Xóm nằm ngay cái vòng xoay trứ danh đất này. Quán cà phê vợt nức tiếng khắp thị thành lại càng làm cho xóm nhỏ lúc nào cũng náo nhiệt. Hơn nửa thế kỷ trước, nội của Dậu từ Bình Dương dọn về đây, náu thân hoa lệ thành đô sau trận càn xóm lò gốm. Cứ vậy mà cái quán cà phê được dựng lên để kiếm kế sinh nhai qua ngày. Cà phê được kho trên bếp liu riu lửa, đó là cách làm từ thời cố kỵ của Dậu để lại cho nội. Quán cà phê lóc cóc từ hồi ghế đẩu gỗ đi qua biến thiên thời cuộc đất này mà nuôi sống ba Dậu rồi tới Dậu.

MINH HỌA: Văn Nguyễn
Năm giờ sáng Dậu dọn hàng, chỉ nửa tiếng sau nước đã sôi, cà phê được kho và trà cũng đã lược. Ai đến cũng có thể bán. Sáu giờ sáng thì ông giao báo chạy chiếc cúp cánh én từ thời những năm 80 thế kỷ trước rề rà tới. Báo và cà phê sáng như hai món chẳng thể thiếu được của thị dân đất này. Mấy ông già bà cả làm gì chịu lướt cái điện thoại vèo vèo coi tin tức. Phải là báo giấy. Ở cái quán cà phê lóc cóc này, báo giấy vẫn phải giành nhau để đọc, có hôm một ông đọc to cho chục ông ngồi bàn chuyện. Chuyện Đông, Tây, Nam, Bắc, chuyện nào mấy ổng cũng bàn như thể chuyên gia. Chuyện từ ngã bảy, ngã ba đến hẻm nhỏ, nhà người ta, chuyện nào mấy ổng cũng rành sáu câu vọng cổ.
Bây giờ đã là tháng tư, thành phố rào rạo những câu chuyện diễu binh, diễu hành rồi bắn đại bác ăn mừng lễ lớn. Lễ từ khu trung tâm thành phố lan đến cái xóm nhỏ rần rần mấy hôm nay. Mới chiều qua, lúc dọn quán, Dậu còn nghe mấy ông già nhắc nhau mua sơn í ới. Dậu lom khom chồng mấy cái ghế lại cho gọn cũng thắc mắc trong lòng. Nhà ai sơn lại vậy chú Bình. Ông già tóc bạc trắng cười hềnh hệch, hỏi chi, mai rồi biết.
Thế là nay Dậu ngóng mấy ông già đến nắng rải vàng mà chẳng thấy bóng dáng ai. Quán thiếu mấy ông già như Sài Gòn buổi sáng mà hổng có bánh mì. Đang ngồi vắt vẻo chéo chân đọc cái dòng tin tức ngày tổng duyệt ngoài trung tâm thì mấy ông già sà tới. Cà phê, cà phê sữa, sữa nóng… Tiếng gọi món quen lao xao cả không gian xóm nhỏ. Tay người cầm cọ, tay người xách sơn. Dậu chưng hửng, chưa kịp hỏi gì thì đã thấy thêm vài ông già tay cầm thước, tay cầm cờ. Rồi mấy ổng tính làm gì nữa đây trời!
Dậu thắc mắc, bởi cái xóm nhỏ có mấy ông già ở không, có nghĩa là về hưu, nên rảnh rỗi thường hay bày biện. Đến nỗi, vợ con mấy ổng lâu lâu dáo dác từ nhà chạy ra cái quán cà phê đầu hẻm mà tìm hỏi. Khổ nỗi, Dậu đâu quản nổi đôi chân của mấy ông già, nên nhiều khi mấy ổng túm tụm nhau la cà ta bà thế giới chừng về nhà sợ vợ con la lại chỉ ra cái quán cà phê của Dậu. Nhiều lúc, Dậu như kẻ tòng phạm, kiểu biết mà giấu. Nhưng, kỳ thực Dậu không biết gì. Chỉ biết mấy ông già từ muôn hướng, tụ lại cái xóm nhỏ này, sau mùa xuân ấy. Trận đánh cuối cùng tại Sài Gòn, là trận đánh dắt mấy ông già về cái vòng xoay phía trước. Rồi như một phần của định mệnh, mấy ông già chọn cái xóm nhỏ này để gá luôn phận mình tròm trèm nửa thế kỷ này.
