cổ, Ba Lan – những nhóm khách có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.
Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào thực tế: Phú Quốc hiện nay không phải đã hoàn toàn “hạ giá”, mà chỉ mới “bớt đắt”. CEO một công ty du lịch đã thẳng thắn chỉ ra, giá dịch vụ trên đảo vẫn cao hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung do đặc thù địa lý, khi hầu hết hàng hóa phải vận chuyển từ đất liền.
Vì vậy, với khách nội địa – nhóm khách có thu nhập trung bình, Phú Quốc vẫn là điểm đến đắt đỏ. Nhưng trong mắt khách quốc tế, những người quen thuộc với mặt bằng giá cao hơn ở quê nhà, Phú Quốc lại là một sự lựa chọn hấp dẫn về chi phí.
Điều này mở ra một định hướng mới cho phát triển du lịch Phú Quốc: trở thành điểm đến nghỉ dưỡng cao cấp hàng đầu khu vực, tập trung vào nhóm khách có khả năng chi trả cao. Thay vì cố gắng phổ cập hóa du lịch đại trà, Phú Quốc có thể chọn phân khúc hẹp nhưng bền vững: nghỉ dưỡng hạng sang, trải nghiệm đẳng cấp quốc tế.
Dẫu vậy, để giữ vững vị thế, Phú Quốc không thể chỉ dừng lại ở những cải thiện trước mắt. Bài học vẫn còn nguyên giá trị cảnh tỉnh. Ngành du lịch nơi đây cần liên tục đổi mới sản phẩm, kiểm soát tốt chất lượng dịch vụ, đặc biệt là vấn đề chặt chém và minh bạch giá cả.
Không thể để tình trạng ” kéo dài, khi phần lớn bãi tắm đẹp bị các khu nghỉ dưỡng lớn chiếm giữ, hạn chế sự tiếp cận của du khách.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh: Du lịch là một cuộc đua marathon, không phải một chặng nước rút. Để phát triển bền vững, Phú Quốc cần có chiến lược dài hạn về quy hoạch, bảo tồn tài nguyên tự nhiên, tạo ra các sản phẩm giải trí mới mẻ và phù hợp với thị hiếu thay đổi nhanh chóng của du khách quốc tế. Những mô hình chợ đêm hay khu vui chơi hiện tại đang hút khách, nhưng sẽ sớm lỗi thời nếu không liên tục được làm mới.
Và khi du khách quay trở lại, đó cũng không phải là cái kết, mà là khởi đầu cho một hành trình dài hơi, đòi hỏi nỗ lực bền bỉ và tầm nhìn rộng mở.
Bởi vậy, Phú Quốc chưa từng bị thất sủng. Chỉ là hòn đảo này đã, đang và sẽ phải liên tục thay đổi để xứng đáng với tình yêu mà du khách trong và ngoài nước dành cho mình.