
Vị trí đặt nhà ga trong hồ sơ có mật độ dân cư dày đặc – Ảnh: TRẦN MAI
Ngày 11-7, Sở Xây dựng đã có báo cáo tình hình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án đường sắt tốc độ cao gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi. Những bất cập hướng tuyến trong hồ sơ nghiên cứu dự án cũng được sở tham mưu, đề xuất phương án tháo gỡ.
Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao “trúng” khu tái định cư cao tốc
Quảng Ngãi xác định dự án đường sắt tốc độ cao là công trình giao thông trọng điểm quốc gia, nên thời gian qua chủ động rà soát thực địa hướng tuyến, dựa trên hồ sơ ranh giới dự án do đơn vị tư vấn lập trong báo cáo tiền khả thi, sẵn sàng bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Trung ương yêu cầu.
Qua khảo sát thực địa, đối chiếu hồ sơ, cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Ngãi xác định hướng tuyến đi qua ba khu tái định cư mới hoàn thành là Hành Thuận, Điền An và Đồng Mốc (thuộc hai dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Quảng Ngãi – Hoài Nhơn).
Ba khu tái định cư này người dân mới vào sinh sống sau khi di dời nhường đất cho đường cao tốc. Vì thế nếu giữ nguyên hướng tuyến đường sắt tốc độ cao trong hồ sơ, người dân tiếp tục di dời chỗ ở, dễ phát sinh bức xúc, gây khó trong giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, tuyến còn đi qua di tích địa đạo Hiệp Phổ Nam, trụ sở hành chính, nghĩa trang liệt sĩ, trường học và chợ trung tâm xã Nghĩa Hành; một đoạn ở phía bắc tỉnh cắt ngang hai hồ chứa nước lớn tại xã Bình Sơn.
Hướng tuyến dự án ở phía nam tỉnh còn chồng lấn với phạm vi dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn. Đặc biệt là đoạn qua hầm cao tốc số 1, cách các hầm số 2 và 3 chỉ từ 100 – 150m, đồng thời cắt ngang hai nút giao cao tốc phía nam Quảng Ngãi, gây nguy cơ xung đột hạ tầng khi thi công và khai thác.

Hướng tuyến đường sắt trên hồ sơ cắt ngang khu tái định cư Đồng Mốc – Ảnh: TRẦN MAI
Quảng Ngãi đề xuất phối hợp tháo gỡ bất cập
Về vị trí đặt nhà ga, theo phương án hiện nay, nhà ga depot dự kiến bố trí tại phía tây Khu công nghiệp Quảng Phú (phường Nghĩa Lộ).
Tuy nhiên theo đánh giá của Sở Xây dựng, vị trí này mật độ dân cư, nhà cửa rất lớn và chồng lấn một nhà máy chế biến thủy sản, rộng hơn là Khu công nghiệp Quảng Phú đang hoạt động… việc kết nối giao thông của nhà ga sẽ gặp khó khăn.
Với sự chủ động trong công việc, phát hiện những bất cập ngay từ thời điểm này, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, chỉ đạo đơn vị tư vấn điều chỉnh cục bộ hướng tuyến, hoặc có giải pháp phù hợp hơn nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng, hạn chế xung đột với các hạ tầng, chồng lấn dự án trọng điểm quốc gia khác, đảm bảo tiến độ tổng thể của dự án.
Đối với vị trí nhà ga, cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Ngãi đề xuất dịch chuyển vị trí nhà ga về phía nam khoảng 2,5km (khu vực giáp ranh giữa phường Nghĩa Lộ và xã Nghĩa Giang), bởi khu vực này chủ yếu là đất nông nghiệp, đảm bảo diện tích xây dựng nhà ga và thuận lợi cho tổ chức giao thông kết nối, phù hợp định hướng phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).
Theo kế hoạch, Hội đồng Thẩm định Nhà nước sẽ thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong tháng 9-2026. Các địa phương liên quan sẽ chịu trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng trước tháng 12-2026.
Dự kiến công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và chuẩn bị điều kiện thi công sẽ được triển khai ngay sau đó, với mục tiêu khởi công trước ngày 31-12-2026 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2035.
Theo báo cáo tiền khả thi, dự án qua Quảng Ngãi dài hơn 86km, qua 17 xã phường, chạy song song với đường sắt và quốc lộ 1 hiện hữu. Nếu thực hiện như báo cáo, đoạn qua Quảng Ngãi có 44 cầu, 4 hầm…
Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ngãi đã chủ động lên phương án từ quỹ đất làm khu tái định cư, đến đánh giá thực địa và lên phương án bồi thường, sẵn sàng thực hiện khi Trung ương chỉ đạo.