Xóm ngụ cư của bộ đội ngày đó còn xập xệ, điện nước thiếu thốn, đường cày xới nát bét. Xóm bây giờ đường nhựa láng coóng, nhà cửa cao rộng, hoa trồng rực rỡ. Thoảng khi rảnh tay, Dậu hay nghe mấy ông già kể chuyện xưa. Chuyện mấy mươi năm trước mà mấy ổng nhớ ron rót. Kể miết thì Dậu thuộc lòng. Nên cứ theo mùa, mấy ổng đem chuyện cũ ra hong ấm đời mình, là Dậu lại bắc cái ghế kề sát bên, lâu lâu nhắc tuồng. Có khi năm ngoái kể thiếu đoạn này, năm sau mấy ổng bỏ vô thêm. Không phải quên đâu, tại kể nhấp nhứ vậy cho mỗi năm có cái mà đem ra kể. Kể rồi cãi. Tỷ như nhớ nhầm, nhớ sai. Ông này cãi ông kia. Cãi rồi cười. Cười cho mấy cái xưa xa mà nhắc lại cứ hừng hực như hồi mười tám, hai mươi ôm súng băng Trường Sơn. Cười rồi khóc. Khóc ngon lành. Nước mắt ầng ậc. Người run bần bật. Đó là những ngày tháng tư gõ lên phố xá Sài Gòn những âm ba vọng vang của trận đánh cuối cùng.
***
Ba nói ngày đó chẳng biết tại sao nội lại chọn cái xóm nhỏ này làm nơi tá túc. Chỉ biết có những ngày bà nội theo các chuyến xe hàng vải từ ngã tư Bảy Hiền lên tuốt luốt Hóc Môn, Củ Chi, rồi tận Tây Ninh để bán. Cũng có hôm ông nội đi giao báo đâu cả buổi trời qua tận khu sân bay. Hồi đó quán nghèo lẹp xẹp, cứ để đó cho ba Dậu coi. Cứ vậy mà ba Dậu mới mười lăm tuổi đã rành rọt pha cà phê, bạc xỉu hay nước chanh muối. Những tháng ngày trước cuộc chiến, ông bà nội đi biền biệt. Thiên hạ trong cái xóm nhỏ gói ghém đồ để chạy. Chạy tán loạn. Chạy về sân bay. Chạy ra sông Bạch Đằng. Chạy lên khu trung tâm kiếm nhà cao tầng có trực thăng mà leo vào. Chạy trong thấp thỏm. Bước lo lắng. Bước hoang mang. Riêng ba Dậu vẫn mở cái quán cà phê ra bán. Thoảng khi ông nội chạy về xẹt ngang. Không có đi đâu hết. Đây là nhà mình. Đất này là quê hương. Giải phóng trong suy nghĩ của đứa con trai mới mười lăm tuổi là không còn đại bác ru đêm. Không còn hỏa châu thắp sáng thành phố. Giải phóng là không nghe tiếng khóc nấc của mấy bà má có con mình tử trận. Giải phóng là bình yên bán quán nước. Hay thậm chí sẽ được làm lại giấy tờ để đi học. Vậy nên, ba Dậu không chạy. Mà xế trưa đó còn ngoắc mấy chú bộ đội cho uống cà phê, cho uống nước ngọt miễn phí. Nội không la ba Dậu, chỉ nói nhỏ với mấy ông bộ đội điều gì đó. Rồi họ cùng nhau hút thuốc, cùng cười, tay bắt mặt mừng ríu rít.
Mãi sau này, khi bà nội mất, Dậu thấy nhiều người bạn già từ miền Tây rồi miền Đông lần lượt về viếng, mới vỡ ra câu chuyện bên bàn nước là họ nhắc về bà nội với những chuyến giao liên đường dài đưa tin từ nội đô Sài Gòn về Trung ương cục miền Nam. Ông nội cũng là giao liên, nhưng phụ trách đường ngắn, chịu trách nhiệm thu thập tin tức của Bộ Tổng tham mưu đặt tại khu phòng thủ sân bay Tân Sơn Nhứt ngày đó. Ký ức năm tháng can trường được mấy ông bà già cựu chiến binh kể nhau nghe. Kể luôn cho đám cháu con đang quây quần để hiểu được quãng đời lênh đênh từ làng gốm Lái Thiêu về neo đời ngay vòng xoay Lăng Cha Cả của hai vợ chồng giao liên.
