Theo Reuters, đây là gói cấm vận thứ 18 của EU lên Nga từ đầu xung đột tại Ukraine hồi năm 2022. Trong đó, mức giá trần đối với dầu thô của Nga sẽ bị hạ xuống còn 47,6 USD/thùng. EU cũng sẽ cấm những giao dịch liên quan các đường ống khí đốt Nord Stream của Nga và ban hành lệnh cấm mới đối với ngành tài chính Nga. Slovakia sau nhiều lần phủ quyết giờ đã thay đổi quyết định, sau khi được châu Âu đảm bảo hỗ trợ giá khí đốt khi EU dừng nhập khẩu từ Nga đến cuối năm 2027.

EU đang tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine (trong ảnh: Trụ sở Ủy ban Châu Âu ở Brussels, Bỉ)
Ảnh: Reuters
Trước đó, tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Keir Starmer ở London ngày 17.7, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho hay Ukraine không chỉ nhận được vũ khí phòng không, mà sẽ sớm nhận tên lửa tầm xa mới, theo trang The Kyiv Independent. Trước đó, các quan chức Đức xác nhận sẽ gửi hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot mua từ Mỹ cho Ukraine, nhưng sẽ không cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus do Berlin sản xuất. Theo thỏa thuận do Đức tài trợ, Ukraine sẽ nhận hàng trăm hệ thống vũ khí tầm xa sản xuất nội địa vào cuối tháng 7. Cũng trong ngày 17.7, Đại sứ Mỹ tại NATO Matthew Whitaker nói rằng Washington đang phối hợp với các đồng minh để đẩy nhanh chuyển giao vũ khí cho Kyiv.
Vì sao Ukraine khẩn thiết yêu cầu thêm hệ thống Patriot?
Trong một sáng kiến mới nhằm bổ sung vũ khí ra chiến trường, nhóm đầu tư và thu mua vũ khí Brave1 do Kyiv thành lập đang mời gọi các công ty sản xuất vũ khí nước ngoài đưa sản phẩm mới đến thử nghiệm tại tiền tuyến ở Ukraine, theo Reuters.