
Hằng tuần, ông Trụ vẫn gặp gỡ và trao đổi với kiểm lâm địa bàn về tình hình núi rừng – Ảnh: HOÀNG TÁO
Ông là Hồ Văn Trụ, 66 tuổi, ở thôn Cuôi, xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị. Sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi phía tây bắc Quảng Trị đầy khó khăn, ông Trụ thấu hiểu từng con suối, vạt rừng nơi đây.
Chân trần bắt ong, tay không hái lộc rừng
Từ năm 20 tuổi, ông Trụ đã cùng dân bản vào rừng săn ong và nhanh chóng trở thành trụ cột trong mỗi chuyến đi. Với đôi chân trần dẻo dai, bám thoăn thoắt vào thân cây, ông đảm nhận việc trèo cao để tiếp cận tổ ong trên ngọn cây.
Những sợi mây rừng được họ bện lại, quấn quanh thân cây thành một vòng được gọi là “đày”. Các vòng dây cách nhau khoảng 50cm theo suốt chiều dài của cây, tạo thành một chiếc thang dây.
Ông kể về những chuyến đi đầy may rủi: “Cây cao nhất đến hơn 50 đày, làm 5 – 7 ngày liền mới xong. Khi nào ông trời thương thì cho 3 – 5 chai mật, cũng có khi chỉ được 1 chén”. Nhiều hay ít, ông đều chia đều cho mọi người, dù công việc của ông là nguy hiểm nhất.
Tôn trọng thiên nhiên, khi cắt mật, ông luôn để lại một phần để ong tái tạo đàn cho lần sau.
Khoảng 20 năm trước, dầu de – một loại tinh dầu quý chiết xuất từ cây de – có giá trị kinh tế. Các đầu nậu từ Quảng Bình tìm đến vùng rừng này khai thác. Với sức khỏe và kinh nghiệm đi rừng phong phú, ông Trụ được thuê gùi thực phẩm lên cho nhóm khai thác và gùi dầu de về đồng bằng. Mỗi chuyến đi kéo dài 2 – 3 ngày đến tận huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Ông gùi 32kg thực phẩm lên và 52kg dầu de về, với tiền công 6.000 đồng/kg.
Ban đầu thu nhập từ việc gùi dầu de giúp cuộc sống bớt khó khăn, đặc biệt khi 4 người con của ông cần nhiều chi phí. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh rừng núi bị tàn phá nặng nề, những cây de quý hiếm bị chặt hạ ngày đêm để chiết xuất dầu, ông Trụ không khỏi xót xa. Những nồi chiết dầu trái phép luôn đỏ lửa trong rừng làm ông trăn trở.
Sau 2 năm làm công việc này, lương tâm thôi thúc ông phải dừng lại. Ông nhận ra không thể tiếp tay cho việc phá hoại “rừng thiêng” của cha ông để lại. Ông dứt khoát từ bỏ và vận động những thanh niên cùng đi gùi thuê nghỉ việc. Thiếu người dẫn đường thông thạo địa hình, các nhóm khai thác dần rút lui.

Đôi chân nứt nẻ, chai sần của ông Trụ vì chưa từng một lần mang dép – Ảnh: HOÀNG TÁO
Giữ rừng để trả nghĩa
Những năm sau đó, ông Trụ vẫn gắn bó với rừng nhưng với một tình cảm khác – xem rừng như người mẹ nuôi sống và che chở. Năm 2014 – 2015, khi kiểm lâm huyện Hướng Hóa vào khu vực rừng Khe Cồ lập lán bảo vệ rừng, ông Trụ là người đầu tiên được tìm đến. Ông thông thuộc cánh rừng như lòng bàn tay, biết rõ từng con suối, vạt rừng quý giá. Dù khi ấy chưa có kinh phí hỗ trợ cho người bảo vệ rừng như ông, lực lượng kiểm lâm đã thuyết phục ông bằng tình yêu với rừng.
Ông Trụ tham gia cùng kiểm lâm tuần tra, dựng lán trại. Ông dẫn đường, chia sẻ kinh nghiệm về các loại cây, khu vực dễ bị khai thác trái phép. Ông còn đảm nhận việc giữ lán, nấu ăn cho đoàn công tác.
Anh Trần Anh Đức – bấy giờ là kiểm lâm viên Trạm kiểm lâm Hướng Lập, Hạt kiểm lâm Hướng Hóa – cho biết: “Nhờ kinh nghiệm của ông Trụ, công việc tuần tra của anh em thuận lợi hơn rất nhiều. Ông biết rõ khu vực, đường đi lối lại nên dẫn đường cho anh em tuần tra. Ông cũng đưa ra ý tưởng dựa trên vốn sống hòa quyện với rừng nên những khu vực có nguy cơ bị xâm hại cao nhất được tuần tra, bảo vệ đầu tiên”.
Anh Đức cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Điều đặc biệt là tôi chưa một lần thấy ông Trụ mang dép, dù lúc đi lấy mây giữa rừng nhiều gai nhọn, hay lội suối, đạp đá tai mèo. Đôi chân trần thoăn thoắt giữa rừng, nơi con người ông thuộc về”.
Ông Trụ tâm sự: “Rừng là nơi tôi sinh ra, nuôi sống gia đình. Có những lúc tôi đã có những hành động không phải với rừng. Tôi bảo vệ rừng là để trả nghĩa với cánh rừng thiêng”.
Hiện tại vợ và con ông đã chuyển ra khu tái định cư mới ở trung tâm xã, nhưng ông Trụ vẫn chọn ở lại căn nhà sàn cũ tại thôn Cuôi. “Đôi chân trần” ấy vẫn ngày ngày vượt sông Sê Băng Hiêng để đến với cánh rừng thiêng liêng, như một cột mốc sống kiên cường trụ lại gìn giữ màu xanh cho đại ngàn.

Ông Trụ vẫn ở lại giữa rừng, hằng ngày ra sông Sê Băng Hiêng ngắm nhìn cánh rừng quý – Ảnh: HOÀNG TÁO