Dậu bắt đầu lớn lên bằng những câu chuyện tháng tư của ông nội và mấy ông già cựu chiến binh trong cái xóm nhỏ. Mãi sau này, Dậu vẫn hay ngồi từ quán cà phê của gia đình nhìn ra cái vòng xoay mà tưởng tượng. Biến thiên dâu bể đổi dời để vòng xoay ngày trước giờ thành một giao lộ rộng lớn, nhưng cái xóm nhỏ vẫn bàng bạc ký ức của trận chiến cuối cùng cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn.
Bộ đội hành quân đến đây vào đúng sáng 30.4 thì đụng phải sự kháng cự của lính Bộ Tổng tham mưu và sự chi viện một số ít biệt cách dù 81. May có cánh E24 được giao liên nội đô chỉ đánh bọc từ đường Võ Tánh thọc nách qua, rồi đánh luồn vào các con hẻm để thông ra khu nhà binh nên chiếm giữ được hoàn toàn sân bay và Bộ Tổng tham mưu. Nhưng, ngay thời khắc thống nhất đó, cả chục chiến sĩ của Trung đoàn xe tăng 273 đã nằm xuống tại cái vòng xoay này. Cái chết giữa thời khắc hòa bình khiến người ở lại đớn đau khôn tả. Vậy nên, khi được điều động ở lại tái thiết, mấy chú bộ đội chọn luôn cái xóm có ông giao liên chỉ đường khi ấy để làm nơi tá túc. Cuộc tá túc ngỡ một quãng sống chừng ngó lại đã là trọn cuộc người. Lấy vợ, sinh con, rồi cháu chắt cứ vậy ra đời. Cái xóm nhỏ neo luôn phận đời mấy ông già đi qua heo may phần số. Ông nào còn thì sáng tụ tập cà phê, ông nào mất thì hóa cốt quy cố hương. Cả cái xóm có ngày giỗ chung, là ngay ngày đồng đội E24 đã nằm lại vòng xoay mùa xuân ấy.
Dậu hay gọi mấy ông già là người kể chuyện tháng tư từ dạo biết gốc tích của cái xóm nhỏ xanh màu áo lính này.
***
Nay mấy ông già sơn tường, những bờ tường trong xóm nhỏ bỗng chốc được nhuộm nền đỏ và ngôi sao vàng năm cánh. Mấy ông già mồ hôi nhễ nhại giữa cái tiết trời hâm hấp nóng của tháng tư. Dậu làm một ca trà đá đường thật to đặt ngay chỗ mấy ông già đang hí hoáy vẽ. Miệng cười tươi rói hỏi ai lên ý tưởng mà hay vậy mấy chú. Mấy ông già cười hề hề, ai đâu, bữa coi ti vi thấy chiếu cái xóm nào đó bên chợ Bàn Cờ sơn đẹp quá. Rực rỡ đã mắt. Vậy là tụi tao đi gõ cửa từng nhà xin sơn. Ai dè đồng ý hết, còn cho tiền mua sơn. Kỳ này xóm mình ăn lễ lớn nhất nước luôn nha mậy. Dậu cười hí hửng. Vậy thôi, con tài trợ nước miễn phí, uống gì ra quán cà phê lấy nhen. Năm mươi năm mới có một kỳ, đâu phải bánh mì ngày nào cũng có. Chơi tới bến Bạch Đằng luôn mấy chú ơi.
Dậu hơn ba mươi tuổi, có nghĩa là khi Dậu sinh ra đã hưởng được cái bình yên trên đất này. Bức tranh thời chiến với những mảng màu tối sáng mà Dậu có được trong ý niệm mình là từ những mảnh ghép trong ký ức của mấy ông già, của nội, của ba. Hồi Dậu nghỉ làm sau đợt tinh giản của công ty khi mùa dịch vừa qua, ba hỏi Dậu có chịu bán quán cà phê không? Ba sợ đám trẻ bây giờ cứ khoái ngồi máy lạnh, mặc sơ mi, đóng thùng, chui vào mấy tòa nhà để làm việc. Vậy nó sang trọng hẳn ra. Còn bán cà phê lóc cóc thì quê mùa, cùn mằn và hổng có sang. Dậu nhìn tóc ba bạc quá nửa đầu, cái lưng bắt đầu lom khom. Dậu nhìn dáng mẹ khập khiễng mỗi khi dọn hàng. Dậu ứa nước mắt. Cái quán cà phê lóc cóc vậy mà đi qua đời ông bà nội thời tao loạn, gánh gồng những năm đứa con. Rồi trong năm đứa đó, mỗi ba là chọn kế thừa cái chiêu thức kho cà phê trên bếp lửa làm cà phê đặc sánh, dẻo kẹo lại, khiến bao người ghé ngang cái xóm này đều mê tít. Cái quán cà phê này cũng giúp ba má nuôi trọn vẹn ba người con học hành đỗ đạt. Giờ anh chị có gia đình riêng, có cơ ngơi hẳn hoi, mỗi mình Dậu là còn ở lại cái xóm nhỏ này cùng ba má. Không phải Dậu thì là ai.
