Các nghệ nhân ở Ấn Độ chỉ trích Prada lấy dép Kolhapuri truyền thống của họ để tạo ra mẫu sandals mới mà không xin phép.
Theo Guardian, cuối tháng 6, Harish Kurade – nghệ nhân ở miền nam bang Maharashtra – đã phát hiện ra mẫu dép của Prada giống hệt Kolhapuri truyền thống của Ấn Độ. Thiết kế được giới thiệu trong show Xuân Hè 2026 của hãng ở Tuần thời trang Milan tháng 5, có phần quai chữ T mang phong cách cổ điển. Sản phẩm được định giá khoảng 800 USD (20,9 triệu đồng) một đôi.
Show Xuân Hè 2026 dành cho nam của Prada, trong đó các người mẫu catwalk với dép xỏ ngón giống Kolhapuri. Video: Prada
Sau khi Harish Kurade lên tiếng, cộng đồng nghệ nhân chỉ trích Prada chiếm đoạt văn hóa. Họ cho rằng nhà mốt Italy nên nhắc đến xuất xứ văn hóa của mẫu dép từ thành phố Kolhapur, nếu không sẽ kiện lên Tòa án tối cao Mumbai.
Lalit Gandhi – Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Maharashtra – viết trong một bức thư gửi đến Patrizio Bertelli, Chủ tịch hội đồng quản trị Prada: “Bộ sưu tập bao gồm các mẫu giày có kiểu dáng gần giống Kolhapuri, một loại dép da thủ công truyền thống đã được chính phủ Ấn Độ cấp chứng nhận năm 2019. Nguồn gốc của dép có từ thế kỷ 12, tại thành phố Kolhapur ở phía tây tiểu bang Maharashtra”.
Loại dép da trâu thường được mang trong các dịp trọng đại như lễ cưới hoặc lễ hội. Chúng được làm bằng kỹ thuật bện thủ công từ da thuộc và trang trí bằng thuốc nhuộm thực vật. Đặc trưng của dép này là kiểu dáng hở mũi, quai chữ T hoặc các kiểu mules (dép sục).
Chúng thường được bày bán ở các khu chợ với giá 12 USD (315.000 đồng) một đôi. Dép có thể sử dụng lâu dài nếu được bảo quản tốt và tránh sử dụng trong mùa mưa. Theo Times of India, Kolhapuri được xem là biểu tượng văn hóa của Ấn Độ, được gìn giữ qua nhiều thế hệ nghệ nhân.
Hôm 1/7, Prada thừa nhận thiết kế mới của hãng được lấy cảm hứng từ Kolhapuri. Lorenzo Bertelli, Trưởng phòng Trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Prada, viết trong thư gửi Lalit Gandhi: “Chúng tôi thừa nhận những đôi sandals ở show thời trang nam Prada 2026 được lấy cảm hứng từ dép truyền thống của Ấn Độ, với di sản lâu đời hàng thế kỷ. Chúng tôi nhận thức sâu sắc ý nghĩa văn hóa của nghề thủ công truyền thống của Ấn Độ”.
Bertelli cho biết hiện tại bộ sưu tập đang ở giai đoạn đầu phát triển thiết kế và chưa có sản phẩm nào được xác nhận là sẽ được sản xuất hoặc thương mại hóa. Theo Bertelli, Prada cam kết thiết kế có trách nhiệm, mong muốn hợp tác với các nghệ nhân Ấn Độ địa phương và đảm bảo họ được ghi nhận xứng đáng công sức của mình.

Dép Kolhapuri truyền thống của Ấn Độ. Ảnh: Pinterest
Dhanendra Kumar, cựu giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới, nói trên tờ Economic Times: “Mặc dù các nghệ nhân và nhà sản xuất quy mô nhỏ của Ấn Độ rất giỏi về nghề thủ công, nhưng họ hiếm khi có đủ vốn hoặc hiểu biết kinh doanh để định vị sản phẩm của mình trên toàn cầu như một mặt hàng xa xỉ”. Kumar cũng cho rằng “bằng cách không gọi dòng dép mới là Kolhapuri, Prada đã phạm lỗi kiếm tiền từ việc “.
Tuy nhiên, một số người cho rằng cuộc tranh cãi trên có mặt tích cực, có thể giúp thế giới chú ý đến giày dép Ấn Độ trong bối cảnh ngành này đang chững lại ở quốc gia này trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Google, lượng tìm kiếm về dép Kolhapuri tăng lên trong năm ngày qua. Các nhà bán lẻ ở địa phương cũng báo cáo sự quan tâm tăng vọt của khách hàng về mặt hàng này.
Shirin Mann, người sáng lập Needledust – nhãn hiệu nổi tiếng với phong cách giày lười thêu truyền thống của Ấn Độ – viết trên trang cá nhân: “Kolhapuri chưa bao giờ được đứng trong thị trường xa xỉ. Nếu hai bên hợp tác tốt, có thể đây là cơ hội lớn. Tôi tin vào sự cam kết và hiệu ứng lan tỏa mà Prada đã làm”.
ra đời năm 1913, là một trong những hãng thời trang Italy có ảnh hưởng nhất thế giới. Hai năm nay, nhà mốt đang tìm cách mở rộng quy mô sau khi vượt qua làn sóng suy giảm nhu cầu hàng xa xỉ. Năm ngoái, Prada Group đạt doanh thu 2024 đạt 5,4 tỷ euro (6 tỷ USD), tăng 17% nhờ thành công lớn của thương hiệu con là Miu Miu, khi doanh số tăng đến 93%. Tháng 4, Prada mua lại Versace với giá gần 1,4 tỷ USD.
Họa Mi (theo Guardian, Times of India, Economic Times)