Dậu không nghĩ nhiều được, Dậu biết món cà phê ủ trong vợt và kho trên bếp lửa này, Sài Gòn giờ chắc không còn ai bán. Nhưng, đâu đó của thị thành này vẫn còn những người nhung nhớ vị xưa nếp cũ mà tìm đến uống. Cũng giống như mấy ông cựu chiến binh luôn chọn cái quán làm nơi tụ họp, gặp gỡ bạn bè. Vậy nên, Dậu gật đầu, Dậu thử thách mình trong ba tháng để xem cái duyên bán buôn của mình nó đến mức nào. May mắn, Dậu học nghề nhanh, chỉ tròn nửa tháng là ba má giao hẳn cho Dậu và trở thành khách hàng quen của quán mỗi bận sáng sớm tụ tập cùng mấy ông già. Hai người khách duy nhất mà uống cà phê khỏi cần trả tiền.
***
Giỗ xóm năm nay tổ chức sớm, mấy ông già quyết vào một buổi sáng cuối tuần. Ai nấy gật đầu rùm rụp. Giỗ ngày 29. Giỗ sớm để còn đi coi diễu binh, diễu hành. Còn ra Bạch Đằng xem bắn đại bác. Mấy ông già bàn tán xôn xao. Dậu khẽ quay lại, chìa tờ báo ra, nè mấy chú coi đi, thiên hạ nườm nượp kéo ra, đông cứng ngắc, mấy ông chen ra rồi làm lại đám trẻ không? Dậu không bàn ra, nhưng Dậu lo mấy ông già trẻ nhất cũng đã gần bảy chục tuổi, mà già nhất thì cũng gần tám chục xuân xanh. Gọi xuân xanh là nói cho văn vẻ chứ xuân như mấy ông là xuân mòn rồi. Ở nhà coi ti vi là sướng nhất nhen!
Ơ hay! Coi ti vi không có đã. Bữa đó tụi tao mặc đồ lính, đeo huy chương vào. Tụi tao đi đến đâu, chắc người ta cũng ưu tiên mà. Ông nào đó nhất quyết phải đi. Cách đi ưu tiên là vậy. Năm chục năm trước mình tiến vào thì năm chục năm sau mình cũng phải có mặt. Hồi đó có bao giờ nghĩ sống đến lúc này. Đâu bao giờ mơ thấy thành phố có metro. Nên phải đi, bàn tới chứ không bàn lùi. Hay hôm ấy mày dẫn tụi tao đi nha Dậu. Ông nào đó phát biểu. Mấy ông còn lại đồng thanh lên tiếng. Khỏi cần Dậu chịu hay không. Mấy ổng bàn như đúng rồi. Nào là phải dậy sớm, phải chỉnh tề trước 5 giờ sáng. Rồi phải dặn xe trước không lại chẳng có ai chở cả chục người ra ngoài khu trung tâm thành phố. Lính một ngày là lính một đời. Đúng 5 giờ xuất phát. Ai trễ là kỷ luật, đuổi khỏi hội cà phê sớm của nhóm ngay.
Đấy cứ rộn ràng lạo xạo từ hồi đầu tháng đến tận giờ vẫn mỗi chuyện tháng tư âm ba ngọn sóng cuộn trào trong tâm trí mấy ông già. Thì thôi được rồi, con dẫn mấy chú đi, cứ từ tốn mà đi theo con; nhưng mà nè, rồi sao mấy ông sơn hết cái xóm, lại chừa ngay cái bờ tường quán cà phê không sơn? Mai không sơn cho con, thì bữa đó con không dẫn đi. Dậu hỏi rồi chỉ vào sau lưng mấy ông già. Đồng loạt những mái đầu bạc thếch màu thời gian quay lại rồi cười ha hả. Ờ tại tui tao quên. Mày làm dữ vậy. Mai tụi tao sơn. Dậu được thể đòi thêm, sơn thêm chữ “Quán cà phê Tháng tư” nhen mấy chú.
Không ai nói ai, mấy ông già gật gù, hiểu ý Dậu.